Phan Xuân Thanh - Tổng giám đốc Công ty Emic Hospitality Hội An, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam: Kinh doanh phải biết "trả ơn đời"
Không thể chú tâm tăng trưởng bằng mọi giá, làm lợi cho riêng mình mà phải xây dựng chiến lược doanh nghiệp đạt 3 mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường, không thể dồn hết rủi ro cho mai sau. Đó là chuyện được nhắc đến nhiều nhất trong cuộc gặp gỡ với nhà doanh nghiệp bắt đầu bằng một doanh nghiệp xã hội đến kinh doanh sản phẩm đặc hiệu và là chủ tịch hiệp hội du lịch lên tiếng kêu gọi bảo vệ môi trường!
* Hội An, Quảng Nam đang phát triển du lịch thiếu tầm nhìn, chạy theo số lượng. Kiểu du lịch đại trà, giá rẻ đã “bức tử môi trường”. Không lẽ không có cách gì xử lý?
Ông Phan Xuân Thanh: Hội An, Quảng Nam không phải là biệt lệ mà phát triển du lịch của nhiều tỉnh, thành Việt Nam đang vấp phải tình trạng này. Chính từ suy nghĩ kinh doanh quá dễ, không cần phải đầu tư cho kiến thức, học vấn, cứ thấy thiếu khách sạn, nhà hàng thì mở. Sai lầm không dựa trên một hệ quy chiếu bền vững… đã dẫn đến sự lệch lạc, chệch choạc như hiện tại.
Có thể trong một giai đoạn nhất định “buộc” phải chạy theo số lượng để giải quyết việc làm, thoát nghèo, làm giàu hay thu ngân sách… nhưng đến lúc phải xem chất lượng tăng trưởng là tiêu chí hàng đầu. Không phải là không có cách. Chỉ cần người kinh doanh hiểu được chuyện kinh doanh ăn xổi… dẫn đến “môi trường địa phương” bị biến dạng, thấy ám ảnh rác, ô nhiễm môi trường…, quay lại tìm hiểu, thu nhận kiến thức và lên tiếng kêu gọi cộng đồng cùng sửa thì sẽ giải quyết được vấn đề!
* Rác thải đang bùng phát tại địa phương vẫn chưa có cách xử lý thì liệu có hy vọng gì về chuyện phát triển bền vững?
Ông Phan Xuân Thanh. |
Ông Phan Xuân Thanh: Tình trạng ô nhiễm môi trường từ chất thải, khói, bụi, tiếng ồn… vẫn đang xảy ra với tốc độ chóng mặt. Nếu tình trạng này không được cải thiện sẽ ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế, nhất là du lịch và nông nghiệp. Tuy nhiên, xử lý rác thải hay ô nhiễm môi trường hiện nay là điều quá nan giải, khi hệ sinh thái xử lý thiếu bền vững (thiếu nhiều nhà máy xử lý rác, thiếu công cụ xử lý ô nhiễm môi trường). Điều cần nhất là chính quyền địa phương phải xem đây là việc đầu tiên, quan trọng tìm cách giải quyết. Nhưng cũng chỉ kỳ vọng.
Diễn đàn, hội thảo đầu tiên về xử lý rác thải nhựa của Hiệp hội Du lịch Quảng Nam vừa mở mang thông điệp “từ chối và tiết giảm tối đa”, khởi đầu truyền dẫn đến cộng đồng, doanh nghiệp phải là người đầu tiên tự ý thức tiết giảm rác thải, phải biết “từ chối” rác thải. Rác thải nhiều nghĩa là đầu vào của rác quá nhiều. Có thể giảm đầu vào được không? Được. Đó là không nhập bao ny lon, chai nhựa (dùng một lần) vào nhà hàng, khách sạn hoặc vận động mọi người sử dụng vật dụng, sản phẩm thân thiện môi trường… sẽ giảm thiểu lượng rác xả ra môi trường.
* Lựa chọn này như một cách cộng đồng doanh nghiệp muốn “trả ơn” đời? Nhưng một que diêm sẽ là không đủ cho một “cuộc chiến môi trường” dài hơi?
Ông Phan Xuân Thanh: Trả ơn nghe có vẻ lớn lao quá. Phải thừa nhận nếu không thừa hưởng từ những giá trị di sản, tài nguyên của địa phương thì ngành du lịch không thể phát triển như hiện tại. Nhưng muốn kinh doanh bền vững thì phải góp phần bảo vệ môi trường. Khó. Nhưng không phải không thực hiện được. Không cần phải có nhiều tiền để làm điều lớn lao, mà với việc góp phần làm sạch môi trường, góp phần phát triển bền vững là cách hiệp hội chọn khởi đầu bởi điều này sẽ dễ dàng lan tỏa hơn.
Cộng đồng doanh nghiệp đã nhìn thấy, được thể hiện bằng những hành động cụ thể. Thông điệp “Từ chối và tiết giảm tối đa”, kinh doanh trách nhiệm hiện đã lan tỏa mạnh tại địa phương. Doanh nghiệp bắt tay thực hiện. Những nhóm thiện nguyện đã đến từng thành viên hiệp hội hướng dẫn phân loại rác, chế biến, xử lý rác thành những sản phẩm có ích quay lại tái đầu tư cho nông nghiệp, vệ sinh môi trường…
Một hệ sinh thái hoàn thiện như các nước phương Tây thì sẽ còn rất lâu vì lệ thuộc nhiều thứ… Nhưng thay vì than vãn về sự xuống cấp của môi trường, mỗi người tự “đốt một que diêm” sẽ góp thành đám lửa. Còn “công nghệ” tái chế rác hữu cơ làm phân bón, nước lau sàn, tái chế dầu ăn thành xà phòng... không tốn nhiều tiền. Chỉ tốn chút không gian. Nếu thiếu thì có thể tận dụng. Vấn đề là có quyết tâm tiến hành hay không?
* Định danh một thương hiệu không dễ. Từ một doanh nghiệp xã hội đến kinh doanh bằng sản phẩm khác biệt, có phải là một lựa chọn đúng?
Ông Phan Xuân Thanh: Đã từng lập một doanh nghiệp xã hội để thực hiện trách nhiệm cộng đồng, nhưng triển khai đề án đã gặp khó khăn khi các dự án của các nhà tài trợ đều bị “đứng” và thiếu cả cơ chế nên không đủ lực hấp dẫn vốn các nhà đầu tư để “chạy” các dự án cộng đồng. Không còn cách nào khác, phải sống, nên đã chuyển sang con đường kinh doanh nhưng vẫn lồng ghép yếu tố xã hội. Chẳng hạn như sản phẩm bữa ăn trên đồng ruộng được cho là “bữa tiệc ngàn đô” của The Field vẫn hút khách. Người trồng lúa hay thực nghiệm chương trình này sẽ nhận lại mức thu nhập gấp 3 - 4 lần so với việc làm nông nghiệp.
* Liệu quan niệm “doanh nghiệp nào biết chăm sóc con người và môi sinh thì doanh nghiệp ấy thắng” khởi đầu từ thập niên 90 của thế kỷ trước vẫn còn nguyên giá trị?
Ông Phan Xuân Thanh: Cộng đồng doanh nghiệp muốn và cần ở chính quyền, cơ quan quản lý sự minh bạch về cơ chế, thực chất hơn, trở thành mắt xích quan trọng cùng doanh nghiệp tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm, bảo vệ môi trường. Song, doanh nghiệp cũng phải tự thức nhận rằng nếu không quan tâm đến môi trường sống, công luận và các định chế cộng đồng thì cùng lắm doanh nghiệp chỉ bán được hàng trong những thời điểm nhất định nhưng hoàn toàn không có khả năng phát triển bền vững để trường tồn.
Không người tiêu dùng nào muốn liên quan đến một thương hiệu không có nhân cách, nhân phẩm khi chính doanh nghiệp ấy vi phạm những giá trị tối thiểu cho cộng đồng nhân sinh, chẳng hạn gây ô nhiễm môi trường từ rác thải, khí thải, tiếng ồn hay tận diệt tài nguyên… Thực sự, một khi kinh doanh được ở Hội An, Quảng Nam thì yếu tố thương hiệu của địa phương đóng góp rất lớn vào thành công của doanh nghiệp. Nếu không có một thương hiệu chung cho vùng đất này thì doanh nghiệp đơn lẻ sẽ tự đào thải, hoặc rớt ra bên ngoài.
Nếu doanh nghiệp tận lực thực hiện trách nhiệm xã hội như một chiến lược phát triển thì giá trị thu lại sẽ không đo đếm được chỉ bằng tiền. Doanh nghiệp phải được nhìn nhận như một “thực thể có nhân tính”, không chỉ hoạt động duy nhất vì lợi nhuận mà còn vì động lực “thế thái nhân tình”. Lợi ích lớn nhất của doanh nghiệp là lợi nhuận, nhưng lợi ích phải được chia đều cho tất cả mọi người… Tại sao không thể cắt giảm hay thu hẹp kinh doanh khi nó ảnh hưởng đến môi trường? Một khi kinh doanh có trách nhiệm, chủ doanh nghiệp có thể tối ưu hóa lợi nhuận bằng chính chất lượng sản phẩm đặc hiệu của mình.
Thay vì bỏ tiền ra quảng cáo, marketing hãy chấp nhận bỏ tiền “mua lấy” sự ổn định môi trường, phát triển bền vững thì chỉ sau vài năm sẽ thấy ngay hiệu quả. Kinh doanh phải chấp nhận sự hy sinh ban đầu. Có thể chậm ban đầu nhưng sẽ đi nhanh về sau. Nếu giải quyết được thách thức môi trường sẽ tác động tốt đến vòng đời sản phẩm và cơ hội cho kinh doanh. Doanh thu sẽ tốt đó là điều chắc chắn! Đó mới chính là ý nghĩa đời sống của doanh nghiệp!
Thay đổi lối sống đã ăn sâu trong tiềm thức cộng đồng sẽ rất dài, không phải dễ. Nhưng một hành trình nào dù có ngàn dặm cũng phải bắt đầu từ những bước nhỏ! Thước đo sự kính trọng, không phải doanh nghiệp lớn hay nhỏ, kiếm được bao nhiêu tiền mà quan trọng hơn doanh nghiệp ấy đã mang lại cho xã hội cái gì, có góp phần làm thay đổi xã hội và làm cho cuộc sống của con người tốt lên hay không.
Xin cảm ơn ông!