Lòng dân Phú Phong với cách mạng

Phạm Thông 04/11/2019 14:18

Thiệt lạ, vùng trung Quế Sơn nằm ở chân núi Hòn Tàu, sát vùng tây, có nhiều dãy núi thông với Trường Sơn, gần căn cứ địa cách mạng, mà hầu hết các xã đều mới giải phóng vào tháng Giêng năm 1965. Trong khi đó, các xã Phú Phong, Phú Hương... nằm hai bên đường số 1, địa hình bằng phẳng, trống trơ mà lại giải phóng trước mấy tháng, ngay từ những tháng đầu, đợt đầu ồ ạt mở ra vùng giải phóng Quảng Nam vào cuối năm 1964.

Nguyên do là thế này, không riêng Quế Sơn mà nhiều nơi đều gần như thế, từ căn cứ lực lượng cách mạng băng đường 1 thọc thẳng vùng đông, giải phóng hàng loạt xã duyên hải thuộc các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình, Bắc Tam Kỳ, Nam Tam Kỳ... tạo ra một dải liên hoàn từ đầu mút phía nam ra chí phía bắc Quảng Nam vào cuối năm 1964. Công cuộc kháng chiến là của dân, dân nơi nào cũng chờ cách mạng như cá chờ nước. Có lẽ các xã phía tây do ta tổ chức cơ sở quần chúng chưa đến độ chín mùi, mặt khác ở phía đó địch bố trí phòng thủ chắc hơn nhằm ngăn chặn “làn sóng Việt cộng” từ rừng sâu tràn xuống. Vùng Đông là nơi bất ngờ đối với chúng. Chiến tranh nhân dân là vậy đó. Mỹ ngụy không nắm được lòng dân, Việt cộng ở ngay trong dân, tư tưởng của Việt cộng đã ẩn chứa theo những đường cày kháng chiến từ thuở Việt Minh. Phú Phong, Phú Hương là một vùng như vậy đó. Cơ sở cách mạng được cài cắm trong các làng Mông Nghệ, Phương Trì, Hương Quế, Đồng Tràm, Trà Đình... từ thuở các ông Ngô Tuận, Hà Đông, Lê Phận, Nguyễn Liếu được phân công trụ lại miền Nam sau Hiệp định Giơ-ne-vơ cho mãi tới những năm này. Tuy có lúc bể vỡ trước sự khủng bố trắng của địch, các ông Ngô Tuận, Lê Phận, Nguyễn Liếu và nhiều chiến sĩ cách mạng khác bị chúng sát hại hoặc bị cầm tù hết trọi, nhưng còn dân là còn cộng sản. Như người ta ví von “Việt cộng giống cỏ cú chôn trong đất, có điều kiện thích hợp là trỗi dậy, không thể tiệt nòi được”. Thật như thế! Vì chính nghĩa, vì nghĩa khí của họ đã ăn sâu trong lòng dân, không sớm thì muộn Việt cộng cũng trỗi dậy. Mà Việt cộng là dân đấy chứ ai. Dân sẽ tự giải phóng chính mình khỏi ách cai trị tàn bạo của bọn Mỹ ngụy một khi có sự lãnh đạo của Đảng, của Đội công tác. Đội công tác cũng ai xa đâu, họ là người từ nông dân giác ngộ cách mạng thoát ly lên núi, được tổ chức thành đội năm bảy người kéo về quê, gây cơ sở, phát động nhân dân vùng dậy tự giải phóng mình.

Vùng đông đã giải phóng, sau vài tháng vùng trung, vùng tây cũng đồng loạt đứng lên tự làm chủ. Vùng trung, vùng tây được giải phóng tạo thế liên hoàn đông - tây Phú Hương, Phú Phong ấm lưng hơn. Lấy đất Phú Phong làm mốc hướng về phía tây, từ Trà Đình băng ruộng qua đường 1 ở đoạn Cống Ba lên Phú Hương, đâm chéo ra chợ Gò Dê - Phú Giêng, leo đèo Đòn Gánh tới Sơn Trung, vượt đèo đá Trắng đến Sơn Khánh, Sơn Thạch rồi đi tiếp về chiến khu ở nơi xa tít Trường Sơn; hướng về phía đông, từ Đồng Tràm - Phú Phong băng nỗng cát xuống Bình Giang, qua sông Trường Giang đến Bình Dương đâm luôn ra bờ biển; rẽ vào phía nam, ngoặt ra phía bắc theo dọc sông Trường Giang bốn năm chục cây số đều là làng xã cách mạng làm chủ từ tháng 8, tháng 9.1964. Như thế có nghĩa, lúc này từ Phú Phong, người của cách mạng có thể đi giữa ban ngày đến nhiều nơi, nhiều vùng của tỉnh.

Đúng! Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, cuối năm 1964 đầu 1965 về lực lượng vũ trang các huyện thường chỉ có một đại đội, tỉnh Quảng Nam chỉ có Tiểu đoàn 70, có chăng nữa là một vài đại đội, trung đội đặc công, trinh sát độc lập, ấy thế mà ta đã dựa chắc vào dân, phát động quần chúng đấu tranh theo phương châm “Hai chân ba mũi giáp công”, kêu gọi binh lính nổi dậy làm chủ hầu hết miền núi, nông thôn đồng bằng Quảng Nam....

Sau khi giải phóng, hệ thống chính trị của xã kháng chiến Phú Phong được thành lập, gồm Ủy ban Mặt trận do ông Lê Hữu Lan là người có học, người hoạt động từ thời trước Cách mạng Tháng Tám làm Chủ tịch, ông Nguyễn Khóa có năng lực đầy tâm huyết làm Chủ tịch Ủy ban; hình thành các bộ phận quân sự, chính trị - binh vận, an ninh, tài chính, sản xuất..; các hội đoàn thể như thanh niên, phụ nữ, nông dân... tất cả chịu sự lãnh đạo của Chi bộ xã Phú Phong.

Được giải phóng, được làm chủ quê hương, công việc quản lý xã hội bộn bề, trong đó có một khâu rất nan giải, đó là việc học của các cháu. Trường tiểu học nằm trong hệ thống giáo dục của địch, các thầy cô ăn lương của chế độ Sài Gòn, được bổ nhiệm về các trường theo sự quản lý thống nhất từ Ty Giáo dục ngụy. Ta giải phóng, ta làm chủ làng xã, họ là người nơi khác tới, dạy mà không lương vả lại họ chưa tự nguyện theo kháng chiến nên bỏ về quê, lên vùng địch hết trọi. Không còn trường, không còn thầy, thế thì con em vùng giải phóng Phú Phong học ở đâu để có cái chữ, kháng chiến còn dài không khéo thất học hết cả một thế hệ. Theo chủ trương của trên, các vùng giải phóng phải mở trường để con em được học. Thế là cán bộ phải có trách nhiệm vận động những người có học lực trung học ra dạy lớp ba, lớp bốn cho lứa tuổi thiếu nhi. Các cháu nhỏ hơn ở nhà cha mẹ anh chị bày, chiến tranh bom đạn bời bời các cháu nhỏ quá chưa biết tự vệ, không thể liều được. Một số em ở tuổi 13 - 15 học dở trung học tại Hà Lam, Nam Phước bỏ về vùng giải phóng được đưa lên Sơn Trung, Sơn Thạch học cấp II trường giải phóng theo chương trình hệ 10 năm của miền Bắc....

Khâu cấp bách nhất, chủ yếu nhất của thời chiến vẫn là phát triển lực lượng vũ trang. Kháng chiến có nghĩa là giành chính quyền bằng bạo lực, đánh giặc, chiến thắng giặc là nhiệm vụ trên hết. Vì thế phải gấp rút có ngay trung đội du kích xã, tiểu đội du kích thôn. Nhiều người đang ở trong hàng ngũ lính ngụy, biết quê hương giải phóng bỏ về quê trở thành đội viên du kích chiến đấu ngoan cường. Mỗi nhà đều có hũ gạo tiết kiệm, mỗi bữa nấu cơm bỏ vào một nắm dành cho du kích ăn no đánh giặc giữ làng.

(Còn nữa)

Phạm Thông