Thời gian để sống
Thời gian sẽ luôn là nỗi thao thức của kiếp người, và chỉ có con người mới trăn trở với thời gian.
Sống, thời phải làm ăn. Ăn để sống thì cần suốt đời. Nhưng làm để sống thì mỗi người mỗi khác. Vậy nên vấn đề thời gian làm việc mà các đại biểu Quốc hội vừa bàn luận e khó rốt ráo. Sao có thể lấy ta so với Tây khi thể trạng và trình độ phát triển nhân lực khác nhau? Sao có thể kéo dài thời gian làm việc bằng cách tăng tuổi hưu? Sao tính cho công nhân lao động nặng nhọc 48 tiếng đồng hồ, còn quan chức ngồi trong phòng làm việc máy lạnh chỉ 40 giờ/tuần? Nếu lý giải như các ông Vũ Tiến Lộc và Đào Ngọc Dung rằng còn nghèo nên phải làm nhiều, vậy sao trên thế gian có người giàu làm rất ít (mà vẫn giàu) còn người nghèo làm tối mắt tối mũi (mà vẫn nghèo)?
Lại có người tính nếu Việt Nam giảm từ 48 giờ xuống 44 giờ, tổng chi phí lao động sẽ phải tăng lên 10%; tổng giá trị xuất khẩu giảm đi khoảng 20 tỷ USD/năm và tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm 0,5%. Sao không tính ngược lại, một giờ của chuyên gia hay lao động tay nghề cao có năng suất, hiệu quả bằng nhiều giờ của lao động tay nghề thấp, sao tất cả cứ phải làm đủ 48 giờ/tuần? Thực tế các nước phát triển đều giảm giờ làm của con người, bù đắp bằng lao động máy móc, thu nhập vẫn cao, giá trị thặng dư vẫn tăng là nhờ yếu tố đó. Nếu tăng giờ làm mà thu nhập vẫn thấp là tăng mức bóc lột, cho nên mới xảy ra các cuộc đấu tranh về quyền lợi của công nhân từ quá khứ đến hiện tại đòi tăng lương giảm giờ làm. Bởi có mấy ai “tự nguyện” muốn tăng giờ nếu không có thêm thu nhập.
Trong khi giới “cần lao” còn chật vật với cuộc mưu sinh, không có thời gian để học tập, chăm sóc gia đình, thì điều đáng nói là thực trạng lãng phí thời gian quá nhiều ở khu vực nhà nước. Tuần làm việc 40 giờ đối với cán bộ nhà nước vẫn chưa được đo đếm sát thực hiệu quả vì chưa định lượng được giá trị sản phẩm trên vị trí việc làm. Thậm chí trong việc định chuẩn cán bộ theo thước đo bằng cấp, nên nhiều người lạm dụng thời gian đi làm để… đi học; có khi học để giải quyết khâu oai nên cán bộ xã, huyện cũng chạy bằng thạc sĩ, tiến sĩ tràn lan. Lại thêm nạn “loạn họp” nên có những cán bộ suốt ngày phải đi họp, như ở thành phố nọ có giám đốc sở một năm dự 2 ngàn cuộc họp. Đi học và họp quanh năm suốt tháng, nên chuyện làm thì khơi khơi, làm chơi mà ăn thiệt (nhiệt tình với những việc có kiếm chút lợi, không thì lơ là, lánh nặng tìm nhẹ). Chưa ai đo đếm thiệt hại do lãng phí và tham nhũng thời gian là bao nhiêu, nhưng hẳn phải là con số không nhỏ.
Thời gian để sống không chỉ là thời gian làm việc. Tỷ phú thời gian là người biết làm việc đủ để sống, ngoài ra là dành để hưởng thụ cuộc sống. Hiệu quả làm việc đôi khi được đo đếm bằng tốc độ thời gian “một ngày bằng hai mươi năm”, hoặc bằng tâm lý “một ngày dài hơn thế kỷ”. Hiệu quả thời gian để sống còn ở chỗ “thọ mạng” được bao lâu, làm ra được bao nhiêu giá trị ý nghĩa cho cuộc sống của mình và xã hội, đồng thời được biết và thụ hưởng những gì cuộc đời đem lại. Như con phù du sanh ra rồi bay trong chạng vạng, thời gian đời nó chưa biết đến một tuần. Con ve kêu sầu mùa hè không biết đến mùa đông. Con rùa có thể thọ mấy trăm năm không cần đếm bao mùa lá rụng. Nhưng vạn vật dường như ít ý thức phải làm gì với thời gian, còn con người cứ phải hỏi thời gian nào để sống chứ không phải để chết vì chỉ trải qua sinh lão bệnh tử trong khoảng 100 năm. Làm việc gì, làm như thế nào, làm ra sao trong quãng thời gian càng ít càng tốt, để còn hưởng hạnh phúc được sống, đó không phải là đích giá trị mà con người muốn hướng tới hay sao?