Thảo luận Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương: Đề xuất lùi thời gian thông qua

VĂN HIẾU 01/11/2019 14:45

(QNO) - Sáng 25.10, Quốc hội tiến hành phiên thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Đại biểu Phan Thái Bình - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam thảo luận tại hội trường Quốc hội. Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu Phan Thái Bình - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam thảo luận tại hội trường Quốc hội. Ảnh: quochoi.vn

Nội dung thảo luận tập trung vào việc quy định khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện; biên chế, số lượng lãnh đạo cấp phó trong cơ hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập; việc phân quyền, phân cấp, ủy quyền; mô hình tổ chức chính quyền địa phương; số lượng phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh, phó trưởng ban chuyên trách của HĐND cấp tỉnh, phó chủ tịch UBND cấp xã và bộ máy giúp việc của chính quyền địa phương.

Tham gia thảo luận, đại biểu Phan Thái Bình - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam thống nhất với phát biểu của một số đại biểu đề nghị không phân biệt loại đơn vị hành chính để bố trí số lượng phó chủ tịch UBND xã như dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định (UBND xã loại I, loại II có không quá 2 phó chủ tịch UBND; xã loại III có 1 phó chủ tịch UBND). Theo đại biểu Phan Thái Bình, luật nên quy định UBND các xã bố trí không quá 2 phó chủ tịch, trên cơ sở thực tiễn và tổng biên chế được giao các địa phương có thể bố trí 1 hoặc 2 phó chủ tịch để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Về bộ máy giúp việc của chính quyền địa phương, đại biểu Phan Thái Bình băn khoăn, dự thảo luật quy định bộ máy giúp việc của chính quyền địa phương, nhưng trong đó lại giúp việc chung cho 3 hoặc 2 văn phòng theo 2 phương án, như vậy vô hình trung Đoàn đại biểu Quốc hội là chính quyền địa phương. Như vậy là không đúng, bởi vì Đoàn đại biểu Quốc hội không phải là chính quyền địa phương, chính quyền địa phương chỉ có HĐND và UBND tỉnh, ban soạn thảo cần xem lại quy định này cho phù hợp với Hiến pháp.

Theo đại biểu Phan Thái Bình, về thời gian có hiệu lực của dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương là đến ngày 1.6.2021, trong thời gian này đang thí điểm việc sáp nhập 3 văn phòng tại 12 tỉnh, thành phố theo Nghị quyết số 580/2018/UBTVQH14 ngày 4.10.2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV, trong khi Chính phủ chưa đánh giá, tổng kết tính khả thi của việc sáp nhập văn phòng nhưng luật đã thông qua. Như vậy những vấn đề qua tổng kết nếu phải điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn thì không điều chỉnh được, đại biểu đề xuất Quốc hội nên lùi thời gian thông qua dự thảo luật này.

VĂN HIẾU