Giảm rác thải nhựa các khu sinh quyển
Hôm qua 30.10, tại TP.Hội An diễn ra hội thảo “Thúc đẩy các giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa dựa trên cách tiếp cận học tập chuyển đổi tại các khu dự trữ sinh quyển thế giới của Việt Nam”. Hội thảo đã thu hút nhiều ý kiến chia sẻ kinh nghiệm của các chuyên gia về môi trường.
Theo báo cáo của Liên hiệp quốc, mỗi phút trôi đi thế giới lại tiêu thụ thêm 1 triệu chai nhựa, trong khi mỗi năm con người sử dụng tới 5 nghìn tỷ túi nhựa dùng một lần. Theo thông tin từ Quỹ Hanns Seidel chia sẻ tại hội thảo, trong 50 năm qua lượng nhựa được tiêu dùng đã tăng gấp 20 lần và dự kiến tăng gấp đôi trong 20 năm tới. Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết, ngoài việc Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An đã thực hiện chiến dịch nói không với túi ny lon vào năm 2009 thì đến năm 2012, TP.Hội An cũng bắt đầu thực hiện phân loại rác và tỷ lệ hộ gia đình thực hiện phân loại ở mức cơ bản đạt 70% vào năm 2017. Tuy nhiên có thực tế là việc xử lý rác thải bước cuối của địa phương hiện không hiệu quả một phần bởi công nghệ lò đốt đã lạc hậu.
GS-TS. Nguyễn Hoàng Trí - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia chương trình con người và sinh quyển Việt Nam nhận định: “Giảm thiểu rác thải cũng là đóng góp cho quá trình xóa đói giảm nghèo. Nếu rác thải vẫn tiếp tục tăng lên, các loài thú quý hiếm còn lại trước sau gì cũng bị đe dọa và tiêu diệt”. Còn theo TS.Chu Mạnh Trinh (Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm), đã đến lúc các địa phương cấp huyện cũng cần phải có ban quản lý rác thải sinh hoạt để điều phối các hoạt động liên quan theo vòng đời rác thải.
Hiện nay, Việt Nam đã triển khai các giải pháp truyền thông nâng cao nhận thức về tác hại của rác thải nhựa và kêu gọi giảm thiểu cũng như tái sử dụng sản phẩm nhựa, tham gia các sáng kiến quốc tế về ngăn chặn rác thải nhựa, tổ chức các chiến dịch vận động từ cấp quốc gia đến địa phương. Bà Trần Lan Hương – Văn phòng UNESCO Việt Nam chia sẻ, thời gian qua hơn 20 đơn vị, doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cùng các tổ chức phi chính phủ đã tích cực phối hợp quảng bá các sản phẩm hữu cơ, dịch vụ thân thiện với môi trường. Đây là những thành viên tích cực trong mạng lưới Hội An Zero waste và cần khuyến khích mở rộng.
Cần nhiều sáng kiến
GS-TS.Nguyễn Hoàng Trí cho rằng, mỗi khu sinh quyển trên cả nước nên là một mô hình phát triển bền vững của địa phương. Một vài mô hình khu sinh quyển thế giới ở nước ta như Cù Lao Chàm – Hội An, Tây Nghệ An hay Đồng Nai hiện đã được đưa vào các nghị quyết của các địa phương để phấn đấu trở thành mô hình phát triển bền vững cho địa phương, đây là thành công bước đầu. Ba bước tiên quyết mà 9 khu dự trữ sinh quyển thế giới ở nước ta cần sớm hướng tới để thúc đẩy các giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa bao gồm: Phân tích xây dựng kế hoạch hành động, hành động và giám sát, điều chỉnh kế hoạch đó.
Bước đầu tiên để hướng đến “zero waste” (không rác thải nhựa) phải là nghiên cứu luồng chất thải bằng cách tiến hành kiểm toán rác thải. Theo thông tin từ tổ chức Greenhub, Lý Sơn, Nha Trang và Bái Tử Long đứng đầu về lượng rác thải trong số 11 khu bảo tồn biển/vườn quốc gia được khảo sát trong năm 2019, và tất cả có tỷ lệ rác thải nhựa áp đảo so với 6 loại rác thải còn lại. Trong khi đó, Cù Lao Chàm cùng với đảo Cát Bà là hai khu vực có khối lượng rác thải thấp nhất, tuy nhiên vẫn hiện hữu rác thải nhựa. Theo bà Trần Thị Hoa – đại diện Tổ chức Greenhub, trong vòng 1 năm (từ tháng 9.2018) sau khi kiểm toán rác thải tại khách sạn, nhà hàng ở Cát Bà, đến nay nhiều tín hiệu tích cực đã giúp Cát Bà hướng tới du lịch xanh khi có 30/85 phòng tiêu chuẩn xanh được áp dụng, chuyển đổi toàn bộ ống hút nhựa thành ống hút tre, tặng quà giảm giá cho khách hàng không dùng sản phẩm nhựa dùng một lần…