Câu hỏi về di cư
Hai mươi bốn gia đình ở Nghệ An, Hà Tĩnh trình báo với chính quyền về việc mất liên lạc với người thân tại Anh. Họ đang đau đớn và chờ một phép màu. Việc giám định AND đang được phía Việt Nam phối hợp với Anh khẩn trương thực hiện. Chẳng ai có thể đau đớn bằng họ, dù tất thảy ai đọc tin tức đó cũng mong một phép màu.
Cũng chẳng có ai có quyền trách cứ hay phán xét hay thương hại họ - những người đã chết, bởi họ là NGƯỜI và họ có quyền lựa chọn. Chính quyền và cả chúng ta, những người đang theo dõi từng giờ liên quan đến thông tin về 39 người xấu số trên chiếc container đông lạnh đó, đều không vô can. Không ai đảm bảo chắc chắn sẽ chấm dứt, hay ngăn được việc tiếp tục có người chọn con đường đánh cược sinh mạng để mong một cơ hội đổi đời.
Suốt 5 ngày qua, trên newsfeed của tôi, status, hình ảnh, video của bạn bè, group, fanpage tràn ngập và choán gần hết là thông tin về những gì xoay quanh người chết trên container. Cùng với đó là thông tin về đường dây buôn người, đưa người di cư bất hợp pháp, về những công việc bất hợp pháp trên đất Anh (trồng cần sa, tham gia các tệ nạn xã hội), về thân phận người Việt bị đẩy vào đường không nhân thân, bị chà đạp từ thể xác đến nhân phẩm. Không chỉ người Việt, người từ các quốc gia khác đến Anh bằng con đường này, được gọi bằng cụm từ “nô lệ thời hiện đại”.
Nên, phải làm gì, chứ không chỉ là nóng rần rần lên bởi bối cảnh và cường độ thông tin từ truyền thông, xong mươi hôm sau, sẽ lãng quên như kiểu thường thấy của tin mới nóng mỗi ngày, lớp sau đè lớp trước, rồi nếu có nhớ cũng qua quít như một cơn gió. Đó là thảm kịch và cần phải nhìn lại từng góc của tổng thể bức tranh xã hội, để có thể ngăn những thảm kịch tiếp theo, chứ không phải chỉ là “sự việc đáng tiếc”. Bởi, di cư, dẫu chưa được công bố từ chính quyền, bằng một con số chính thức để có thể coi là làn sóng như các cuộc di cư trước đây, nhưng, tôi có thể thấy quanh nơi tôi sống. Người giàu đi kiểu người giàu, trí thức đi kiểu trí thức, người nghèo đi kiểu người nghèo; tùy vào mưu cầu của mỗi người ở đất khách. “Phải làm gì?”, “Tại sao rời quê hương?” trở thành câu hỏi ám cả chiêm bao của tôi từ nhiều năm trước, không phải bây giờ, khi thảm kịch xảy ra với 39 người trên container.
Di cư - chọn một cơ hội đổi đời. Tôi nghĩ, điều họ chọn là cuộc sống sung túc hơn, nhưng không hẳn chỉ vì tiền. Nó còn bao hàm những giá trị phúc lợi, an sinh xã hội, một cuộc sống an toàn mọi nghĩa, hay chỉ đơn giản là những thứ nhìn thấy trước mặt như ra đường không nơm nớp sợ tai nạn giao thông, ra chợ không thon thót sợ ăn đồ nhiễm bẩn, con cái đến trường không sợ nhồi nhét kiến thức hay bạo lực học đường, mỗi ngày thức dậy không phải lo ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí vây quanh. Tôi, cũng như những người bạn thuộc thế hệ của tôi, nói với nhau rằng: sinh ra ở đây, chết cũng ở đây, tốt xấu gì đất này cũng chịu. Nhưng, những người trẻ hơn, bạo liệt hơn thì có lẽ họ không nghĩ vậy. Trả lời được câu hỏi “Tại sao người rời quê hương?”, không làm màu, không né tránh, may ra mới có thể ngăn được những cái chết rải rác hay tập thể ở xứ người.