Khơi dậy phong trào khởi nghiệp ở Hiệp Đức
(QNO) - Thời gian đầu chỉ với vài ý tưởng khởi nghiệp và mô hình kinh tế nhỏ lẻ, đến nay, hệ sinh thái khởi nghiệp của huyện Hiệp Đức đã dần chuyển mình, nhiều mô hình kinh tế hiệu quả xuất hiện.
Thay đổi tư duy
Năm 2016, anh Nguyễn Xuân Tịnh (SN 1995, thôn Phú Nhơn, xã Quế Lưu) bắt tay đầu tư phát triển kinh tế trên mảnh vườn nhà với gia trại nuôi heo bản địa. Vì số lượng đàn heo còn ít nên đầu ra tiêu thụ bấp bênh, dù có thu nhập nhưng không ổn định và khó có thể vươn lên làm giàu. Thông qua sự giới thiệu của chính quyền địa phương, anh Tịnh biết đến Tổ công tác hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của huyện Hiệp Đức và trở thành thành viên của Câu lạc bộ (CLB) Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo huyện ngay từ những ngày đầu thành lập.
Với quyết tâm làm giàu, anh Tịnh luôn cố gắng tìm tòi, học hỏi và tham gia đầy đủ các buổi tập huấn, diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý mô hình, phát triển kinh tế và làm chủ công nghệ để nắm bắt xu hướng. Anh còn được đưa đi học tập mô hình nuôi cá lồng bè ở các tỉnh phía Bắc như Tuyên Quang, Thái Nguyên… để về áp dụng tại địa phương. Đặc biệt, anh Tịnh được tiếp cận với đề án hỗ trợ thiết bị kỹ thuật theo chương trình khuyến công của tỉnh với số tiền lên đến 100 triệu đồng.
“Sau khi tham gia vào CLB Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo huyện, mô hình của tôi cũng phát triển hơn, quy mô trang trại. Tôi đã mạnh dạn đầu tư trang trại hơn 100 triệu đồng với diện tích 1ha, có thể nuôi đàn heo lên đến gần 400 con và 200 con gà theo hướng hữu cơ. Ngoài ra, liên kết với các mô hình trong CLB, tôi còn nuôi ruồi lính đen để lấy sâu canxi và nuôi trùn quế để tạo thành mô hình chăn nuôi hữu cơ khép kín. Từ khi tham gia vào CLB, tôi đã thay đổi được tư duy làm giàu của mình. Khởi nghiệp theo kiểu truyền thống thôi chưa đủ mà phải áp dụng nhiều phương thức đổi mới, sáng tạo khác nhau thì mới thành công được” - anh Tịnh chia sẻ.
Tiếp tục phát huy
Theo anh Nguyễn Công Thành - Bí thư Huyện đoàn, Tổ phó Tổ công tác hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo huyện Hiệp Đức, trước khi có Đề án 844 của Chính phủ về việc thúc đẩy phong trào khởi nghiệp tại các địa phương, các công văn chỉ đạo cụ thể của UBND tỉnh và Tỉnh đoàn thì địa phương vẫn động viên, khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế. Tuy nhiên, các mô hình này chỉ nhỏ lẻ và chưa mang lại hiệu quả kinh tế cao, ổn định bằng hướng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo như hiện nay. Trước đây, phần lớn mô hình khởi nghiệp trên địa bàn huyện mới chỉ hình thành các ý tưởng, mọi thứ còn rất mơ hồ và không đủ điều kiện để triển khai.
Tuy nhiên, khi Đề án 844 được triển khai rộng rãi, huyện Hiệp Đức, mà cụ thể hơn là Huyện đoàn Hiệp Đức đã triển khai cho thanh niên những nội dung về cơ chế hỗ trợ, khuyến khích từ Nhà nước khi khởi nghiệp. Khi Tổ công tác hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được UBND huyện thành lập, đơn vị này bắt đầu tập hợp những doanh nghiệp, hợp tác xã và cả những người mới chỉ có ý tưởng khởi nghiệp trên địa bàn huyện và thành lập CLB Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo huyện vào tháng 4.2019 với 21 thành viên.
Thời gian qua, CLB đã liên kết được nhiều doanh nghiệp trong và ngoài huyện để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp riêng. Tổ chức và giới thiệu cho các thành viên tham dự nhiều lớp tập huấn, diễn đàn về khởi nghiệp để bồi dưỡng kiến thức chuyên môn kinh tế, quản lý vốn, quản lý nhân sự… Đáng chú ý là CLB đã động viên và hỗ trợ thực hiện thủ tục để 3 ý tưởng khởi nghiệp tham dự cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp cấp tỉnh. Trong đó, ý tưởng khởi nghiệp nuôi ruồi lính đen của anh Nguyễn Chánh Tín (thôn Phú Nhơn, xã Quế Lưu) lọt vào vòng chung kết cùng với 14 ý tưởng khác.
“Vừa qua, Tập đoàn VN Đà Thành có hỗ trợ 200 triệu đồng cho CLB Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo huyện Hiệp Đức, nhưng do quá trình thành lập quỹ xã hội này còn vướng nhiều thủ tục hồ sơ nên đơn vị vẫn chưa dùng được số tiền, dù nhu cầu của các startup là rất cao. Vì vậy, để tiếp tục phát huy hiệu quả hệ sinh thái khởi nghiệp của huyện, chúng tôi mong muốn cấp trên có sớm quy định riêng và thoáng hơn về quỹ hỗ trợ khởi nghiệp” - anh Thành cho biết thêm.