Đảm bảo an toàn giao thông đường thủy trong mùa mưa bão

THANH THẮNG - BÌNH AN 23/10/2019 11:32

(QNO) - Phòng Cảnh sát đường thủy (Công an tỉnh) đẩy mạnh tuyên truyền, tích cực tuần tra kiểm soát, sẵn sàng lực lượng ứng cứu khi mùa mưa bão đến.

Lực lượng cảnh sát đường thủy tuần tra kiểm soát đảm bảo an toàn giao thông đường thủy ở khu vực hạ lưu sông Thu Bồn. Ảnh: T.T
Lực lượng cảnh sát đường thủy tuần tra kiểm soát đảm bảo an toàn giao thông đường thủy ở khu vực hạ lưu sông Thu Bồn. Ảnh: T.T

Theo Phòng Cảnh sát đường thủy, trên địa bàn tỉnh có khoảng 28 con sông lớn nhỏ với tổng chiều dài 878km. Hiện nay đã có 11 con sông đã đưa vào khai thác vận tải, 25 tuyến vận tải khách ngang sông, 50 bến, 23 thủy điện cùng với 4 cảng biển, 2 cảng cá và đặc biệt tuyến đường biển ra đảo Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp, TP. Hội An) luôn có nhiều tàu thuyền qua lại. Những năm qua, khi có mưa lớn xảy ra, một số địa phương ở TP.Hội An, Đại Lộc, Điện Bàn, Phú Ninh, TP.Tam Kỳ... thường xuyên bị ngập sâu tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông đường thủy, gây khó khăn trong công tác cứu nạn cứu hộ.

Để đảm bảo an toàn giao thông đường thủy, từ đầu năm 2019, Phòng Cảnh sát đường thủy đã tham mưu lãnh đạo Công an tỉnh xây dựng kế hoạch, chỉ đạo công an các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy. Chú trọng đến công tác tuyên truyền Luật Giao thông đường thủy cho người dân, phát áo phao cho học sinh và người dân thường xuyên đi lại trên sông. Ngoài ra, cảnh sát đường thủy còn hướng dẫn các chủ bến, người điều khiển phương tiện, hành khách chấp hành và thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy.

Cảnh sát đường thủy tuyên truyền, cấp phát áo phao cho người dân. Ảnh: T.T
Cảnh sát đường thủy tuyên truyền, cấp phát áo phao cho người dân. Ảnh: T.T

Thượng tá Mai Xuân Sang - Trưởng phòng Cảnh sát đường thủy (Công an tỉnh) cho biết, đơn vị đã tham mưu Giám đốc Công an tỉnh cử 17 cán bộ, chiến sĩ của đơn vị và công an các địa phương đi tập huấn nghiệp vụ công tác cứu nạn cứu hộ, phòng chống đuối nước trên sông; yêu cầu công an các đơn vị, địa phương thực hiện bảo dưỡng ca nô, kiểm soát các khu vực xung yếu thường xuyên xảy ra ngập lụt để khi xảy ra ngập lụt chủ động trong công tác cứu nạn cứu hộ; xây dựng phương án đảm bảo an toàn giao thông, các địa điểm di dân nếu có tình huống xảy ra.

Ngoài ra thường xuyên tổ chức kiểm tra các phương tiện, các bến khách ngang sông. Tất cả phương tiện khi vận chuyển hành khách và hàng hóa phải có giấy đăng ký, đăng kiểm, phương tiện còn giá trị lưu hành, thiết bị an toàn và phao cứu sinh đầy đủ. Người điều khiển phương tiện phải có chứng chỉ hành nghề theo đúng quy định. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, kiên quyết không để các phương tiện không đủ điều kiện hoạt động trên tuyến đường thủy nội địa.

“Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường tuần tra kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân khi tham gia giao thông đường thủy nội địa trong mùa mưa bão. Chuẩn bị đầy đủ lực lượng, trang thiết bị, ứng phó khi mùa mưa bão đến, nếu có tình huống xấu xảy ra thì không có gì bị động” - Thượng tá Mai Xuân Sang nói.

THANH THẮNG - BÌNH AN