Sắp xếp, bố trí dân cư miền núi: Điểm nhìn từ Nam Trà My (bài 2)
Rời làng cũ, đồng bào Ca Dong, Xê Đăng ở huyện Nam Trà My mang theo cả nếp làng về khu định cư mới. Thứ duy nhất họ bỏ lại, là hủ tục và nỗi ám ảnh về nguy cơ sạt lở đất từ phía ngọn đồi đầy những vết nứt.
Tại các khu tái định cư mà đồng bào Ca Dong, Xê Đăng vừa chuyển đến, từ không gian nhà ở, cấu trúc làng, cho đến vườn đất sản xuất, mọi thứ trở nên mới mẻ với nóc người vùng cao Nam Trà My. Như ở Tăk Ven, Loong Poc (xã Trà Mai); Lâng Loan (Trà Cang); Long Túc (Trà Nam)… ngoài vẻ đẹp của diện mạo tái định cư, nơi này còn có những “nếp sống cũ” hiện diện trong đời sống của đồng bào. Nói như Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My - ông Hồ Quang Bửu, đó là tất cả những gì mà người Ca Dong, Xê Đăng muốn giữ lấy như một phần câu chuyện của người làng trong suốt quá trình di cư về nơi ở mới.
Sau vài tháng chuyển về, căn nhà gỗ của già Hồ Văn Tiến (ở nóc Loong Póc, thôn 3, xã Trà Mai) đã cơ bản hoàn thiện trên phần đất rộng hơn 200m2 thoáng mát. Ranh giới giữa căn nhà già Tiến với hàng xóm, được phân chia bởi những hàng rào tre xinh xắn, vừa giúp ngăn ngừa tình trạng xói lở đất, vừa che chắn sự phá hoại của súc vật và hiểm họa cho con trẻ. Dọc theo những hàng rào ấy, quanh làng đã thấy xuất hiện của vài giàn mướp, cùng luống rau thơm, góp thêm màu xanh cho vùng đất mới. Già Tiến nói, người Ca Dong vốn xem căn bếp như một ngôi nhà cúng - nơi diễn ra các sự kiện trọng đại trong ngày tết mùa. Vì thế, không gian bếp lửa luôn là nơi cất giữ các hiện vật văn hóa đặc trưng, cũng như các vật dụng sinh hoạt đời thường nhất của đồng bào. Thậm chí, đến việc tiếp khách, nhiều khi cũng được diễn ra ở không gian bếp lửa đầy ấm cúng. Dưới kiến trúc nhà sàn truyền thống, câu chuyện được mở lời bằng vài miếng trầu, vốn đã rất quen trong nếp sống của đồng bào Ca Dong.
Cuối chiều, mưa ầm ào đổ xuống. Già Tiến vội vã lấy từ trên gác bếp vài nhánh củi khô đốt lửa sưởi ấm. Mùa mưa, nên trên giàn bếp của đồng bào đều có sẵn củi khô dự trữ. Củi được cất bó cẩn thận, bên cạnh những chiếc bẫy kẹp làm bằng thanh tre - vật dụng để người Ca Dong săn bắt chuột, sóc cải thiện bữa ăn. “Bắt đầu từ tháng này là mùa mưa rồi, nên nhà nào cũng dự trữ củi khô trên giàn bếp. Có con sóc, con chuột bắt về cũng đều dành để phơi khô, xông khói trên đó. Thịt khô là thức ăn dự trữ, có thể để vài tháng mà không hư, thường dùng để đón tiếp khách quý” - già Tiến chia sẻ. Câu chuyện của già Tiến làm chúng tôi nhớ đến Lâng Loan - một khu tái định cư khác của đồng bào Xê Đăng ở xã Trà Cang. Ở Nam Trà My, Lâng Loan được xem như một hình mẫu về công tác quy hoạch, sắp xếp và bố trí chỗ ở cho đồng bào địa phương. Tròn một năm chuyển đến, Lâng Loan mang vẻ đẹp rất mới, khá hiện đại, thoạt nhìn chẳng ai nghĩ, nơi này vẫn còn lưu giữ nhiều “nếp sống cũ”. Trên gác bếp của đồng bào, lúa đã khô hạt, người vùng cao chộn rộn chuẩn bị cho ngày hội tết mùa lần đầu tiên diễn ra ở làng mới.
Vẹn nguyên “hồn núi”
Ông Hồ Văn Hai, người đã hiến gần 2.000m2 đất rẫy giúp địa phương hoàn thành khu tái định cư Lâng Loan tâm sự, về làng mới, cuộc sống càng có nhiều đổi thay. Nhưng không vì thế mà tinh thần đoàn kết, giúp nhau trong cuộc sống trở nên “thụt lùi”. Ông làm gương cho cộng đồng bằng việc hiến đất, vận động con cháu giúp sức vận chuyển nhà cửa, đồ đạc đến nơi ở mới. Rồi cũng chính ông, tiên phong trong việc ký cam kết không phá hoại rừng đầu nguồn, tích cực bảo vệ chốt sâm Ngọc Linh, từng bước làm giàu. “Về làng mới, càng có điều kiện phát triển, càng tiến bộ thì phải càng biết gìn giữ văn hóa tốt đẹp của đồng bào mình. Đó mới là điều nên làm, nên phát huy” - ông Hai bộc bạch.
Theo ông Nguyễn Hoàng Thọ - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm VH-TT&TT-TH huyện Nam Trà My, ở hầu hết khu tái định cư, bên cạnh việc ổn định cuộc sống, đồng bào Ca Dong, Xê Đăng còn phát huy vai trò tương thân tương ái, chung tay góp sức bảo tồn văn hóa truyền thống. Như ông Hồ Văn Thập (nóc Măng Tó), Trần Thị Kim Hoa (thôn 4, xã Trà Cang); Hồ Thanh Phương (xã Trà Mai)… bằng tài năng và tâm huyết đã nỗ lực gìn giữ, truyền nghề cha ông cho thế hệ trẻ tại địa phương, để giữ “hồn núi” luôn vẹn nguyên trong đời sống văn hóa của đồng bào. Ông Thọ chia sẻ, lúc đầu khi chủ trương bố trí, sắp xếp định cư cho đồng bào chuẩn bị tiến hành, chính quyền địa phương cũng ghi nhận nhiều ý kiến của các già làng bày tỏ lo ngại về nét truyền thống sẽ bị “biến dạng”. Dự lường được điều đó, Nam Trà My đã chủ trương triển khai thực hiện các nội dung Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh theo hướng bố trí, sắp xếp lại không gian tại chỗ, trên cơ sở xen ghép dựa theo nhu cầu của từng hộ ở các điểm dân cư. Vì thế, việc bố trí không làm phá vỡ không gian cộng đồng vốn được xem là nét đặc trưng lâu đời của đồng bào miền núi, đảm bảo các yếu tố bền vững. “Sau quá trình triển khai thực hiện tại một số điểm dân cư, văn hóa truyền thống không những không bị ảnh hưởng, mà còn có cơ hội phát huy thêm giá trị bảo tồn từ chính cộng đồng địa phương. Như nhà sinh hoạt cộng đồng, sau khi được đầu tư sẽ giúp đồng bào có thêm không gian tổ chức hội họp truyền thống, trưng bày hiện vật văn hóa, phục hồi dần các giá trị truyền thống cha ông ngày trước” - ông Thọ nói.