Hoạt động của Mặt trận & hội đoàn thể ở Quế Sơn: Đổi mới phương thức hoạt động
Thời gian qua, Mặt trận cùng các đoàn thể chính trị - xã hội của huyện Quế Sơn tập trung đổi mới nội dung và phương thức hoạt động theo hướng sát cơ sở gắn với nâng cao vai trò giám sát, phản biện xã hội.
Nhiều điển hình
Thực hiện Kết luận số 62-KL/TW (ngày 8.12.2009) của Bộ Chính trị khóa X về “tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội”, Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Quế Phú (Quế Sơn) xác định nói phải đi đôi với làm, thể hiện sự mẫu mực để thế hệ trẻ noi theo. Ông Nguyễn Toản Nhung - Chủ tịch Hội CCB xã Quế Phú cho biết, ngoài thực hiện tốt công tác phối hợp giữ vững an ninh trật tự, xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường ở địa phương, thời gian qua Hội CCB xã đặc biệt quan tâm giúp đỡ hội viên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Theo đó, Hội CCB xã vận động các nguồn lực và mỗi năm hỗ trợ được 2 con bò giống (10 triệu đồng/con) cho hội viên khó khăn; tặng thẻ bảo hiểm y tế và quà cho học sinh vượt khó học giỏi với số tiền 10 triệu đồng, nhận đỡ đầu 1 cháu là con CCB tàn tật với số tiền 1,5 triệu đồng/năm. Trong các năm 2016, 2018, 2019, Hội CCB xã Quế Phú đã hỗ trợ xây dựng 3 nhà tình nghĩa cho hội viên CCB (50 triệu đồng/nhà). Hội CCB xã còn xây dựng được 24 tổ góp vốn quay vòng, mỗi tháng một hội viên đóng góp ít nhất là 1 triệu đồng để có nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất. “Nhờ sự nỗ lực của Hội CCB xã và tinh thần phấn đấu vươn lên của hội viên CCB, đến năm 2017 Hội CCB xã Quế Phú không còn hộ nghèo, tỷ lệ hộ khá và giàu hiện nay đạt 75%” - ông Nhung nói.
Trong khi đó, Mặt trận xã Quế Xuân 2 luôn xem việc đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là nhiệm vụ quan trọng trong việc giữ vững và phát triển phong trào. Bà Lê Thị Hiền - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Quế Xuân 2 cho hay, thời gian gần đây Mặt trận xã đã xây dựng các mô hình hiệu quả như “không rải vàng mã trên đường đưa tang”, “4 sạch, 4 an”, “các cơ sở tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”… Để đổi mới phương thức hoạt động, thay vì hỗ trợ tiền, quà như trước kia, Mặt trận xã tập trung hỗ trợ nhà đại đoàn kết, trao sinh kế để người nghèo ổn định cuộc sống. “Trong 10 năm qua, Mặt trận xã Quế Xuân 2 đã vận động hỗ trợ xây dựng 12 nhà đại đoàn kết, trao tặng 19 con bò, 26 con heo giống, 300 con gà và 6 chiếc xe đạp cho người nghèo. Đổi mới công tác tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hóa, kể chuyện, hội thi, hội trại... Từ đó, góp phần tập hợp, thu hút đông đảo nhân dân tham gia hưởng ứng các phong trào, cuộc vận động do Mặt trận phát động” - bà Hiền chia sẻ.
Nâng cao chất lượng hoạt động
Ngày 10.10 vừa qua, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Quế Sơn tổ chức diễn đàn phụ nữ góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền “vì sự tiến bộ của phụ nữ” năm 2019. Bà Võ Thị Hồng Hải - Chủ tịch Hội LHPN Quế Sơn cho biết, tại diễn đàn nhiều kiến nghị của cán bộ hội phụ nữ các xã, thị trấn với lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện về một số khó khăn như kinh phí phân bổ không đủ để hội phụ nữ triển khai các hoạt động, phong trào. Nhiều địa phương khuyết chức danh chi hội trưởng phụ nữ thôn - khối phố do chế độ trợ cấp bị cắt giảm. Cán bộ phụ nữ cũng đề nghị cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền vì sự tiến bộ phụ nữ, không chỉ riêng với phụ nữ mà còn đối với nam giới, người cao tuổi, thanh niên để tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển toàn diện… “Những ý kiến của chị em phụ nữ tại diễn đàn hết sức thiết thực và chính đáng. Sau khi tiếp thu ý kiến của chị em, lãnh đạo huyện đã chia sẻ với những khó khăn của hội phụ nữ các cấp trong thời gian qua. Đồng thời ghi nhận những kiến nghị thuộc thẩm quyền để xem xét, chỉ đạo giải quyết” - bà Hải nói.
Ông Lý Xuân Phong - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Quế Sơn cho biết, thời gian qua Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội từ huyện đến các xã, thị trấn đã tăng cường tổ chức các cuộc đối thoại trực tiếp giữa cán bộ, nhân dân với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền. Tổ chức tốt các buổi tiếp xúc cử tri, các diễn đàn góp ý xây dựng Đảng, chính quyền và cán bộ công chức - viên chức. Trong 10 năm qua, toàn huyện đã tổ chức 131 cuộc giám sát chuyên đề, 142 cuộc giám sát phối hợp, 11 hội nghị phản biện, 169 diễn đàn nhân dân góp ý xây dựng cán bộ công chức - viên chức; 17 cuộc đối thoại, 310 hội nghị tiếp xúc cử tri với đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp. Ngoài ra, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở còn thành lập đội ngũ cộng tác viên nắm bắt dư luận xã hội với hàng trăm người để kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng cũng như tham gia giải quyết những bức xúc trong nhân dân. “Thông qua các cuộc đối thoại, diễn đàn và các hoạt động giám sát, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội đã phát huy quyền dân chủ của nhân dân. Đồng thời giúp đội ngũ cán bộ công chức - viên chức của huyện uốn nắn những thiếu sót, thực hiện tốt hơn chức trách, nhiệm vụ được giao” - ông Phong nói.