Sẽ tiêm vét vắc xin phòng bạch hầu cho trẻ
Sau khi rà soát công tác tiêm chủng tại các xã Duy Hải, Duy Nghĩa - địa phương xuất hiện ca bệnh bạch hầu (Báo Quảng Nam đã phản ánh), Sở Y tế tiếp tục có kế hoạch phòng ngừa bệnh này trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Văn Văn - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, ngoài văn bản chỉ đạo từ Sở Y tế về tăng cường cảnh giác bệnh này đến các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh, hiện nay sở đang lên kế hoạch trình UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí tiêm vắc xin cho người dân hai xã này. “Trước tiên chúng tôi khu trú khoanh vùng phải tiêm lại vắc xin phòng bệnh bạch hầu cho bà con hai xã Duy Hải, Duy Nghĩa (Duy Xuyên). Vì địa bàn rộng cũng như số lượng người dân khá đông nên kinh phí cho việc tiêm vét khá tốn kém, do đó chủ trương chúng tôi thực hiện tại hai xã này trước rồi mới tiến đến rà soát các địa phương tiếp theo” - ông Văn nói.
Chia sẻ lý do xuất hiện ca bệnh sau một thời gian dài, ông Nguyễn Văn Văn cho rằng, có thể vào năm 2003, Việt Nam nói chung và Quảng Nam sử dụng vắc xin 5 trong 1 của Hàn Quốc (phòng ngừa các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt và các bệnh do Hib). Tuy nhiên, có một quãng thời gian vắc xin này bị đứt hàng hơn 5 tháng, khi coi lại sổ tiêm chủng của trẻ tại hai địa phương Duy Hải, Duy Nghĩa thì có nhiều em không tiêm đủ 3 mũi vắc xin này. Tiếp tục vào khoảng thời gian cuối năm 2018, đầu năm 2019 khi có thông tin vắc xin 5 trong 1 gây biến chứng khiến nhiều trẻ tử vong, đã có nhiều phụ huynh không cho con em mình tiêm đủ 3 liều vắc xin này. Theo ông Văn, đó có thể là nguyên nhân để bệnh bạch hầu tái phát trở lại.
Quảng Nam đang rà soát lại tất cả đối tượng trẻ em trên 1 tuổi để thực hiện việc tiêm vét vắc xin 5 trong 1 cho các em tiêm chưa đủ 3 liều. Trẻ từ 1 - 2 tuổi nếu tiêm chưa đủ 3 mũi vắc xin thì buộc phải tổ chức tiêm lại cho đủ. “Bộ Y tế cũng vừa có văn bản chỉ đạo tiêm vét cho tất cả trẻ em đang học lớp 2 (7 - 8 tuổi) tại Quảng Nam vắc xin 5 trong 1. Sở sẽ triển khai tiêm cho tất cả đối tượng này vào tháng 11 tới đây” - ông Nguyễn Văn Văn nói. Hơn 35.000 liều vắc xin 5 trong 1 dành cho đối tượng trẻ 7 tuổi này sẽ được cung cấp về Quảng Nam vào ngày 28.10 này.
Trước đây, bệnh bạch hầu đã xuất hiện tại Quảng Nam nhưng chủ yếu tại các huyện miền núi do người dân không tuân thủ lịch tiêm chủng. Tuy nhiên, năm 2015, sau khi bệnh tái phát, Sở Y tế đã tổ chức 3 lần tiêm lại toàn bộ vắc xin cho người dân 6 huyện miền núi cao. Hiện nay, các địa phương miền núi cơ bản đã miễn dịch nhất định với bệnh bạch hầu. Bạch hầu là bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn truyền nhiễm có khả năng gây tử vong, chủ yếu ảnh hưởng mũi, cổ họng, đôi khi ở da. Ban đầu bệnh có triệu chứng gây sốt, mệt mỏi và đau họng khiến phụ huynh lầm tưởng với các bệnh lý thông thường. Tuy bệnh này cực kỳ hiếm gặp do đã có vắc xin phòng ngừa, nhưng không loại trừ trường hợp trẻ không được tiêm chủng đầy đủ.
Các biện pháp phòng chống bệnh bạch hầu
Theo bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Thị Kim Vân - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam, bệnh bạch hầu thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch. Bệnh lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo. Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau: Đưa trẻ đi tiêm chủng vắc xin phòng bệnh bạch hầu đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh; đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng; khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.