Ngày hội đồ họa lần đầu tiên tại Đà Nẵng
(QNO) - Trong 2 ngày 19 - 20.10, tại Trung tâm Helio (Đà Nẵng) diễn ra sự kiện "Vietnam Halography Danang" lần đầu tiên với nhiều hoạt động hấp dẫn, bước đầu hình thành sân chơi cho giới nghệ sĩ đồ họa Đà Nẵng, nhất là mảng đồ họa gắn liền với phát triển du lịch và văn hóa xã hội.
Anh Vương Quang Vinh (nghệ danh Vinh Vương) - Giám đốc Sáng tạo của Công ty TNHH Việt Nam Memento cho biết: Vietnam Halography là sự kiện thường niên của các nghệ sĩ đồ họa Việt Nam nhằm tôn vinh các loại hình đồ họa như thiết kế, tranh vẽ, truyện tranh, video; khởi xướng từ Công ty Rio Vietnam, bắt đầu từ Hà Nội và phát triển mạnh tại TP.Hồ Chí Minh. Năm 2019, Công ty Rio Vietnam mời nghệ sĩ Vinh Vương và Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng đồng tổ chức sự kiện Vietnam Halography Danang tại Trung tâm Helio, đường 2.9, quận Hải Châu (bên cạnh Sun World Đà Nẵng).
Đối tượng tham gia là học sinh, sinh viên, nhất là sinh viên các trường đại học có đào tạo ngành đồ họa ở TP.Đà Nẵng; các cá nhân, đơn vị có lưu tâm đến lĩnh vực nghệ thuật, đặc biệt là các loại hình đồ họa; du khách và người dân địa phương quan tâm đến hình ảnh quảng bá du lịch 3 tỉnh, thành tiêu biểu của miền Trung: Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế…
Sự kiện có 3 hoạt động chính: triển lãm Dự án miền Trung Thực - Kiến - Tích; triển lãm tranh giấy dừa Đà Nẵng - tranh giấy dân gian đương đại; đặc biệt, giới thiệu Dự án Umbalena - kho sách điện tử tiếng Việt dành cho các bé do Đà Nẵng tổ chức sản xuất, phần tranh được các họa sĩ trên khắp 3 miền đất nước thực hiện. Đối với triển lãm Dự án miền Trung Thực - Kiến - Tích, dự án minh họa 3 nét văn hóa ẩm thực, kiến trúc và tích cổ nơi các tỉnh, thành miền Trung; trong đó sẽ triển lãm khoảng 300 bức tranh của 3 địa phương: Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế và Hội An...
Tại đây cũng có 3 khu trưng bày là Nhà xuất bản Kim Đồng, Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng và Công ty TNHH Việt Nam Memento. Đây là không gian dành để giới thiệu đến bạn sinh viên đồ họa 3 con đường đi tới trong tương lai: vẽ cho nhà xuất bản, hợp tác với chính quyền hoặc cùng phát triển với doanh nghiệp. Hấp dẫn nhất là khách sẽ tham quan xưởng giấy Quê tôi (giấy dừa Đà Nẵng) tại số 26 Nguyễn Đăng Tuyển, quận Sơn Trà, nơi sản xuất giấy từ cành dừa cạn do nghệ nhân Lê Thanh Hà sáng chế (anh cũng sáng tạo giấy dừa nước lưu hành tại Hội An); khách được trải nghiệm làm một bức tranh khổ nhỏ ngay tại xưởng vào sáng Chủ nhật 20.10.
Đặc biệt, đêm 19.10 diễn ra buổi giao lưu "Đồ họa và phát triển sản phẩm du lịch Đà Nẵng" với nghệ sĩ Đoàn Hải Tú - người thiết kế logo du lịch Đà Nẵng cùng nhóm nghệ sĩ thiết kế bao bì bánh khô mè Bà Liễu Mẹ và Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng. Đêm 20.10 giao lưu Dự án miền Trung Thực - Kiến - Tích giữa các họa sĩ trong và ngoài Đà Nẵng với đại diện nhóm tổ chức dự án. Sự kiện có các cố vấn nghệ thuật danh tiếng là nghệ sĩ Khấu Ngọc Trân - bà từng giữ vị trí chuyên môn tại các đơn vị như Warner Bros Vietnam, Unilever Vietnam, Asama Vietnam; họa sĩ Bùi Hải Châu - giảng viên Đại học Mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh.
Vinh Vương là nghệ sĩ đồ họa chuyên mảng vẽ về chữ (Typography). Anh đã thiết kế các font chữ lấy cảm hứng từ biển hiệu các vùng miền và quốc gia như: Mekong (miền Tây), Lang Syne (miền Trung), Bloom of Youth (Pháp) và Kitchen (Nhật Bản). Vinh Vương là người thiết kế biển hiệu cho bánh mỳ Madam Khánh tại Hội An (sắp tới là chè heo quay Mợ Tôn Đích ở Huế). Ở mảng dự án nghệ thuật, Vinh Vương từng xây dựng nhiều bộ tranh trứ danh như: bộ tranh Đất sen hồng vẽ về các điểm đến du lịch ở Đồng Tháp; bộ tranh nhật ký Đặng Thùy Trâm; bộ tranh Yêu ma quỷ quái của 63 tỉnh, thành và bộ tranh Linh vật ngộ nghĩnh dành cho các bé sẽ ra mắt vào cuối tháng 10 này. Đặc biệt là Dự án miền Trung Thực - Kiến - Tích.