Những khoảng trống hồi niệm

HỨA XUYÊN HUỲNH 22/10/2019 10:15

Muốn biết phố xá thay đổi đến đâu, bạn đừng vội đi tìm những số liệu về mật độ xây dựng hay đo đếm chiều cao của công trình. Mà đôi khi, chỉ cần nhìn lại những bức ảnh cũ, xem có bao nhiêu khoảng trống đã được lấp đầy…

Những khoảng trống ở quảng trường cũ.Ảnh: H.X.H
Những khoảng trống ở quảng trường cũ.Ảnh: H.X.H

1. “Quê hương tôi là Quảng Nam. Miền đất của nắng, gió, của mưa, của lũ lụt. Là khúc ruột của miền Trung thân yêu…”. Đoạn thoại kèm hình ảnh mở đầu cho liveshow Chàng hề xứ Quảng – Trường Giang, chủ đề “Đất Quảng quê tôi” đã bắt đầu như thế bằng chính giọng đọc của nghệ sĩ Trường Giang. Tất nhiên, đây là đoạn thoại có kèm… phụ đề. Vì nếu không có những dòng chữ in kèm, với giọng rặt Quảng của nghệ sĩ Trường Giang, hẳn sẽ không mấy người hiểu kịp: “quê hương tui là Quảng Nôm”, “miền đất của néng, gió”…

Liveshow này đã quay ngay tại quảng trường Tam Kỳ hồi năm 2017.

Nếu ai đó xem kỹ, hình ảnh đầu tiên đăng kèm đoạn thoại mở đầu liveshow có giọng đọc của nghệ sĩ Trường Giang vừa nhắc chính là góc máy đại cảnh về quảng trường Tam Kỳ. Quảng trường mà chỉ mươi phút sau, khi nói những lời đầu tiên, nghệ sĩ Trường Giang gọi đây là quảng trường “chà bá lửa”. Và anh đã đúng khi vừa lau nước mắt vừa thổ lộ ý định ghi hình liveshow giữa quảng trường lớn với hàng nghìn khán giả xem rồi phát lên kênh Youtube để mọi người, trong cũng như ngoài nước, “thấy quê hương Quảng Nam của mình giờ kinh khủng khiếp lắm!”.

Nhưng nếu nghệ sĩ Trường Giang nói về hiện tại của diện mạo phố xá Tam Kỳ, tôi lại muốn nhắc đến những… khoảng trống, của nhiều năm trước đó.

Tôi vẫn hay mở tệp hình ảnh chụp TP.Tam Kỳ từ trên cao, nhân chuyến theo đoàn làm phim của Đài QRT khi thực hiện seri phim “Mẹ Thu Bồn” do cố nhà văn Nguyễn Khắc Phục làm tổng đạo diễn hồi năm 2011. Trong hàng trăm bức ảnh ấy, chẳng hiểu sao góc máy chụp từ ngã năm trước trụ sở Đài QRT kéo vào phía quảng trường, dọc đại lộ Hùng Vương, cứ gây chú ý. Có lẽ bức ảnh có quá nhiều khoảng trống. Khi ấy, phía nam, khối nhà của Ngân hàng Vietcombank vẫn đang xây dở; phía bắc, khoảng giữa Kho bạc Nhà nước và khối nhà cạnh đó (nay là Trung tâm hành chính công) có vẻ “trống” hơn bây giờ.

Và đương nhiên, quảng trường là khoảnh đất cũ.

Nhiều người trẻ đếm tuổi mình bằng chính các “cột mốc” liên quan đến khoảnh đất trống ấy. Có đứa trẻ nhớ rõ thời còn học mẫu giáo đã theo bố đến quảng trường thả diều, hoa cỏ may bám đầy gấu quần, quãng năm 2005 - 2006. Khi đứa trẻ vào lớp 6, quảng trường mang tên 24.3 bắt đầu rục rịch xây dựng, những vạt cỏ bị cày xới, tầm đầu năm 2014... Riêng tôi vẫn nhớ có những ông bố trẻ cứ chiều chiều lại chắp tay sau lưng lững thững dạo quanh, dò tìm xem liệu có vật nào sắc cạnh lẫn trong bụi cỏ thì lượm đi để đứa con và nhóm bạn yên tâm quần nhau với trái bóng.

2. Theo nhịp phát triển của đô thị, quảng trường 24.3 đã thành hình và trở thành địa điểm sinh hoạt quen thuộc. Ở đó, bây giờ là một khuôn viên tươm tất, rộng 4,6ha, được  đầu tư hàng chục tỉ đồng với nhiều hạng mục.

Chưa kể hằng đêm đây là nơi người dân địa phương tản bộ, mà vào mỗi dịp tết nhứt quảng trường trở thành điểm check-in thú vị. Gần như mỗi kỳ nghỉ tết là mỗi lần thấy reo lên đâu đó trên các phương tiện truyền thông, rằng quảng trường đang “khoác áo hoa, đẹp lộng lẫy”. Nhiều năm liền, chính quyền TP.Tam Kỳ thiết kế một không gian trưng bày mang dáng vẻ quê kiểng, có mái tranh, có ụ rơm…, gần gũi và thân thuộc. Điểm gặp gỡ ấy càng thêm thú vị, sau khi các sản phẩm từ trại sáng tác điêu khắc “Ấn tượng Quảng Nam” hồi năm 2015 đã chọn quảng trường làm nơi trưng bày một quần thể vườn tượng nghệ thuật. Bao nhiêu người đã chụp hình lưu niệm tại đó, mừng tuổi mới, mừng xuân mới…

Nhưng trong ký ức, ô cỏ nơi khoảnh đất cũ đã là một phần không thể tách rời với những đứa trẻ, dù nhiều đứa trong số đó đã dời đi nơi khác.

Với người “hoài cổ”, họ sẽ ngồi đếm thật kỹ các ô cỏ trên bức ảnh cũ. Mỗi bên 9 ô. Thêm 9 ô lớn trồng cây phía sau. Nhưng bây giờ, đó đã là quảng trường “chà bá lửa”. Còn với những người quan tâm đến diện mạo cả vùng đất trong nhịp điệu phát triển của tỉnh lỵ, thì bản đồ quy hoạch sử dụng đất Tam Kỳ trong tương quan điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 mới thực sự gây chú ý.

Có gì đáng chú ý trong bản vẽ nhiều hình khối, màu sắc ấy?

Ông Nguyễn Minh Nam - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ, dẫn ra 9 nội dung khi “giải tỏa” sự tò mò của tôi. Ngoài quan điểm quy hoạch định hướng xanh, cộng sinh với môi trường; vệt núi, sông chủ đạo (Trà Cai, An Hà, núi Cấm, núi Dài - núi Yên Ngựa, sông Tam Kỳ, sông Bàn Thạch, sông Kỳ Phú…); khu vực dịch vụ, công viên ven sông và vui chơi giải trí cùng hệ thống bến thuyền; lá phổi xanh (không gian sông Đầm); làng quê ven đô (Hương Trà, Tam Ngọc, triền hồ Phú Ninh…); làng bích họa ven biển… tôi chú mục đến lõi đô thị cũ và khu trung tâm. Trong “lõi đô thị” ấy, có các không gian xanh vừa biến đổi như quảng trường 24.3. Và quảng trường 24.3 dường như “mất hút” trong đồ họa, đủ thấy còn nhiều không gian khác rồi sẽ gây nhớ. Tiếp sau quảng trường 24.3 ấy, năm - bảy năm sau nữa, có thể sẽ có thêm nhiều đứa trẻ lớn lên từ phố thị Tam Kỳ nhắc lại diện mạo cũ của những quảng trường mới, dọc đường Điện Biên Phủ mới, ở công viên ven sông Tam Kỳ phía nam, công viên sông Bàn Thạch…

Tôi vừa nhắc đến tuyến đường mới Điện Biên Phủ. Ở đó, chính quyền địa phương đang tính toán bố trí làn xe đạp từ trung tâm đến công viên Biển (cuối tuyến đường). Tự dưng ngồi hình dung những vòng xe lăn bánh thật thong dong… Những khoảng trống kiểu như thế có chút khác biệt với “khoảng trống” trên bức ảnh mà tôi vừa nhắc, nhưng tất cả đều đầy đặn hơn, đẹp hơn và có ký ức.

HỨA XUYÊN HUỲNH