Tam Kỳ làm “dân vận khéo”
Trong 10 năm thực hiện phong trào “Thi đua dân vận khéo” (2009 - 2019), các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể của TP.Tam Kỳ đã cụ thể hóa trên từng lĩnh vực chính trị, đời sống.
“Điểm cộng” trên lĩnh vực đất đai
Còn nhớ năm 2009, phong trào dồn điền đổi thửa được thực hiện mạnh mẽ, đầu tiên là ở xã Tam Thăng. Lúc đầu để người dân hiểu rõ được mục đích, thay đổi được thói quen sản xuất manh mún, chính quyền địa phương, Mặt trận và hội đoàn thể phải sát cơ sở để tuyên truyền, công khai dân chủ cách thức thực hiện, thậm chí tổ chức cho người dân bốc thăm chọn ruộng sau khi thực hiện dồn điền. Cuộc cách mạng trên đồng ruộng ngày ấy đã tạo nên những cánh đồng mẫu lớn như bây giờ. Dồn điền đổi thửa cũng chính là phong trào đầu tiên của chương trình xây dựng nông thôn mới, mà từ khí thế này đã tạo nên động lực mạnh mẽ để người dân ở 4 xã của TP.Tam Kỳ quyết tâm chung tay thực hiện thành công mục tiêu xã nông thôn mới sau này.
Cũng trong giai đoạn đầu thực hiện phong trào “dân vận khéo”, thành phố đã áp dụng vào lĩnh vực bồi thường - giải phóng mặt bằng - tái định cư. Tiêu biểu là công trình kè sông và đường Bạch Đằng giai đoạn 1, qua địa bàn phường Phước Hòa. Công trình này ảnh hưởng toàn bộ đến xóm Củi và xóm Mắm cũ, nơi từng được ví là khu ổ chuột của thành phố bởi hạ tầng nhếch nhác, đời sống người dân lao động vô cùng khó khăn. Để vận động được toàn bộ người dân ở khu vực này di đời đến nơi ở mới, cán bộ từ thành phố đến cơ sở đã bền bỉ bám sát tuyên truyền giải thích cho họ hiểu về chính sách, chế độ, về những đổi thay tốt đẹp hơn cho chính cuộc sống của họ. Đường Bạch Đằng được xây dựng trở thành con đường đẹp nhất ven sông Bàn Thạch.
Dân vận trên lĩnh vực bồi thường - giải phóng mặt bằng - tái định cư cũng trở thành công tác thường xuyên và liên tục, góp phần vào thành công của các chương trình, dự án triển khai trên địa bàn TP.Tam Kỳ suốt 10 năm qua. Lãnh đạo thành phố gần như tuần nào cũng trực tiếp đi cơ sở, kiểm tra công tác bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn. Đặc biệt là gặp gỡ lắng nghe tâm tư nguyện vọng của nhân dân. Kết hợp với những quy định của pháp luật hiện hành, lãnh đạo địa phương đã trả lời ngay cho người dân về chính sách bồi thường một cách cụ thể và cũng yêu cầu phòng chức năng thực hiện bồi thường, hỗ trợ theo hướng có lợi nhất cho người dân, tránh để xảy ra sai sót dẫn đến khiếu nại kéo dài và gây ách tắc dự án...
Xây dựng mô hình từ cơ sở
Trong 10 năm thực hiện phong trào “Thi đua dân vận khéo” không thể tránh khỏi tình trạng chạy theo hình thức, rập khuôn, máy móc và có những mô hình không hiệu quả. Nhưng nhờ sớm nhìn nhận ra tình trạng đó, Ban Dân vận Thành ủy Tam Kỳ đã nhanh chóng chỉ đạo kiểm tra, rà soát, đánh giá lại chất lượng các mô hình, sẵn sàng xóa bỏ mô hình không hiệu quả, hoặc không còn phù hợp. Đồng thời thay đổi tư duy theo hướng “tổ chức mô hình “dân vận khéo” không hẳn bắt đầu từ sự chỉ đạo của cấp trên mà lấy ý kiến từ cơ sở để xây dựng phù hợp nhất.
Qua 10 năm thực hiện phong trào “Thi đua dân vận khéo”, toàn thành phố đã phát động xây dựng gần 300 mô hình. Trong đó có 30 mô hình về phát triển kinh tế, 162 mô hình về văn hóa - xã hội, 79 mô hình đảm bảo quốc phòng - an ninh và 15 mô hình về xây dựng hệ thống chính trị. Và dù có những mô hình được tiếp tục nâng cao, nhân rộng, có những mô hình phải được xóa bỏ, nhưng có thể thấy, mỗi mô hình đã được ứng dụng phù hợp với mỗi giai đoạn, bối cảnh và đạt thành công nhất định. “Việc xây dựng mô hình “dân vận khéo” phải xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của từng địa bàn, khu dân cư, phù hợp với từng đối tượng cụ thể. Đặc biệt phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự tham gia của người dân để khắc phục tình trạng dàn trải, nhiều mô hình nhưng không phát huy hiệu quả. Vấn đề quan trọng là cán bộ trực tiếp làm công tác dân vận phải có tinh thần trách nhiệm, tâm huyết, lăn lộn với cơ sở, có uy tín. Đồng thời các cấp thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở để tạo niềm tin của nhân dân với Đảng, với chính quyền. Có như thế mới huy động được nhân dân làm chủ thể trong các mô hình” - ông Phạm Hoàng Đức, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Tam Kỳ cho biết.
Cũng theo ông Đức, thực hiện phong trào “Thi đua dân vận khéo” đã góp phần quan trọng để Tam Kỳ đạt được nhiều mục tiêu quan trọng trong 10 năm qua. Đó là thành phố được công nhận đô thị loại 2; thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới trước 2 năm so với kế hoạch; 2 lần được tổ chức Định cư con người Liên hiệp quốc tại châu Á trao tặng danh hiệu “Thành phố cảnh quan châu Á”, Quan trọng nhất là đời sống kinh tế, văn hóa của nhân dân được nâng cao, an ninh chính trị được giữ vững...