Khẩn trương ứng phó bệnh bạch hầu
Dù chưa chắc chắn với một trường hợp có triệu chứng mắc bệnh bạch hầu ở xã Duy Nghĩa (huyện Duy Xuyên) nhưng ngành y tế vẫn khẩn trương vào cuộc để ngăn chặn bệnh có khả năng phát tán ra cộng đồng.
Những ngày gần đây, người dân xã Duy Nghĩa lo lắng khi trên địa bàn xuất hiện một trường hợp học sinh nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu. Em Võ Văn Ng. (13 tuổi, trú thôn Hội Sơn, đang học tại Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi) có nhiều triệu chứng của bệnh bạch hầu từ cách đây hơn một tuần nhưng do biểu hiện giống cảm sốt, viêm amiđan nên tự mua thuốc uống, vẫn đến trường bình thường và chỉ nhập viện từ ngày 11.10.
Ông Nguyễn Văn Văn - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Ngay sau khi nhận được thông tin thì lãnh đạo sở, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và y tế địa phương đã đến nhà của em học sinh này để kiểm tra thực tế và tuyên truyền cho gia đình, hàng xóm gần đó các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh để sớm đến cơ sở y tế kiểm tra nếu phát hiện”.
Được biết, để ngăn chặn kịp thời bệnh có thể lây lan ra cộng đồng, toàn bộ học sinh của Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi và người dân ở gần nơi em Ng. cư trú đã được uống phòng vắc xin, bên cạnh đó lực lượng chức năng cũng đã cho tẩy độc, khử trùng các khu vực nghi ngờ có mầm bệnh. Trong ngày 15.10, Ban chỉ đạo phòng chống dịch cũng đã được thành lập sau cuộc họp giữa Sở Y tế với các ngành chức năng địa phương do ông Nguyễn Văn Văn làm trưởng ban.
Theo ông Lê Trung Cường - Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên - Phó ban phòng chống dịch, trong mấy ngày tới toàn bộ học sinh và giáo viên của hai trường tiểu học trên địa bàn xã Duy Nghĩa cũng sẽ được triển khai uống phòng vắc xin và tiếp tục khử trùng cho các trường học trên địa bàn.
Trước mắt, Sở Y tế sẽ tiếp tục tăng cường khâu phát hiện sớm, điều trị sớm cho y tế tuyến xã, huyện, cắm tổ xét nghiệm ngay tại đây để xử lý nhanh, xét nghiệm lấy mẫu gửi đi kiểm tra nếu phát hiện trường hợp bệnh nhân nghi ngờ mắc bạch hầu, đồng thời có văn bản gửi đi các bệnh viện gần khu vực khẩn trương tổ chức khu vực cách ly để sẵn sàng cho trường hợp tiếp nhận bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu.
Ông Nguyễn Văn Văn cho biết: “Chúng tôi sẽ tổ chức đoàn đi giám sát, điều tra lại ca bệnh này từ đâu ra bởi địa bàn này có công tác tiêm chủng khá tốt. Liệu rằng có phải do em đó tiếp xúc với những người đi làm việc, sinh sống các tỉnh khu vực Tây Nguyên và một số tỉnh khác đang có bệnh bạch hầu về hay không để biết nguyên nhân chính xác phục vụ công tác chống dịch”.
Ông Nguyễn Văn Văn cho biết thêm, trường hợp này gần như khẳng định đã mắc bệnh bạch hầu nhưng do văn bản chính thức chưa có nên vẫn trong trường hợp nghi ngờ, dù vậy ngành y tế vẫn xử lý như tình huống đã dương tính để ngăn chặn dịch phát tán ra cộng đồng ngay từ đầu.
Theo ông Văn, bệnh bạch hầu chủ yếu lây qua đường hô hấp khi tiếp xúc trực tiếp với người bệnh nên đối tượng tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị lây bệnh trong trường hợp này có thể là bạn bè trong lớp, những người sống cùng trong gia đình và những người mà bệnh nhân Ng. hay gặp gỡ nên lực lượng y tế đang tích cực kiểm tra, nắm tình hình chặt chẽ các đối tượng này nhằm đảm bảo khống chế không để lây lan bệnh. Đến nay, lực lượng chức năng vẫn chưa phát hiện thêm trường hợp nào có dấu hiệu bất thường nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu. “Chúng tôi cũng đang tích cực điều động lượng vắc xin để phục vụ tiêm đủ liều cho học sinh và nhân dân địa phương trong giai đoạn này” - ông Văn nói.
Được biết, từ ngày 11.10 đến nay em Võ Văn Ng. được điều trị cách ly tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, hiện sức khỏe đã dần ổn định, tuy nhiên qua kiểm tra xét nghiệm máu thì vẫn còn những chỉ số chưa được tốt.