Năng lượng tái tạo vượt nhiệt điện than ở Anh
(QNO) - Lần đầu tiên, điện tái tạo vượt qua nhiên liệu hóa thạch ở xứ sở sương mù (Anh), hướng tới nguồn nhiên liệu không khí thải các-bon (CO2).
Tờ Guardian (Anh) số ra ngày 14.10 cho biết, các nguồn năng lượng tái tạo đã cung cấp điện cho các gia đình và doanh nghiệp ở Anh nhiều hơn là nhiên liệu hóa thạch trong quý III.2019.
Như vậy, đây là lần đầu tiên nguồn điện từ các cánh đồng gió, tấm pin mặt trời và các nhà máy năng lượng sinh khối của Anh đã vượt qua nhiên liệu hóa thạch kể từ khi nhà máy điện đầu tiên tại nước này đi vào vận hành năm 1882.
Các trang trại gió, các tấm năng lượng mặt trời, sinh khối và thủy điện đã tạo ra 29,5 terawatt giờ (TWh) năng lượng cho các tháng 7, 8 và 9 vừa qua so với 29,1TWh từ nhiên liệu hóa thạch - theo trang web Carbon Brief.
Trong số 29,5TWh từ các nguồn năng lượng tái tạo, 14,6TWh đến từ gió, 8,8TWh từ sinh khối, 4,7TWh từ năng lượng mặt trời và 1,4TWh đến từ thủy điện.
Với việc bổ sung thêm 37 cánh đồng quạt gió khổng lồ ngoài khơi cũng tạo thêm 70.000 việc làm mới. Trong đó có dự án trang trại gió ngoài khơi lớn nhất thế giới là Hornsea One, bắt đầu sản xuất điện vào tháng 2 năm nay, đạt công suất cực đại 1.200MW vào tháng 10.
Carbon Brief cho hay, nhiên liệu hóa thạch chiếm 4/5 tổng lượng điện tại Anh cách đây chưa đầy 10 năm nhưng nay nhiệt điện đốt than chưa đến 1% tổng lượng điện được tạo ra.
Vào năm 2006, Chính phủ Anh đã công bố kế hoạch hành động phát triển năng lượng tái tạo, trong đó, đáng chú ý là kế hoạch cấp vốn 5 năm cho các hệ thống nhiệt sinh khối và sinh khối kết hợp nhiệt và điện.
Đến nay, Anh trở thành một trong những quốc gia tiên phong trong năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường. Chính phủ Anh quyết định đóng cửa các nhà máy nhiệt điện than đá. Theo tờ Independent (Anh), hiện tại chỉ còn 7 nhà máy nhiệt điện than còn lại ở Anh, với nhà máy cuối cùng sẽ đóng cửa vào năm 2025.
Bộ trưởng Năng lượng Anh Kwasi Kwarteng nói, năng lượng tái tạo tại Anh cũng đánh dấu một cột mốc khác trên con đường hướng tới việc đóng góp cho Thỏa thuận Paris, ngăn chặn biến đổi khí hậu toàn cầu. Nước này đã cắt giảm 40% lượng khí thải kể từ năm 1990.
Giờ đây, với nhiều dự án năng lượng gió ngoài khơi cũng như chi phí cho khai thác năng lượng mặt trời đang diễn ra với mức giá thấp kỷ lục, Anh sẽ còn tiến xa hơn nữa trong lĩnh vực năng lượng tái tạo trong những năm tới.
Còn theo Luke Clark, thuộc Renewable UK, ngành công nghiệp hy vọng sẽ tăng gấp 3 quy mô của ngành gió ngoài khơi vào năm 2030 để tạo ra hơn 1/3 nguồn điện tái tạo cho toàn vương quốc.
Nếu Chính phủ Anh ủng hộ một loạt công nghệ cho các trang trại gió trên bờ và năng lượng tái tạo từ biển - giống như cách nó hỗ trợ gió ngoài khơi, người tiêu dùng và doanh nghiệp sẽ có thể thu được đầy đủ lợi ích của việc chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải CO2 xuống thấp kỷ lục.
Không chỉ tại Anh mà trước đó vào tháng 4.2019, nước Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới đã sản sinh ra nhiều điện năng từ gió, mặt trời, hydro, sinh khối và địa nhiệt hơn là các nhà máy đốt than.