Đánh giá các yếu tố thủy thạch động lực ảnh hưởng đến bồi tụ, xói lở cửa sông, ven bờ

HOÀNG LIÊN 17/10/2019 10:51

(QNO) - Sở KH&CN vừa tổ chức hội thảo đánh giá các yếu tố thủy thạch động lực ảnh hưởng đến quá trình bồi, xói lở vùng cửa sông, ven bờ từ tỉnh Quảng Nam đến Phú Yên trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng; tham vấn ý kiến của các nhà khoa học, nhà quản lý về các vấn đề liên quan. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, lãnh đạo Sở KH&CN Quảng Nam, Quảng Ngãi cùng đông đảo nhà khoa học, nhà quản lý trong và ngoài tỉnh tham dự.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: HOÀNG LIÊN
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Hội thảo nằm trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu khoa học “Nghiên cứu đánh giá các yếu tố thủy thạch động lực ảnh hưởng đến quá trình bồi, xói lở vùng cửa sông, ven bờ từ tỉnh Quảng Nam đến Phú Yên trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng”, do TS. Đào Đình Châm chủ nhiệm, Viện Địa lý (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) chủ trì, triển khai từ tháng 11.2016 đến 6.2019.

Theo TS. Đào Đình Châm, những năm qua, xói lở bờ biển, bồi lấp cửa sông ở dải ven biển từ Quảng Nam đến Phú Yên vô cùng nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng về tính mạng, tài sản con người, để lại những hậu quả lâu dài về kinh tế - xã hội, môi trường sinh thái. Gần đây, hiện tượng xói lở bờ biển, cửa sông đã và đang rất nghiêm trọng ở Cửa Đại và nhiều vùng. Xói lở bờ biển xảy ra trên chiều dài vài nghìn mét với tốc độ lên tới vài chục mét/năm vào đất liền đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của các cấp chính quyền từ địa phương tới trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước cũng như cộng đồng xã hội.

Song song với hiện tượng xói lở là bồi lấp cửa sông, bồi lấp luồng lạch đang xảy ra với chiều hướng ngày càng gia tăng cả về quy mô lẫn cường độ. Điển hình là việc xuất hiện đảo “khủng long” cách cửa biển Cửa Đại 2km đã gây khó khăn cho các phương tiện giao thông khi ra vào cửa cũng như quá trình tiêu thoát lũ ở hạ du sông Thu Bồn.

Cũng theo TS. Đào Đình Châm, từ Quảng Nam đến Phú Yên, quá trình xói lở diễn ra nhiều đoạn bờ biển ở hầu hết các tỉnh. Quảng Nam có chiều dài bờ biển 125km, có tới 18,9km bờ biển bị xói lở, chiếm hơn 15% tổng chiều dài bờ biển. Chiều dài bờ biển tỉnh Quảng Ngãi là 144km, có 35,14km bị xói lở, chiếm hơn 24% tổng chiều dài bờ biển. Chiều dài bờ biển tỉnh Bình Định 134km, có 33,8km bờ biển bị xói lở, chiếm 25,22% tổng chiều dài bờ biển. Chiều dài bờ biển tỉnh Phú Yên 189km, có gần 21km bờ biển bị xói lở, chiếm 10,98% tổng chiều dài bờ biển.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: HOÀNG LIÊN
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết Quảng Nam rất quan tâm đến đề tài này vì đây là đề tài ở tầm vĩ mô cấp nhà nước, phục vụ và đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt, ngày càng ảnh hưởng, tác động nặng nề tới vùng ven biển, cụ thể là vùng biển Cửa Đại - Hội An.

“Thời gian qua đã có nhiều hội thảo trong nước và quốc tế, rất nhiều báo cáo khoa học trong nước và quốc tế, rất nhiều các nhà khoa học trong nước và thế giới đã đề cập, đề xuất các giải pháp nghiên cứu, giúp hạn chế tình trạng sạt lở vùng biển Cửa Đại, song đến nay vẫn chưa có kết quả nào có tính thuyết phục cao nhất. Đề tài cấp nhà nước lần này góp phần làm sáng tỏ thêm tình hình ở khu vực này. Chúng tôi mong muốn từ đề tài nghiên cứu, ban chủ nhiệm đưa ra những giải pháp nào, giải pháp của đề tài có kế thừa đối với các giải pháp, công trình nghiên cứu trước đây, tính khả thi của giải pháp ra sao... Công trình nghiên cứu cần giải quyết được những vấn đề mà tỉnh đặt ra” - ông Lê Trí Thanh nói.

HOÀNG LIÊN