Khai thác cát ở khu vực cầu Giao Thủy: Người dân lo ngại sạt lở

HOÀNG LIÊN 17/10/2019 10:44

Người dân xã Đại Hòa (Đại Lộc) bày tỏ bức xúc trước tình trạng xe tải chở cát, sỏi hoạt động ngoài khung giờ quy định, gây ô nhiễm tiếng ồn, rơi vãi vật liệu. Nhiều người dân còn lo ngại khu vực này vốn là vùng sạt lở, việc khai thác cát dễ làm cho tình trạng sạt lở thêm nghiêm trọng.

Các phương tiện khai thác cát sỏi tại khu vực cầu Giao Thủy. Ảnh: H.L
Các phương tiện khai thác cát sỏi tại khu vực cầu Giao Thủy. Ảnh: H.L

Ảnh hưởng đến dân sinh

Người dân Đại Hòa sống ven sông Thu Bồn lâu nay vẫn thường trực nỗi lo vì khu vực này có những mỏ cát đang được khai thác và nhiều bãi tập kết cát sỏi. Ông Nguyễn Đô (thôn 1, Đại Hòa) cho biết, không chỉ gia đình ông mà nhiều hộ sống sát khu vực mỏ của Công ty Tân Phước Yên, sát cầu Giao Thủy bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm tiếng ồn do hoạt động vận chuyển cát sỏi của đoàn xe diễn ra rầm rộ. “Đoàn xe nối đuôi nhau liên tục, họ chở từ tờ mờ sáng, buổi trưa, buổi chiều, chạng vạng tối, chạy với tần suất dày đặc, xe quá tải, quá khổ, vô cùng nguy hiểm. Cứ rạng sáng, khi ai nấy đang say ngủ thì xe chạy rầm rầm, nền nhà rung chuyển, không ai ngủ được nữa. Đường bê tông mới làm 2 năm đã xuống cấp rồi. Nếu cứ tiếp diễn kiểu này thì không ai chịu được” - ông Đô nói.

Ông Trương Văn Thập (thôn 1, Đại Hòa) cho biết thêm, nhiều lượt xe tải từ mỏ cát ngay chân cầu Giao Thủy đi về hướng Duy Xuyên với tần suất dày đặc, nhiều năm qua liên tục rơi vãi vật liệu ra lòng lề đường, gây ô nhiễm, nguy hiểm cho người và phương tiện lưu thông. “Bà con đã nhiều lần phản ánh, nhà xe có tưới nước nhưng rồi đâu lại vào đấy. Trời mưa thì không bụi nhưng nắng ráo thì bụi mù mịt, chưa kể cát rơi vãi nếu mưa xuống chảy lấp đầy các cống thoát nước cũng gây tắc đường ống thoát nước. Gần đây họ có tưới nước nhưng tần suất và lưu lượng xe chở cát chạy quá dày đặc, quá nhanh, xe chở cát sỏi hoạt động quá sớm, tầm 4 - 5 giờ sáng, họ tranh thủ cả ban trưa để chạy, ảnh hưởng đến giấc ngủ nghỉ, sinh hoạt của người dân lân cận” - ông Thập nói.

Lo sạt lở

Bà Nguyễn Thị Thuận - Chủ tịch UBND xã Đại Hòa cho biết, việc người dân phản ánh tình trạng xe tải vận chuyển cát sỏi từ lúc rạng sáng gây ô nhiễm tiếng ồn và gây ô nhiễm môi trường do rơi vãi vật liệu là có. Địa phương có tiếp nhận ý kiến phản ánh của nhân dân và có kiểm tra, mời đơn vị chủ mỏ lẫn đơn vị vận chuyển đến làm việc, nhắc nhở, yêu cầu cam kết vận chuyển trong khung giờ quy định và có tưới nước, cam kết không rơi vãi vật liệu. Còn về sạt lở bờ sông do tự nhiên hay do mỏ cát, tỉnh đã có đánh giá tác động môi trường rồi. Trên thực tế, khu vực Giao Thủy (thôn 1, Đại Hòa) đã bị sạt lở từ nhiều năm trước do biến động dòng chảy. Còn bờ kè chống sạt lở ven sông từ chân cầu tới đuôi làng, địa phương chỉ mới nghe tỉnh có chủ trương đầu tư từ nguồn biến đổi khí hậu, chứ chưa triển khai.

Bà Nguyễn Thị Thủy cho rằng, làng Giao Thủy (thuộc thôn 1, Đại Hòa) có hàng trăm hộ dân sinh sống, nhiều nhà chỉ còn cách sông 10m, mỗi mùa lũ lớn, sạt lở tiếp tục ăn sâu vào vườn tược, nhà dân. Cả thôn đã có chục hộ dân phải di dời do sạt lở ven sông và còn một số hộ đang lo chỉ qua 1 - 2 đợt lũ lớn, nhà cửa, vườn tược tiếp tục sạt lở. “Bờ sông Thu Bồn từ chỗ đò Giao Thủy trước kia là bãi cát trắng phau chạy dài thì nay bờ sông nham nhở, đầy hục sâu, vách thẳng đứng, lòng sông sâu thăm thẳm. Nếu tình trạng tận thu ráo riết kiểu này thì sạt lở cũng đe dọa tới chân cầu Giao Thủy và các khu dân cư sát sông” - bà Thủy nói. Bà Nguyễn Thị Mười (70 tuổi, trú thôn 1) cho biết thêm, trước đây, Giao Thủy là vùng đất trồng hoa màu ven sông rất rộng, gần 170ha, nhưng trong đợt mưa lũ năm 1998, 1999, nhất là đợt lũ năm 2017 đã khiến toàn bộ bãi bói, 170ha đất sản xuất của làng Giao Thủy cũ bị xói lở nghiêm trọng. Song, điều ai nấy lo lắng là trước đoạn sông đi qua làng không có doanh nghiệp hút cát, nếu có chỉ 1 - 2 ghe nhỏ khai thác trộm, thì nay mỗi ngày có 5 - 10 ghe hút rầm rộ từ rạng sáng tới tối mịt. “Nghe đâu có tới 3 mỏ cát được cấp phép ở đây. Ai nấy lo lắng khi đất vườn tược đã sạt lở tới nơi mà họ cứ hút cát đêm ngày. Trời yên thì không gì nhưng khi mùa mưa lũ xuống mới thấy hậu quả sạt lở, kiến nghị miết nhưng chẳng ăn thua” - bà Mười nói. 

Ông Hồ Thanh Phương - Trưởng phòng TN&MT huyện Đại Lộc cho biết, hiện khu vực Giao Thủy có một bãi tập kết cát sỏi của Công ty Tân Phước Yên ngay tại bến đò Giao Thủy (cũ) và hai mỏ cát của Công ty TNHH TM-DV Hùng Sơn và Công ty An Lạc Viên đã được chuyển nhượng cho Công ty Tân Phước Yên, hoạt động ở vùng Giao Thủy (Đại Hòa) và địa phận huyện Duy Xuyên. Việc quản lý khai thác cát sỏi của Công ty Tân Phước Yên được Chi cục Thuế huyện Đại Lộc quản lý rất kỹ nhờ hệ thống camera giám sát bến bãi gắn trực tiếp với trụ sở Chi cục Thuế Đại Lộc. Chi cục Thuế còn quản lý việc xuất bán hóa đơn của đơn vị. Còn về Phòng TN-MT huyện, trước đó có nhận được đơn thư kiến nghị của người dân Giao Thủy về tình trạng sạt lở ven sông Thu Bồn, Phòng TN-MT đã phối hợp với UBND xã Đại Hòa đi kiểm tra và nhận thấy gần đây, tình trạng sạt lở có giảm, một phần cũng do năm 2018 không có lũ đáng kể. Khi có kiến nghị, đơn thư của người dân, Phòng TN-MT phối hợp với các đơn vị chức năng tích cực kiểm tra, xử lý. Ngoài ra, hằng năm, Phòng TN-MT huyện còn phối hợp với các đơn vị quản lý của tỉnh và đoàn kiểm tra liên ngành đi kiểm tra đột xuất và định kỳ tại nhiều mỏ cát trên địa bàn huyện, trong đó có các mỏ ở Đại Hòa.

HOÀNG LIÊN