Những “con gà công nghiệp”

P.L.C.N 16/10/2019 13:08

Trong cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia mới đây, trong phần giao lưu với khán giả, khi một thí sinh cho biết mình thường ăn bún chả bằng muỗng vì đến lúc này vẫn chưa biết cầm đũa, cả hội trường đã cười ồ. Cười, nhưng “chuyện nhỏ” ấy lại trở thành điều đáng suy ngẫm, lo ngại chung quanh việc trang bị kỹ năng sống cho trẻ em, cho học trò ngày nay. Bởi lẽ, trường hợp của học sinh kể trên không phải là cá biệt. Và, không chỉ chuyện học cách cầm đũa, mà nhiều kỹ năng cơ bản khác, rất nhiều học sinh cũng chưa được học một cách đầy đủ, cả ở nhà và ở trường.

Trong môi trường học đường ngày nay, không khó để tìm ra một học sinh thuộc làu các bài học, giải toán rất giỏi, viết văn rất hay, kể cả bài văn “kể về những việc em đã giúp mẹ ở nhà”. Thế nhưng, trên thực tế, người học trò ấy chưa chắc có thể làm giúp gia đình một việc nhỏ. Nhiều học trò đạt thành tích khá cao trong học tập nhưng có thể chưa biết nhặt rau hay nấu cơm. Là bởi, có nhiều bậc cha mẹ cưng chiều con quá mức. Trong gia đình, nhiều em đã được “quán triệt”, rằng chỉ cần học cho giỏi, mọi việc khác đã có cha mẹ lo. Phần việc mà cha mẹ lo ở đây là tất tần tật, từ chuyện áo quần, cơm nước đến sách vở, vệ sinh cá nhân... Trong khi đó, ở trường, các em phải học quá nhiều môn văn hóa mà ít có thời gian rèn kỹ năng, nên hậu quả là nhiều học sinh đạt thành tích cao trong học tập nhưng không biết làm những việc đơn giản như cột dây giày hay nấu cơm; cao hơn chút nữa là kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm. Ngay cả thú vui giải trí đơn giản như đi dạo hay đọc sách cùng cha mẹ; vui chơi cùng bạn bè, không ít người trẻ cũng không làm được do thiếu thời gian và phải tập trung vào việc học. Không chỉ học sinh phổ thông, nhiều sinh viên đại học cũng khá vụng về, thiếu kỹ năng sống; dù đã thành “người lớn” nhưng vẫn được gia đình “bao cấp” mọi chuyện.

Giáo viên hiện nay hay than phiền về kỹ năng sống của học trò, phụ huynh cũng than phiền về khả năng tự lập của con, nhưng họ đâu có biết rằng, vô tình chính người lớn đã thường xuyên, liên tục tước đi cơ hội trau dồi kỹ năng sống của người trẻ. Giảm thiểu chương trình học văn hóa, tăng cường học kỹ năng; cha mẹ bớt bảo bọc con cái, dạy trẻ tự lập từ những điều nhỏ và từ việc nhỏ trong gia đình... là một trong những cách rèn kỹ năng cho trẻ. Biết là vậy nhưng mấy ai làm được?

Trong hướng dẫn nhiệm vụ năm học của Bộ GD-ĐT, năm nào cũng có nội dung: tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh. Vậy mà không hiểu sao, kỹ năng của học sinh thì không được cải thiện mấy; thậm chí những kỹ năng tự phục vụ cơ bản các em cũng rất hạn chế. Ai cũng luôn mong mỏi người trẻ sẽ thành tài, trở nên ưu tú, nhưng nếu không thay đổi cách giáo dục, có thể chúng ta sẽ có một thế hệ đạt thành tích rất cao trong học tập, rất giỏi chuyên môn nghiệp vụ, nhưng rất kém về kỹ năng và trở thành những “con gà công nghiệp”. Mà kém kỹ năng, không chỉ cá nhân người trẻ thiệt thòi, mà còn gây ra bao nhiêu hệ lụy cho cộng đồng, cho xã hội...

P.L.C.N