Thấm sâu tư tưởng của Bác về dân vận

VINH ANH 15/10/2019 11:26

Hôm qua 14.10, Ban Dân vận Trung ương phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo trực tuyến toàn quốc “70 năm tác phẩm Dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh và trao giải cuộc thi viết về “Dân vận khéo” năm 2019.

Đại biểu các sở, ban ngành, địa phương tham dự hội thảo 70 năm tác phẩm “Dân vận” tại điểm cầu Quảng Nam. Ảnh: V.A
Đại biểu các sở, ban ngành, địa phương tham dự hội thảo 70 năm tác phẩm “Dân vận” tại điểm cầu Quảng Nam. Ảnh: V.A

Đến dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng. Tại điểm cầu Quảng Nam, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng; Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Võ Xuân Ca chủ trì.

Khoa học và nghệ thuật vận động quần chúng

Cách đây vừa tròn 70 năm vào ngày 15.10.1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm “Dân vận” với bút danh X.Y.Z. đăng trên Báo Sự thật, số 120. Tại hội thảo, các tham luận đều nêu bật những giá trị lý luận và thực tiễn của tác phẩm “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tác phẩm có 4 nội dung lớn: Nước ta là nước dân chủ. Dân vận là gì? Ai phụ trách dân vận? Dân vận phải thế nào?

Theo GS-TS. Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, “Dân vận” - một bài báo có dung lượng nhỏ, có thể đếm được từng câu, từng chữ, nhận rõ từng ý, từng lời nhưng lại thực sự là một tác phẩm lớn, thể hiện tầm cao tư tưởng, đạo đức cao đẹp và phong cách đặc sắc của Hồ Chí Minh. Dân vận, qua những chỉ dẫn của Hồ Chí Minh cho ta nhận ra khoa học và nghệ thuật của công tác vận động quần chúng. Đó cũng là những giá trị ở tầm văn hóa chính trị Hồ Chí Minh, nhìn từ mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với dân, chính quyền, đoàn thể với nhân dân mà mục đích cao nhất là vì dân, phục vụ nhân dân như phục tùng một chân lý cao nhất, làm đầy tớ trung thành và công bộc tận tụy của dân là thực hành một lẽ sống cao thượng nhất như Hồ Chí Minh từng căn dặn chúng ta. Dân vận thực sự mang tầm vóc và ý nghĩa của một Cương lĩnh vận động quần chúng làm cách mạng, có giá trị lâu dài, bền vững.

Theo GS-TS. Mạch Quang Thắng, giảng viên cao cấp Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, bài báo “Dân vận” xứng đáng được coi là tác phẩm lớn bởi tầm trí tuệ uyên bác và giá trị lý luận, thực tiễn sâu sắc. Tác phẩm này vượt thời gian và hàm chứa sự chỉ dẫn đúng đắn cho công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung và công tác dân vận nói riêng trong giai đoạn hiện nay. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên quan niệm dân vận: “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể đã giao cho”. Quan niệm như vậy phản ánh tính chất nhân dân trong hành động cách mạng mà Người đã sử dụng ở tất cả lời hiệu triệu toàn dân trước những nhiệm vụ trọng đại của dân tộc.

Không ngừng đổi mới công tác dân vận

Các ý kiến tại hội thảo 70 năm tác phẩm “Dân vận” cho rằng, trong giai đoạn cách mạng hiện nay, công tác dân vận càng nổi lên vai trò quan trọng. Cùng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ, trình độ dân trí ngày càng cao, ý thức và vai trò làm chủ của nhân dân ngày càng được mở rộng, các phương tiện thông tin, mạng xã hội trực tiếp tác động ngày càng đa dạng, đa chiều; các thế lực thù địch, phần tử xấu chống phá ngày càng tinh vi, quyết liệt..., đòi hỏi công tác dân vận của Đảng phải không ngừng đổi mới.

GS-TS. Mạch Quang Thắng thẳng thắn nhìn nhận, Đảng ta đang đứng trước những thử thách lớn trong xây dựng các mối quan hệ, một trong những biểu hiện rõ ràng nhất là mối quan hệ giữa Đảng với dân. Đang có tình trạng chỗ này, lúc nọ, mối quan hệ này bị giảm sút sự bền chặt đến mức đáng lo ngại. Tài sản lớn nhất của Đảng chính là niềm tin của dân đối với Đảng, đối với chế độ chính trị hiện hành. Mất niềm tin này là mất tất cả. Theo ông Thắng, trong thời điểm toàn Đảng đang chuẩn bị đại hội các cấp của Đảng, trong đó cấp cao nhất là Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII vào đầu năm 2021, làm cho dân tin vào Đảng là yêu cầu của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay, trong đó đặc biệt là công tác dân vận.

Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai, thực tiễn 70 năm qua cho thấy, để có được niềm tin của nhân dân, mọi quyết định của Đảng phải xuất phát từ cuộc sống của nhân dân, đặt lợi ích hợp pháp, chính đáng, đời sống của người dân là mối quan tâm hàng đầu. Các chính sách được ban hành không chỉ hợp lòng dân mà còn phải vận động, tuyên truyền để tạo đồng thuận, phát huy vai trò làm chủ, động viên nhân dân tham gia, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Công tác vận động các tầng lớp nhân dân không thể tách rời công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đồng thời quan tâm hoàn thiện cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát” phù hợp thực tiễn.

Phát biểu tại hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí Thư Trần Quốc Vượng đề nghị tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức công tác dân vận theo hướng thiết thực, lấy cuộc sống và quyền lợi hợp pháp, chính đáng của nhân dân là trọng tâm. Đồng thời cần tập trung làm tốt công tác dân vận của các cơ quan nhà nước các cấp. Tiếp tục thực hiện quy chế dân chủ cơ sở thực sự đi vào chiều sâu, phát huy dân chủ rộng rãi trong Đảng và nhân dân; gắn thực hiện quy chế dân chủ cơ sở với công tác cải cách hành chính; khắc phục tình trạng hành chính hóa, thờ ơ, vô cảm trước nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Cần quy định rõ trách nhiệm thực hiện công tác dân vận của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể, cán bộ, đảng viên; hàng năm tiến hành kiểm điểm, đánh giá kết quả công tác dân vận của tập thể cấp ủy, đảng viên; tiếp tục nâng cao chất lượng cán bộ làm công tác dân vận... Để tổ chức tốt Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng, đồng chí Trần Quốc Vượng yêu cầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp tập trung khắc phục, giải quyết dứt điểm, triệt để những vấn đề bức xúc, nổi cộm mà cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm.

VINH ANH