Văn hóa giao thông đường sắt

SÁU CÒI 15/10/2019 10:50

Bên cạnh giải tỏa lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt, Quảng Nam đang nỗ lực khắc phục, xóa đường ngang dân sinh để những chuyến tàu lưu thông an toàn.

Thực hiện quy chế phối hợp giữa Bộ GTVT và Quảng Nam về đảm bảo trật tự ATGT tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt, các ban ngành đã và đang triển khai xây dựng gồ, gờ giảm tốc, sơn vạch dừng và lắp đặt hệ thống báo hiệu tại 8 đường ngang cảnh báo tự động và 1 đường ngang cảnh báo bằng biển báo với tổng mức đầu tư khoảng 370 triệu đồng. Các hạng mục vừa nêu sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong tháng 10 này. Đường ngang còn lại chưa có gồ, gờ giảm tốc (5 đường ngang cảnh báo tự động và 8 đường ngang cảnh báo bằng biển báo), Sở GTVT sẽ tiếp tục kiến nghị UBND tỉnh xem xét bổ sung kinh phí để thực hiện trong thời gian tới. Giám đốc Sở GTVT Lê Văn Sinh - Phó Trưởng ban Thường trực Ban ATGT tỉnh cho hay, ngành cũng đang thi công đường gom dân sinh dọc bên phải đường sắt, đoạn lý trình km891+278-km891+485. Khi xây dựng xong, lối đi tự mở tại km981+485 sẽ bị xóa.

Không những vậy, Ban ATGT tỉnh đã chủ trì phối hợp với các huyện Thăng Bình, Núi Thành và Công ty CP Đường sắt Quảng Nam - Đà Nẵng, Công ty CP Thông tin tín hiệu đường sắt Đà Nẵng, Chi nhánh Khai thác đường sắt Nghĩa Bình thành lập và đưa vào hoạt động các chốt gác tại 3 lối đi tự mở km848+380 (xã Bình Trung, Thăng Bình), km886+820 và km888+820 (thị trấn Núi Thành, Núi Thành). Sở GTVT còn lập kế hoạch kinh phí đề xuất UBND tỉnh khảo sát có phương án đảm bảo ATGT tại các điểm giao cắt đường bộ với đường sắt nhằm khảo sát, thu thập toàn bộ các thông tin tại vị trí đường ngang giao với đường sắt để lập hồ sơ phục vụ công tác quản lý; đề xuất các giải pháp bền vững lâu dài đảm bảo ATGT. Nỗ lực ấy của những người có trách nhiệm, trong đó có xử lý vi phạm hành lang bảo vệ đường sắt nhằm bảo vệ an toàn chạy tàu trên suốt chiều dài hơn 91km đường sắt Bắc - Nam đi qua xứng đáng được ghi nhận.

Nhân bàn về đường sắt, TP.Hà Nội đã ra quân, kiên quyết dẹp bỏ “phố cà phê đường tàu”. Có luồng ý kiến cho rằng, nó cần được gìn giữ bởi đây là một nét văn hóa độc đáo của Hà Nội. Thế nhưng, không thể vì thỏa mãn nhu cầu của đám đông tò mò, tới chụp ảnh ngồi trên đường tàu bất chấp nguy hiểm cho chính bản thân họ… chỉ để khoe lên mạng xã hội, rồi cho tồn tại “phố cà phê đường tàu” nhưng không có văn hóa giao thông. Luật Đường sắt 2017 (Luật Đường sắt sửa đổi) có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1.7.2018 đã nêu rõ hành vi lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt. Cùng với đó, cần thực hiện đúng các nghị định, gần nhất là Nghị định số 56/2018/NĐ-CP quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt. Rõ ràng, “phố cà phê đường tàu” đã vi phạm Điều 9 của nghị định, cụ thể là vi phạm hành lang an toàn, xâm phạm đường tàu chạy, đe dọa an toàn chạy tàu và cả hành khách đi trên tàu. Việc xóa bỏ trước hết là đúng luật, sau là thiết thực bảo vệ tính mạng người dân, du khách.

SÁU CÒI