Mấy nét Thạch Tân xưa
Làng kháng chiến Thạch Tân nổi tiếng - nơi có địa đạo Kỳ Anh được xếp hạng là di tích quốc gia nay là thôn Thạch Tân, xã Tam Thăng, TP. Tam Kỳ. Đây là ngôi làng bị chà xát ác liệt bởi chiến tranh. Nhưng, điều kỳ diệu là một số dấu tích về thiên nhiên, kiến trúc, tư liệu tộc họ… vẫn tồn tại, giúp người đời sau biết được phần nào diện mạo thổ nhưỡng, lịch sử, văn hóa, sinh hoạt dân cư của làng này từ nhiều thế kỷ trước.
Trảng bà bơi
Thạch Tân xưa là một xã nghèo, đất trồng lúa rất ít. Phần lớn là đất bỏ không (hoang nhàn) và cát trắng (bạch sa).
Có một câu chuyện lưu truyền từ xưa: Bao bọc vùng phía đông và đông nam của xã này là một trảng cát rất rộng; đi lạc vào trong đó, nếu không quen, khó thể tìm được hướng ra. Gần đó, có một bà lão nghèo nuôi đứa cháu nhỏ mồ côi. Họ quanh quẩn trong làng, lam lũ nuôi thân. Một bữa chiều tối, có việc ra ngoài trảng cát, chẳng may gặp gió lớn, hai bà cháu chạy tán loạn rồi lạc nhau. Trời dần tối, đứa cháu tìm bà khản cổ gọi “Bà bơi! Bà bơi!” (bơi - tiếng địa phương, tức là ơi!) mà chẳng thấy. Nghe tiếng “Bà bơi” văng vẳng, người làng ra sức đi tìm, nhưng chẳng ai dám băng vào trảng cát. Sáng ra, họ tìm thấy xác bà lão ở đầu trảng còn đứa cháu thì biệt tăm. Từ đó, trong những đêm vù vù gió cát, có người làng nghe đâu đó có tiếng con trẻ gọi “Bà bơi!” vẳng lên giữa trảng.
Câu chuyện trên giải thích cho tên gọi “trảng Bà Bơi” từng lưu hành hồi đầu thế kỷ trong trí nhớ của các người già. Một phần trảng cát ấy - nằm giữa ba thôn Thạch Tân, Vĩnh Bình và Tân Thái, nay đã là vùng đất thuộc khu công nghiệp Tam Thăng.
Mấy tư liệu địa chí
Sách Phủ biên tạp lục soạn năm 1776 ghi tên “Thạch Tân” là một xã trực thuộc “Chu Tượng thuộc” (chu: thuyền; tượng: thợ; thuộc: đơn vị hành chính tương đương một tổng) - tức là một đơn vị quy tụ dân cư ven sông có nhiều ghe thuyền, của huyện Duy Xuyên vào cuối thế kỷ 18. Theo các tư liệu còn lưu, vào thời nhà Nguyễn, xã Thạch Tân nằm trong địa giới của Chu Tượng, lệ thuộc vào sự quản lý của huyện Quế Sơn. Đến gần cuối thời Nguyễn, trong ghi nhận của Đồng Khánh địa dư chí, xã Thạch Tân thuộc về tổng An Thái Trung, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Bình.
Trong các bài văn cúng còn lưu truyền ở làng/xã này, tên xứ đất Bà Nang được dùng phổ biến. Ngoài ra, tên Nôm của một xứ đất khác cũng được ghi nhận, là xứ Gò Củi, về sau còn được gọi là Bến Củi (dịch sang chữ Nho là Sài Tân). Hẳn là giữa Bà Nang (Chăm?), Gò Củi/Bến Củi (Nôm) và Sài Tân (Nho) có mối liên hệ với tên Thạch Tân? Nhưng, đến nay chưa ai giải thích được mối liên hệ ấy.
Dấu cũ hiện còn
Ở đầu thôn Thạch Tân, về phía bắc, hiện còn một cây “rõi” cổ thụ rất cao, thân sù sì rắn chắc to đến hơn hai vòng tay ôm. So sánh với hai cây cốc tại khu mộ ông thủy tổ tộc Lê ở phường Trường Xuân (Tam Kỳ) và cây da ở gần nghĩa trang xã Tam Xuân I (Núi Thành) - được người các địa phương ấy cho là trồng đồng thời với việc lập làng (khoảng thế kỷ 16), thì cây rõi làng Thạch Tân có thể cũng có tuổi tương đương. Ông Huỳnh Kim Ta, 60 tuổi, thôn trưởng Thạch Tân cho biết, cùng với cây “rõi” ở đầu làng, xưa còn có cây “sơn mã” ở giữa và cây “trâm lăng” ở cuối làng. Nhưng hai cây cổ thụ kể sau nay đã không còn, người địa phương cũng không ai biết vì sao có tên là trâm lăng và sơn mã?
Đình Thạch Tân là một trong những đình làng ở vùng đông Tam Kỳ may mắn trụ vững qua bom đạn chiến tranh. Đình có kết cấu ba gian hai chái lợp ngói vồng theo kiểu đình truyền thống ở vùng nam Quảng Nam xưa. Kiểu thức kiến trúc bên ngoài cũng như nội thất của ngôi đình này, tuy bị thay đổi chút ít sau nhiều đợt trùng tu, nhưng cách bố trí các gian thờ và chữ nghĩa bên trong được cho là không thay đổi. Bài vị tiền hiền được đặt ở gian chính. Hai bên có câu đối: “Thạch bi vĩnh ký tiên hiền tích/Tân khẩu trường lưu hậu thế công” (Diễn nghĩa: Bia đá mãi ghi chuyện các bậc tiền hiền mở đất/ Người Thạch Tân kể mãi chuyện các thế hệ sau ra công xây dựng làng xã theo dấu tiền nhân). Ở bình phong trước sân đình có câu đối: “Thạch trụ lưu truyền thiên cổ ngưỡng/Tân hàm phước trạch bách niên hương” (Tạm dịch: Cơ nghiệp lưu truyền, nghìn năm ngưỡng mộ/Cháu con hưởng phước, mãi mãi phụng thờ).
Gần như còn nguyên vẹn sau chiến tranh là nhà thờ tộc Nguyễn, ở tổ 4 thôn Thạch Tân. Không chỉ cấu kiện gỗ còn nguyên, các câu đối treo trên cột cũng còn nguyên nét chữ chạm khắc với các dòng lạc khoản ghi năm tạo dựng nhà thờ này. Theo nhận xét của một số vị cao niên địa phương, đây là kiến trúc và trang trí tiêu biểu cho kiểu nhà thờ hạng vừa ở vùng đông Tam Kỳ xưa. Khảo sát nội dung các câu đối được treo trong đó có thể thấy được truyền thống, đạo lý của người Việt được thể hiện qua chữ nghĩa giản dị mà hàm súc của các nhà Nho huyện Hà Đông thuở trước
Các tộc tiền hiền và nghề dệt chiếu
Ông Huỳnh Kim Ta cho biết, bốn tộc Huỳnh, Nguyễn, Lê, Phạm được cho là có công khai phá lập làng. Đến khi triều đình cho kê khai công tích tiền hiền, bốn họ Huỳnh, Nguyễn, Lê, Phạm được vinh danh là “Đồng tiền hiền làng Thạch Tân”. Danh tính bốn họ này được khắc vào cây đòn đông của đình làng theo lệnh của lý trưởng Huỳnh Bách - tại chức vào thời vua Khải Định. Chưa có điều kiện kiểm tra thông tin này, nhưng được biết, trong tư liệu hiện còn của hai tộc Nguyễn và Huỳnh, các chi tiết về gốc gác quê quán ở Bắc Trung Bộ và thời điểm vào vùng ven các con sông ở Tam Kỳ được thể hiện khá rõ.
Tộc Huỳnh, tính đến đời ông Huỳnh Kim Ta là 21 đời. Quê gốc của ông thủy tổ tộc này ở vùng Thanh Hóa. Nếu tính theo cách “bốn thế hệ một trăm năm” thì tộc Huỳnh đến vùng ven đầm An Thái - nơi giáp giới hai huyện Thăng Bình và Hà Đông xưa cách nay vào khoảng năm trăm năm (thế kỷ 16).
Bộ gia phả của tộc Nguyễn nói trên cũng cho biết ông bà thủy tổ của tộc này cũng từ huyện Thái Lộc, phủ Đức Quang, thừa tuyên Nghệ An vào khai phá xứ Gò Củi (sau là Bến Củi) vào đầu thế kỷ 16. Đây là một bộ gia phả được ghi liên tục, cùng nhiều bài văn cúng cầu an trong tộc (xưa gọi là văn tiếu tạ) được thực hiện qua nhiều đời.
Hiện không tìm thấy tư liệu nào ở Thạch Tân ghi lại gốc tích hành nghề dệt chiếu - một nghề phổ biến ở làng này. Ông Huỳnh Kim Đào 62 tuổi ở tổ 3 thôn Thạch Tân cho biết, nghề này được ông bà truyền lại từ rất nhiều đời. Do ít đất trồng lúa, lại sống ven đầm lầy, cư dân Thạch Tân xưa trồng cây lác để dệt chiếu. Lác được trông ở các đồng Vạc Tụng, đồng Lầy, đồng Cây Gươi… nơi có lạch sông Gò Me từ phía ngã ba sông Tam Kỳ chảy ra đầm An Thái - Thăng Bình. Các thửa ruộng trồng lác ấy được phân cách không theo cách đắp bờ như trên đất cao ráo mà đào thành các mương dài trên đất lầy để phân chia giới hạn.