Nan giải chuyện thoát nghèo
Toàn tỉnh chỉ có hơn 66% hộ nghèo đăng ký thoát nghèo bền vững so với chỉ tiêu 5.005 hộ mà tỉnh đã đặt ra. Năm 2019 đã sắp kết thúc, câu chuyện giảm nghèo vẫn là vấn đề hết sức nan giải.
Điểm sáng Nam Trà My
Đến khi khép lại danh sách hộ nghèo đăng ký thoát nghèo bền vững, huyện Nam Trà My đã có 540 hộ đăng ký/450 chỉ tiêu UBND tỉnh giao và 9 hộ cận nghèo đăng ký. Kết quả rà soát hộ nghèo năm 2018, Nam Trà My còn 3.326 hộ (tỷ lệ 45,88%), hộ cận nghèo 16 hộ (0,22%).
Phòng LĐ-TB&XH huyện Nam Trà My cùng các xã đã rà soát, phân loại thực trạng từng hộ nghèo để có cơ sở vận động đăng ký thoát nghèo cũng như cách hỗ trợ phù hợp trong năm 2019. Trong số hộ nghèo của huyện, có đến 3.324 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, nguyên nhân chung dẫn đến nghèo vì tiêu chí thu nhập không đảm bảo. Huyện cũng phân loại những hộ nghèo không thể thoát nghèo được do thuộc diện bảo trợ xã hội (56 hộ), người có công (36 hộ), còn lại thuộc diện có thể tác động giảm nghèo được bằng các chính sách hiện có.
Ông Võ Như Sơn Trà - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Nam Trà My cho biết, trên cơ sở phân tích thực trạng hộ nghèo năm 2018, UBND huyện đã giao Phòng LĐ-TB&XH phối hợp với các ngành, địa phương để triển khai nhiệm vụ, giao chỉ tiêu đăng ký thoát nghèo bền vững đến từng xã. Huyện, xã cùng phối hợp với trưởng thôn, người có uy tín tuyên truyền những chính sách giảm nghèo, cơ chế dành cho người đăng ký thoát nghèo bền vững đến người dân, đặc biệt là hộ nghèo, cận nghèo. Từ đó hộ nghèo, cận nghèo tự nguyện làm đơn đăng ký thoát nghèo bền vững.
“Theo danh sách đăng ký, Trà Linh là xã đăng ký thoát nghèo bền vững nhiều nhất với 88 hộ, tiếp đến là xã Trà Cang 74 hộ, Trà Dơn 54 hộ, Trà Don 53 hộ... Hộ nghèo của huyện đăng ký thoát nghèo bền vững ngoài hưởng chính sách theo Nghị quyết 13 của HĐND tỉnh còn được hỗ trợ thêm từ nguồn ngân sách huyện bằng Nghị quyết 16 của HĐND huyện, các phòng ban, đơn vị kết nghĩa, đỡ đầu hỗ trợ thêm nguồn lực, tư vấn, hướng dẫn cách làm ăn...” - ông Võ Như Sơn Trà chia sẻ.
Khi có danh sách hộ đăng ký thoát nghèo bền vững, các xã ở Nam Trà My phải kiểm tra lại thực trạng hộ nghèo lần nữa, đảm bảo hộ đủ điều kiện khả năng thoát nghèo mới chấp nhận đơn đăng ký. Như hộ anh Hồ Văn Lương (xã Trà Cang), gia đình có 2 con đang học tiểu học, vợ chồng đều trẻ, có sức lao động. Anh Lương đã vay từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện 24 triệu đồng và dùng số tiền này mua cây, con giống phát triển kinh tế.
Qua kiểm tra thực tế, hộ anh Lương có khả năng thoát nghèo được, xã Trà Cang đồng ý đối với đơn đăng ký thoát nghèo của anh. Huyện sau khi tổng hợp danh sách chọn hộ ngẫu nhiên để kiểm tra rồi mới chốt lần cuối. Đồng thời hàng tháng, huyện tổ chức giao ban để theo dõi tình hình chuyển biến của hộ đăng ký thoát nghèo bền vững qua báo cáo của từng xã.
Khó đạt chỉ tiêu
Theo Sở LĐ-TB&XH, đến hết tháng 9.2019, toàn tỉnh có 3.335 hộ đăng ký thoát nghèo, chỉ đạt 66,63% so chỉ tiêu giảm hộ nghèo UBND tỉnh giao cho các địa phương trên địa bàn tỉnh tại Quyết định số 3678 (5.005 hộ). Chỉ có 3 huyện có số lượng hộ nghèo đăng ký vượt chỉ tiêu tỉnh giao là Phước Sơn (395 hộ đăng ký/350 chỉ tiêu), Nam Trà My (540 hộ đăng ký/450 chỉ tiêu), Đông Giang (358 hộ đăng ký/350 chỉ tiêu).
Tổng số hộ cận nghèo đăng ký thoát cận nghèo bền vững năm 2019 có 2.626 hộ, bằng 52,52% so với mục tiêu Nghị quyết 13 đề ra (5.000 hộ/năm). Với kết quả đăng ký thoát nghèo như trên, khả năng đạt được chỉ tiêu giảm nghèo theo Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và Quyết định số 3678 của UBND tỉnh là rất thấp. Nếu không có sự vào cuộc quyết liệt từ tỉnh đến các địa phương, chỉ tiêu 5.005 hộ nghèo thoát nghèo bền vững là khó đạt được.
Bà Lưu Thị Bích Ngọc - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, qua kiểm tra thực tế của Văn phòng Giảm nghèo tỉnh cho thấy, một số địa phương thiếu chỉ đạo tập trung, quyết liệt trong thực hiện. Công tác tuyên truyền, giải thích chính sách cũng như vận động hộ nghèo, cận nghèo đăng ký thoát nghèo bền vững ở một số nơi còn sơ sài, không đến được với người dân. Vai trò của cộng tác viên giảm nghèo theo Nghị quyết số 18/2018/NQ-HĐND chưa phát huy, một số cộng tác viên chưa thực hiện nhiệm vụ theo Quyết định số 2743/QĐ-UBND ngày 11.9.2018 của UBND tỉnh. Đối với hộ nghèo, cận nghèo còn lại hiện nay tập trung vào nhóm có hoàn cảnh khó khăn, thiếu điều kiện để đăng ký thoát nghèo. Đồng thời một số hộ nghèo, hộ cận nghèo thiếu mạnh dạn đăng ký thoát nghèo bền vững; nhiều hộ sợ khi thoát nghèo sẽ không được thụ hưởng chính sách giảm nghèo, nhất là chính sách y tế và giáo dục (cấp thẻ BHYT, hỗ trợ tiền ăn, vận chuyển; học phí, hỗ trợ tiền ăn, tiền nhà) nên không đăng ký thoát nghèo.