Theo nhịp thở ban đêm

ĐĂNG QUANG 14/10/2019 14:08

Ban đêm với nhiều người là quãng thời gian dành để nghỉ ngơi và ngủ. Nhưng đối với ngành du lịch và dịch vụ, ban đêm là một đời sống nhộn nhịp cho công việc làm ăn.

Có thể hình dung nếu nhịp thở ban đêm không có gì ấn tượng thì vùng đất và con người nơi bạn đến tham quan sẽ nhạt nhòa thế nào. Như Hội An, nếu không có những “đêm phố cổ”, hay chợ đêm, hoặc chương trình nghệ thuật thực cảnh “Ký ức Hội An”, sẽ giảm đi nhiều thời gian lưu trú của khách. Tao nhân mặc khách đến phố cổ, không có ban đêm sẽ không thể cảm nhận sự lung linh huyền ảo của đèn lồng, của những hoa đăng lãng đãng trên sông Hoài. Nói không ngoa, chính nét đẹp của phố cổ về đêm đã góp phần lớn làm cho Hội An được du khách yêu thích và bình chọn, tôn vinh nhiều danh hiệu như thành phố quyến rũ, điểm đến hấp dẫn, hay là một trong 10 thành phố du lịch tốt nhất thế giới (theo bình chọn của tạp chí du lịch nước Anh Wanderlust).

Đề cập việc làm ăn vào ban đêm, không đơn thuần là để phát triển kinh tế du lịch mà còn hàm chứa cơ hội cho nhiều ngành kinh tế khác. Kinh doanh dịch vụ, buôn bán ẩm thực, phát triển ngành công nghiệp giải trí,… là những ví dụ cho thấy việc tận dụng thời gian ban đêm hiệu quả. Và thực ra các nhà nghiên cứu đã dùng một thuật ngữ để bao gói trọn vẹn là kinh tế ban đêm (night-time economy). Thời gian hoạt động của các loại hình kinh tế ban đêm thường được tính khoảng từ 20 giờ tối đến trước 6 giờ sáng. Không rõ phương pháp đo lường như thế nào, nhưng một số nghiên cứu đã đưa ra những con số rất hiệu quả của kinh tế ban đêm trên nhiều quốc gia phát triển (như mang lại cho nước Anh 66 tỷ USD hàng năm, Úc - 102 tỷ  USD).

Ở Việt Nam nói chung, Quảng Nam nói riêng, các loại hình kinh tế ban đêm đã và đang phát triển. Tuy nhiên, vì còn bị ảnh hưởng của văn hóa Á Đông (ngại chuyện đi chơi qua đêm - over night) nên các sản phẩm còn sơ sài, và thời gian diễn ra các hoạt động trong đêm thường ngắn ngủi (kết thúc khoảng 23 giờ). Các loại hình du lịch về đêm cũng bắt chước na ná nhau như chợ đêm, đêm phố cổ (Hội An và Hà Nội), nếu không đổi mới sáng tạo, gia tăng bản sắc địa phương sẽ dễ gây nhàm. Hội An đã thức nhận được vấn đề này nên đã và đang tìm cách làm mới sau 20 năm tổ chức “Đêm phố cổ” (với hơn 230 đêm được tổ chức từ 1998 - 2018). Mới đây, trong cuộc tọa đàm “Tìm giải pháp nâng cao chất lượng du lịch Hội An”, nhiều doanh nghiệp có chung đề xuất cần phải tạo ra những “đêm An Bàng”, “đêm Trà Quế”… xen kẽ vào những ngày giữa tuần để điều tiết được dòng khách thường chệch hẳn về thời điểm cuối tuần cũng như chỉ tập trung vào khu vực phố cổ. Đó là ý kiến xác đáng cần nghiên cứu, bởi hiện tại dòng khách về Hội An cũng sụt giảm sau khoảng 21 - 22 giờ đêm. Hội An còn khó vậy nói chi đến các địa phương phía nam của tỉnh. Ngay tại tỉnh lỵ Tam Kỳ, có lẽ chỉ một số quán nhậu, quán karaoke còn hoạt động tới 22 giờ, ngoài ra khách chẳng biết chơi gì vào ban đêm. Đến một thành phố để… ngủ thì quả là khó mà níu chân khách du lịch lưu trú!    

Nhìn ra chung quanh chúng ta thấy rằng các nước phát triển được du lịch đều có cách làm cho kinh tế ban đêm phát triển. Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Singapore… đều có những thành phố sầm uất, hoạt động 24/24 giờ không ngừng nghỉ, giải quyết hàng triệu việc làm cho người lao động trong các loại hình kinh tế ban đêm. Nước Nhật phát triển kinh tế ban đêm khá ấn tượng nên trong vòng 3 năm qua đã thu hút được từ 20 triệu tăng lên 30 triệu khách du lịch.

Khi mặt trời lặn xuống ở nơi này là mọc lên ở nơi khác. Như ánh trăng, kinh tế ban đêm là phân khúc trên dòng thời gian trôi đi để con người sống với nhịp thở kỳ diệu.

ĐĂNG QUANG