“Dải thổ cẩm”

XUÂN HIỀN 14/10/2019 13:52

Lựa chọn tên gọi “Dải thổ cẩm” để đặt cho “Mạng lưới dệt” khu vực miền Trung và Tây Nguyên, những người làm nên sự tụ hội này mong muốn sẽ giúp các giá trị quý báu của đồng bào miền núi tỏa sáng cũng như phát triển hơn nữa trong tương lai...

Ban điều hành “Mạng lưới dệt” ra mắt tại hội thảo. Ảnh: X.H
Ban điều hành “Mạng lưới dệt” ra mắt tại hội thảo. Ảnh: X.H

Cuối tuần qua, Hội thảo Khởi động Mạng lưới dệt miền Trung do FIDR (Tổ chức Cứu trợ/Phát triển quốc tế) tổ chức tại Hội An, thu hút 17 nhóm dệt của 7 nhóm dân tộc thuộc 5 tỉnh thành Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Đắc Nông, Kon Tum tham gia.

Kết nối

Bà Nobuko Otsuki - Trưởng Đại diện FIDR tại Việt Nam chia sẻ, “Mạng lưới dệt” là ước mơ ấp ủ từ nhiều năm nay của FIDR, khi tổ chức này bắt đầu có những hoạt động đầu tiên để hỗ trợ các nhóm dệt tại miền núi Quảng Nam từ hơn 10 năm trước. “Cho đến nay, điều mong muốn của chúng tôi đã thành hiện thực. Khi cảm nhận được bàn tay tài hoa của những nghệ nhân dệt thổ cẩm, thật sự chúng tôi không muốn di sản văn hóa quý giá bị mất mát. Vì vậy, chúng tôi phải hành động để làm thế nào đưa được các sản phẩm của nghệ nhân này đi xa hơn địa phương mình, phát triển hơn nữa trong tương lai cũng như bảo tồn được chính bản sắc của họ” - bà Nobuko Otsuki nói. Lựa chọn việc hình thành “mạng lưới dệt thổ cẩm” chứ không phải các giá trị khác đang hiện diện trong cuộc sống của đồng bào miền núi, các chuyên gia của FIDR cho rằng, vì chính khi thực hành nghề truyền thống, người phụ nữ dân tộc thiểu số mới thực sự tự tin nhất. Chính sự tự tin này là nền tảng để họ bước ra bên ngoài, tự hào với vốn liếng mình đang sở hữu và thúc đẩy các giá trị khác của đời sống phát triển. 

Các nghệ nhân của 17 nhóm dệt thuộc 5 tỉnh miền Trung - Tây Nguyên ký vào bản Cam kết chung của “Mạng lưới dệt”.
Các nghệ nhân của 17 nhóm dệt thuộc 5 tỉnh miền Trung - Tây Nguyên ký vào bản Cam kết chung của “Mạng lưới dệt”.

Việc vận hành mạng lưới sẽ do chính các nhóm trưởng của các nhóm dệt cùng sự hỗ trợ của FIDR thực hiện. Nghệ nhân Nguyễn Thị Kim Lan (Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Zơ Ra - Nam Giang) được lựa chọn trong Ban điều hành mạng lưới, cho biết thông qua mạng lưới sẽ giúp chị em nâng cao tay nghề, kết nối lẫn nhau để mở rộng thị trường cho sản phẩm thổ cẩm của đồng bào mình. Đây cũng chính là mong muốn của các nhóm dệt đến từ các tỉnh thành. Chị Hiền Thị Vân (nghệ nhân nhóm dệt Ladee) cho biết, từ may mặc truyền thống của người Tà Riềng trở thành sản phẩm mang lại vinh dự cho đồng bào, người Tà Riềng bắt đầu nhận ra đây cũng chính là di sản văn hóa quý báu của dân tộc mình. Do vậy, khi tham gia vào mạng lưới, chị mong sẽ có những chia sẻ từ các nhóm dệt đang phát triển tốt từ kỹ thuật, nguyên liệu đến thông tin thị trường.

Bà Trần Thị Thu Oanh - chuyên gia phát triển Mạng lưới/Du lịch cộng đồng của FIDR cho rằng, điều lớn nhất khi mạng lưới dệt hình thành chính là tạo sự đoàn kết giữa các nhóm dệt khác nhau, tạo thành một “dải thổ cẩm” để mọi người kết nối và lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào miền núi. Chính điều này sẽ tạo nên sinh kế phát triển bền vững cho cộng đồng các dân tộc thiểu số.

Chung tay phát triển

Khá nhiều khó khăn từ các nhóm dệt, tổ hợp tác, hợp tác xã trên địa bàn 5 tỉnh miền Trung - Tây Nguyên được nêu lên, ngõ hầu sẽ từng bước tìm cách tháo gỡ thông qua sự liên kết của các nhóm này lẫn cơ quan chức năng liên quan. Nghệ nhân A Viết Thị Tâm - trưởng nhóm dệt Tà Ôi (A Lưới - Thừa Thiên Huế) cho biết, hiện nay sản phẩm dệt thổ cẩm của dân tộc Tà Ôi khá đa dạng, tuy nhiên lại không có thị trường tiêu thụ. “Chúng tôi mong khi khách du lịch đến thăm A Lưới sẽ được giới thiệu thêm về dệt của người Tà Ôi, để từ đây sản phẩm của chúng tôi được mọi người người biết đến nhiều hơn” - chị A Viết Thị Tâm nói. Tương tự, nhóm dệt Mạ, nhóm dệt Ê Đê của Đắk Nông, hay nhóm dệt Hòa Bắc (Đà Nẵng) cũng như các tổ hợp tác, nhóm dệt của Quảng Nam đều gặp khó ở việc quảng bá, tiếp thị sản phẩm hay thậm chí cả đầu ra đầu vào chưa được kết nối, sản phẩm làm ra nhiều nhưng bán được rất ít. Nghệ nhân H’Đá - nhóm dệt Ê Đê (Đắk Nông) chia sẻ, dệt là nghề cũng là phong tục truyền thống, nên bản thân họ nỗ lực vừa làm để dùng vừa để giữ gìn bản sắc, tuy nhiên, sự kết nối lẫn thông tin với các sự kiện liên quan, tạo cơ hội quảng bá đều rất ít ỏi. 

Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Văn Tiếp - Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho biết, việc kết nối cộng đồng làng nghề để bảo tồn nghề truyền thống là mong muốn của hiệp hội. “Chúng tôi hy vọng sẽ có thể liên kết với nhiều làng nghề để nâng cao giá trị của người làm nghề, kích thích tinh thần của nghệ nhân nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống” - ông Tiếp nói. Theo đó, thông qua “Mạng lưới dệt” vừa được hình thành, Hiệp hội Làng nghề sẽ thông tin đến các địa phương về những chương trình, sự kiện nhằm quảng bá các nhóm dệt, tạo cơ hội để họ được tham gia và lan tỏa sản phẩm của mình. Ông Doãn Trọng Lân (đại biểu đến từ Sở Công Thương Quảng Nam) cho rằng, để quảng bá được sản phẩm cần phải có sự đồng lòng kết nối giữa sản xuất và lưu thông. Quảng Nam đã có chương trình quy hoạch các làng nghề của miền núi, tuy nhiên việc phát triển như thế nào vẫn cần phải có thời gian. “Các hội chợ là dịp để quảng bá sản phẩm tốt nhất, việc tạo cơ hội cho họ tham gia các sự kiện như vậy là điều cần thiết” - ông Lân chia sẻ. 

Nỗ lực tìm kiếm và kêu gọi cùng nhau hợp tác, hỗ trợ các nhóm dệt, trong tương lai, khi “Mạng lưới dệt” đi vào hoạt động sẽ tạo đà cho sự phát triển không ngừng của di sản văn hóa quý báu này.

XUÂN HIỀN