Truyền thông đẩy lùi tảo hôn

ĐÌNH HIỆP 14/10/2019 13:51

Trên địa bàn huyện Tây Giang vẫn còn xảy ra tình trạng học sinh bỏ học, một trong những nguyên nhân là sớm lập gia đình. Tăng cường truyền thông giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản là việc làm cần thiết, góp phần đẩy lùi nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống hiệu quả.

Bác sĩ Zơrâm Báo tuyên truyền về giáo dục giới tính cho học sinh Trường THPT Tây Giang. Ảnh: Đ.HIỆP
Bác sĩ Zơrâm Báo tuyên truyền về giáo dục giới tính cho học sinh Trường THPT Tây Giang. Ảnh: Đ.HIỆP

 Bỏ học lập gia đình

Thầy giáo Huỳnh Ngọc Hưng - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tây Giang chia sẻ chỉ tính riêng năm học 2018 - 2019, toàn huyện đã có hơn 86 học sinh bỏ học, hầu hết rơi vào cấp học THCS và THPT. Riêng Trường THPT Tây Giang có đến 38 em bỏ học. Mặc dù nhà trường đã có nhiều giải pháp vận động, nhưng tình trạng học sinh bỏ học vẫn diễn ra. Có rất nhiều nguyên nhân bỏ học, trong đó đáng lo ngại nhất là các em bỏ học để lập gia đình trong khi độ tuổi chưa được pháp luật cho phép. “Hiện nay, một bộ phận học sinh thiếu tích cực trong học tập, giảm sút ý chí, thiếu ý thức khắc phục khó khăn để vươn lên trong học tập. Do còn quá non nớt, thiếu “vốn sống” nên các em thường có những ngộ nhận, quan điểm lệch lạc trong cuộc sống. Một thực tế hiện nay là các em gái có độ tuổi dậy thì sớm nhưng lại không được trang bị đầy đủ kiến thức và hiểu biết về giới tính, sức khỏe sinh sản nên chưa biết cách bảo vệ bản thân, dễ bị lôi kéo, lạm dụng, xâm hại tình dục. Đặc biệt tình trạng học sinh lấy nhau rồi dẫn đến bỏ học còn xảy ra. Cha mẹ các em là đồng bào thiểu số nên họ rất ngại nói chuyện “người lớn” cho con. Bên cạnh đó, nhiều em do ảnh hưởng của phim ảnh mà yêu sớm, bỏ học lập gia đình khi tuổi đời mới 15, 16”.

Còn cô giáo Bhnước Thị Hiệp - giáo viên Sinh học cho biết thêm, những năm qua nhà trường cũng triển khai chương trình giáo dục về giới tính, sức khỏe sinh sản (GDGT - SKSS) cho các em. Tuy nhiên nội dung chỉ gói gọn vài tiết về các vấn đề bệnh di truyền, cận huyết. Thời lượng dành cho chương trình này rất ít. Thực tế hiện nay, nạn tảo hôn còn xảy ra, một phần do phong tục tập quán, một phần do sự thiếu quan tâm giáo dục con cái của một bộ phận cha mẹ học sinh và sự quản lý chưa nghiêm của một số chính quyền địa phương. “Khi các em bỏ học lấy vợ, gả chồng thì việc vận động đi học lại là rất khó khăn” - cô Hiệp chia sẻ.

Đẩy mạnh giáo dục giới tính

Từ năm 2015 đến tháng 10.2019, toàn huyện Tây Giang có 128 cặp vợ chồng tảo hôn, phần lớn là học sinh phổ thông. Giải quyết tình trạng tảo hôn là một trong những giải pháp góp phần giảm nghèo, thúc đẩy bình đẳng giới và quyền con người cũng như góp phần duy trì sự bền vững của phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Để ngăn chặn nạn tảo hôn, ngăn chặn tình trạng học sinh bỏ học, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và các hội đoàn thể huyện Tây Giang phối hợp với các đơn vị trường học tăng cường truyền thông GDGT - SKSS cho học sinh và phát động phong trào “nói không với nạn tảo hôn” ngay trong trường học. Tranh thủ thời gian ngoài giờ lên lớp, một số đơn vị trường học trên địa bàn huyện phối hợp với Trung tâm Y tế huyện tổ chức các buổi nói chuyện, tuyên truyền về GDGT - SKSS cho học sinh. Tại Trường THPT Tây Giang, các em được bác sĩ Zơ Râm Báo - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện nói chuyện về các vấn đề liên quan đến giới tính, tình bạn, tình yêu trong lứa tuổi học sinh THPT; cơ chế thụ thai và phòng tránh mang thai ngoài ý muốn; phòng tránh bệnh lây truyền qua đường tình dục; vấn đề xâm hại và lạm dụng tình dục vị thành niên và cách phòng tránh; chăm sóc vệ sinh thân thể và đặc biệt là những hậu quả nặng nề của nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Đồng thời các em còn được tham gia trả lời câu hỏi về các tình huống và được bày tỏ quan điểm của mình về thực tế nêu trên. Em Riáh Thị Nguyệt, học sinh lớp 11C2 chia sẻ: “Qua buổi tuyên truyền giúp mình và các bạn biết cách yêu quý, trân trọng bản thân mình hơn. Đồng thời biết thế nào là tình dục an toàn, những dấu hiệu phát hiện bệnh lây truyền qua đường tình dục, dấu hiệu có thai, hay thế nào là lấy nhau cận huyết, có con sớm sẽ dẫn đến những hậu quả gì...”.

Theo ông A rất Blúi - Phó Chủ tịch UBND huyện, giáo dục giới tính là việc làm có ý nghĩa thiết thực trong cuộc sống hiện nay. UBND huyện đã chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện, Phòng Tư pháp huyện đẩy mạnh tuyên truyền về GDGT - SKSS, Luật Hôn nhân gia đình cho các em. “Vì tương lai các em, chúng ta cần phải có những hành động thiết thực, ngoài tăng cường các biện pháp xử lý kỷ luật theo các quy định, cần tăng cường giáo dục GDGT - SKSS một cách thiết thực, hiệu quả” - ông Blúi nói.

ĐÌNH HIỆP