Nhiều khu dân cư thiếu nước sạch
Mấy năm nay, hàng trăm hộ dân khu tái định cư Cấm La, Tứ Trung (xã Quế Lâm, Nông Sơn) chật vật vì thiếu nguồn nước sạch. Trong khi đó, người dân tại khu dân cư gần các nhà máy ở xã Tam Thăng (TP.Tam Kỳ) và Đại Tân (Đại Lộc) đang lo ngại nguồn nước nhiễm bẩn.
Chật vật nước sinh hoạt
Khu tái định cư (TĐC) Cấm La (thuộc tổ Cấm La, thôn Phước Hội, xã Quế Lâm) có 85 hộ dân sinh sống, được TĐC theo diện sạt lở ven sông, suối, sạt lở núi. Hơn 5 năm qua, người dân TĐC đã ổn định đời sống nơi đất mới. Song, nỗi khó khăn, chật vật vẫn còn ở Cấm La khi tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao, số hộ thuộc diện gia đình chính sách nhiều, người dân vẫn còn gặp khó khăn về nguồn nước sinh hoạt lẫn nước sạch.
Ông Phạm Thuấn (tổ Cấm La) cho biết, từ khi di dân tới đây, Nhà nước và một số tổ chức phi chính phủ đã nhiều lần hỗ trợ người dân TĐC một số giếng đào, giếng đóng và một số bể nước tự chảy dẫn từ khe suối về làng nhưng chưa công trình nào phát huy hiệu quả lâu dài. Có công trình vừa bàn giao đã hư hỏng, không sử dụng được, một phần vì nguồn nước cạn kiệt, một phần vì chất lượng công trình chưa đảm bảo, hay bị hư hỏng. “Mùa nắng vừa rồi, dân thiếu nước, phải đi xin nước khắp nơi. Suối thì kiệt nguồn, hễ mưa xuống là nước về đục ngầu, lọc mấy lớp vẫn không dám uống. Chưa kể đường ống hay bị đất đá bồi lấp” - ông Thuấn nói. Theo ông Lương Quang Minh - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Phước Hội, chuyện khó khăn về nguồn nước tồn tại lâu nay, dù xã và huyện rất quan tâm. Đã có nhiều công trình cấp nước cho dân, nhưng chưa công trình nào phát huy hiệu quả. Bể nước mới đầu tư năm 2018 với kinh phí 1,8 tỷ đồng cũng chỉ cấp nước cho 1 nhóm hộ, số còn lại phải tự xoay xở. Công trình vừa rồi bị hư đã sửa xong và cấp nước trở lại nhưng vẫn không đủ cho 85 hộ.
Nằm ở trung tâm xã Quế Lâm, khu TĐC Tứ Trung có mặt bằng đẹp, thoáng đãng và bước đầu đã bố trí cả chục gia đình vào làm nhà cửa, sinh sống. Theo ông Trần Ngọc Năm, từ khi đến nơi ở mới, những mối đe dọa về sạt lở ven sông, sạt lở núi đã lùi xa, nơi ở mới mặt bằng khang trang, song chỉ có điều nguồn nước sinh hoạt, nước uống quá khó. Bà Tăng Thị Sử (sống tại khu TĐC thôn Tứ Trung) chia sẻ: “Được Nhà nước di dời tới đây, vợ chồng tôi mừng lắm. Ngày trước cứ mỗi mùa mưa lũ là đêm tới không dám ngủ, sợ núi đè, chừ thì bớt lo rồi. Mong Nhà nước hỗ trợ thêm hai cái giếng nữa để giải tỏa bớt khó khăn, chật vật. 10 hộ gia đình bám vào 1 giếng đóng duy nhất nên kiểu chi cũng chật vật. Có giọt nào vét giọt đó” - bà Sử nói.
Nỗi lo nước nhiễm bẩn
Nằm cách trung tâm TP.Tam Kỳ chỉ vài cây số, song nhiều năm qua, hàng trăm hộ dân thôn Thái Nam, Tân Thái (xã Tam Thăng) vẫn mòn mỏi mong chờ nguồn nước sạch về làng để sử dụng ăn uống, sinh hoạt trong bối cảnh ô nhiễm nguồn nước ngầm và tình trạng nhiễm mặn nguồn nước ở mức báo động. Bà Nguyễn Thị Cúc (thôn Tân Thái) cho biết: “Người dân đang lo sợ nguồn nước ô nhiễm nặng do nằm sát Khu công nghiệp Tam Thăng, không ai dám uống giếng đóng, giếng đào nữa mà mua nước bình về sử dụng. Mỗi lần xe tải chở bỏ nước cho mỗi nhà 15 - 20 bình cùng lúc, tốn tiền lắm” - bà Cúc nói. Còn theo ông Trần Thanh Hùng - Trưởng thôn Thái Nam, cả thôn có gần 250 hộ dân thiếu nước sạch, nhiều lần chính quyền thôn và nhân dân kiến nghị lên xã, TP.Tam Kỳ mong được đưa nước sạch về làng nhưng chưa có kết quả. Ông Trần Quốc Thắng - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Thăng cho rằng, cả xã còn trên 500 hộ dân thuộc 3 thôn (Tân Thái, Thái Nam, Thăng Tân) chưa có nước sạch. Công ty CP Cấp thoát nước Quảng Nam hứa đầu tư 19 tỷ đồng để xây dựng công trình cấp nước đến tất cả thôn còn thiếu nước sạch nhưng chưa thấy động tĩnh gì.
Mấy năm qua, hàng chục hộ dân thôn Nam Phước (xã Đại Tân, Đại Lộc) sống lân cận Nhà máy cồn Đại Tân (thuộc Công ty CP Nhiên liệu sinh học Tùng Lâm) vô cùng lo lắng trước tình trạng nguồn nước ngầm, nước mặt khu vực xung quanh nhà máy bị ô nhiễm. Không chỉ người dân sống lân cận nhà máy, những nhà dân sống lân cận nơi có nguồn xả thải của nhà máy cồn cũng lo ngại về ô nhiễm nguồn nước. Ông Bùi Chính Thức (có nhà cách nhà máy 200m, thôn Nam Phước) nói: “Nước ở đây không ai dám sử dụng nữa. Nước giếng gia đình tôi hiện đục ngầu, hôi khó chịu, phải lọc kỹ mới dám sử dụng tắm rửa, giặt giũ, còn ăn uống 100% bình lọc mua sẵn” - ông Thức nói. Ông Trương Hùng (thôn Nam Phước) lo ngại: “Chưa hết lo lắng vì nguồn nước xả thải của nhà máy ảnh hưởng tới khe suối, nguồn nước ngầm, nên không ai dám dùng nước giếng nữa”.
Theo người dân sống gần Nhà máy cồn Đại Tân, sau sự việc nhà máy bị tràn dầu fusel cách đây 20 ngày, UBND tỉnh, UBND huyện Đại Lộc yêu cầu nhà máy hỗ trợ tiền mua nước bình cho mỗi hộ có bán kính 100 - 150m là 300 nghìn đồng/tháng/hộ, chỉ những hộ sát nhà máy được hỗ trợ, hộ xa hơn bán kính trên không được. Nhưng thực tế, phạm vi, bán kính bị ô nhiễm nguồn nước thì lớn hơn và mức độ nghiêm trọng hơn nên số được hỗ trợ quá ít và chưa thỏa đáng...