Hội An khó giảm rác thải nhựa

KHÁNH LINH 10/10/2019 09:32

(QNO) - Nói không với rác thải nhựa, hướng đến du lịch bền vững… dù đang trở thành phong trào lan tỏa trong cộng đồng doanh nghiệp du lịch Hội An, nhưng xem ra khó thể hiệu quả khi mà ý thức của doanh nghiệp, cộng đồng, du khách mới chỉ dừng lại ở mức vận động, tuyên truyền.

Cần nâng cao nhận thức hạn chế sử dụng đồ nhựa trong cộng đồng và du khách. Ảnh: K.L
Cần nâng cao nhận thức hạn chế sử dụng đồ nhựa trong cộng đồng và du khách. Ảnh: K.L

Thiếu cơ sở pháp lý

Hai quán cà phê (cùng một thương hiệu) nằm tại góc đường Hoàng Diệu - Phan Châu Trinh và đường Hai Bà Trưng vẫn “trung thành” với ly nhựa. Khách vào quán, ngoại trừ thức uống nóng được dùng trong ly sứ, hầu hết món có đá đều đựng trong ly nhựa dù khách mang đi hay dùng tại chỗ. Đây chỉ là 2 trong rất nhiều quán cà phê và cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thương mại trên địa bàn TP.Hội An vẫn đứng ngoài cuộc phong trào “Nói không với rác thải nhựa”.

Theo thống kê từ Phòng TN-MT TP.Hội An, mỗi ngày TP.Hội An phát thải ra môi trường khoảng 92 tấn rác; rác khó phân hủy chiếm 25 - 30%, chủ yếu các loại bao ni lông, hộp sữa, chai nhựa… Trong đó, các cơ sở kinh doanh du lịch và thương mại thải lượng lớn rác ra môi trường.

Doanh nghiệp đồng hành, hưởng ứng sử dụng vật dụng thân thiện môi trường. Ảnh: K.L
Doanh nghiệp đồng hành, hưởng ứng sử dụng vật dụng thân thiện môi trường. Ảnh: K.L

Không phủ nhận, dù thời gian qua nhiều cơ sở thương mại và doanh nghiệp du lịch trên địa bàn TP.Hội An đã chuyển sang sử dụng các dụng cụ thay thế thân thiện với môi trường, tuy nhiên cũng chỉ dừng lại ở mức tự nguyện. Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An thừa nhận, do không có quy định pháp luật nên việc cấm sử dụng chai nhựa hoặc thực hiện xử lý, xử phạt là không thể.

Tại Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra cuối tháng 6.2019 ở Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có bài phát biểu khẳng định Việt Nam quyết tâm chống rác thải nhựa; đồng thời đang triển khai nhiều giải pháp mạnh mẽ để phấn đấu đến năm 2025 Việt Nam không sử dụng đồ nhựa dùng một lần.

“Dù biết các quán cà phê sử dụng đồ nhựa nhưng cũng khó làm gì được, kể cả yêu cầu doanh nghiệp cam kết hạn chế các vật dụng nhựa cũng khó, bởi thành phố chỉ cấp phép hộ gia đình, cá nhân; còn doanh nghiệp kinh doanh do Sở Kế hoạch đầu tư cấp phép, nhưng trong quy định cấp phép thì không có những ràng buộc này. Đây là câu chuyện đòi hỏi phải có sự thay đổi về mặt khung pháp lý hoặc chính sách chứ không thể kéo dài như vậy. Còn bây giờ mình cũng chỉ vận động thay đổi nhận thức, từ người sản xuất, người sử dụng đến người cung cấp dịch vụ và cộng đồng dân cư về tác hại của rác thải nhựa” - ông Hùng nói.

Thay đổi từng bước

Theo ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, việc hạn chế rác thải nhựa là nhiệm vụ chung của toàn xã hội, doanh nghiệp du lịch sẽ đảm nhận vai trò tiên phong. Ngoài giải pháp ngắn hạn như thực hiện tốt yêu cầu phân loại rác tại nguồn và tái sử dụng, Hiệp hội Du lịch Quảng Nam sẽ phối hợp với các tổ chức xã hội từng bước xúc tiến, vận động doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh đẩy mạnh các hoạt động như tái chế, giảm rác thải từ đầu nguồn, cố gắng thay thế tối đa sản phẩm nhựa dùng một lần...

Clip về sử dụng đồ nhựa ở Hội An:

Tại Hội thảo phát triển du lịch bền vững với chủ đề “Nói không với rác thải nhựa” diễn ra tháng 9 vừa qua tại TP.Hội An, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh thừa nhận, vấn đề rác thải nhựa hay phát triển du lịch bền vững dù là xu hướng tất yếu nhưng cần phải có thời gian, không thể thay đổi ngay trong một sớm chiều. Chưa kể, với các sản phẩm nhựa sử dụng một lần đòi hỏi phải có vật dụng thay thế.

Do vậy, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, bên cạnh ban hành chính sách thì sự phối hợp đồng bộ giữa các bên liên quan trong việc nâng cao ý thức của người sử dụng, doanh nghiệp rất quan trọng. Đồng thời kết hợp với việc thay đổi sản phẩm phù hợp từ nhà cung cấp, nhà sản xuất… hướng đến mục tiêu chấm dứt vật dụng nhựa sử dụng một lần trong thời gian tới.

KHÁNH LINH