Khó chống lãng phí
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ rằng “lãng phí tuy không lấy của công đút túi, song kết quả cũng rất tai hại cho nhân dân, cho Chính phủ. Có khi tai hại hơn nạn tham ô. Mà có nạn tham ô và lãng phí là vì bệnh quan liêu… Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu dù cố ý hay không cũng là bạn đồng minh của thực dân và phong kiến…”.
Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã có hơn 14 năm nay, song thực tiễn cho thấy hiệu quả chưa như mong muốn. Trên các phương tiện thông tin đại chúng, hàng ngày rất dễ nghe thấy tình trạng dự án này, công trình kia đầu tư tiền tỷ nhưng không phục vụ được cho lợi ích công cộng, dân sinh. Không ít công trình đổ vốn vào giữa chừng rồi trơ gan cùng tuế nguyệt. Có công trình chậm đưa vào sử dụng nên đã phải trả lãi vay hàng tỷ đồng mỗi ngày...
Vậy lãng phí bắt đầu từ đâu và vì sao tình trạng lãng phí vẫn cứ diễn ra triền miên, dai dẳng mà chưa có liều thuốc đặc trị hữu hiệu? Chắc có lẽ ai cũng biết hầu hết dự án phục vụ quốc kế, dân sinh chủ yếu thực hiện từ ngân sách nhà nước nên mới dẫn tới chuyện “cha chung không ai khóc”. Lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản có thể nói đang ở mức cao nhất, điểm khởi đầu có tính mấu chốt vẫn là ở... tầm nhìn và khả năng quản lý xây dựng. Hay nói cách khác là một số công trình công gây lãng phí bắt đầu từ khâu chủ trương đầu tư không phù hợp, rồi việc quản lý xây dựng lỏng lẻo nên rơi vào tình trạng “treo”, sử dụng kém hiệu quả dẫn đến lãng phí. Chưa kể những dự án, công trình được “vẽ” ra chủ yếu với động cơ tư túi hơn là phục vụ cho xã hội. Những đồng tiền sử dụng quá lãng phí ấy không phải từ trên trời rơi xuống mà nó được thu từ nguồn thuế trong dân, trong các doanh nghiệp, thu các khoản phí và lệ phí. Nói đến phí, lệ phí ai cũng hình dung đây là nguồn thu chắt chiu, ít ỏi chủ yếu từ người lao động nhằm gom góp vào ngân sách. Tuy chưa có con số chính xác nhưng nếu đem so sánh chắc có lẽ chẳng thấm tháp gì so với mức thiệt hại của lãng phí.
Có đại biểu Quốc hội cho rằng luật và các quy định dưới luật về chống lãng phí của ta còn nhiều lỗ hổng nên tạo kẽ hở cho lãng phí. Ở một số nước có muốn lãng phí cũng không được bởi họ thiết kế các chế tài rất chặt chẽ. Chống lãng phí của ta chủ yếu là khuyến khích, động viên, chưa truy tố được ai, vì vậy việc ngăn chặn tình trạng lãng phí từ các dự án, công trình đầu tư công, gây bức xúc như hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Nghị định số 63/2019/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, dự trữ quốc gia, kho bạc Nhà nước được thi hành từ ngày 1.9.2019. Nghị định này Chính phủ quy định rõ hơn về cơ chế, chế tài, mức xử phạt các hành vi vi phạm trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cũng như biện pháp khắc phục hậu quả. Sự quyết liệt của Chính phủ trong việc xử lý lần này, hy vọng sẽ làm cho những đồng tiền tận thu từ phí và lệ phí của nhân dân, doanh nghiệp được sử dụng một cách hiệu quả hơn.