Lớp học đặc biệt
Với những người phụ nữ ở làng Fangane, bang Maharashtra ở miền tây bắc Ấn Độ, chuyện học hành không bao giờ là trễ.
Aajibaichi Shaala ở làng Fangane được biết đến là một lớp học đặc biệt, dành cho phụ nữ lớn tuổi hoặc đã có gia đình. Họ đến lớp học - vốn là lều, trại được che tạm dưới những tán cây cổ thụ tuyệt đẹp để bắt đầu học chữ, tính số. Theo thống kế mới nhất của Ấn Độ, tỷ lệ biết đọc biết viết của người dân quốc gia Nam Á này tăng lên 74% trong giai đoạn năm 2001 - 2011, nhưng tỷ lệ biết chữ của nữ giới vẫn tiếp tục tụt hậu so với nam giới. Cụ thể, chỉ có khoảng 65% phụ nữ biết chữ, so với 82% của nam giới.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, những quan niệm như “trọng nam khinh nữ”, tình trạng trẻ em gái bị buộc kết hôn sớm, nghèo đói, trường học quá xa có thể gây rủi ro cho nữ giới còn khá phổ biến ở nhiều ngôi làng ở Ấn Độ khiến tỷ lệ biết chữ của nữ giới thấp hơn nam giới. Kamal Keshavtupange (60 tuổi), một người dân ở làng Fangane nói với Reuters: “Tôi rất thích đi học. Mặc dù có những vấn đề về sức khỏe, tôi vẫn cố gắng sắp xếp mọi công việc để đến lớp học hằng ngày”. Mặc đồng phục học sinh là áo sari (cũng là trang phục truyền thống của Ấn Độ) màu hồng, Kamal Keshavtupange cùng những người phụ nữ khác mỗi buổi chiều đi bộ dọc theo những con đường làng để đến lớp học đặc biệt Aajibaichi Shaala.
Tại lớp học cũng sử dụng các công cụ trợ giúp như bảng chữ cái được vẽ trên nền, dán lên tường để những phụ nữ có thị lực kém dễ dàng đọc hơn. Sheetal Prakash More, một giáo viên 30 tuổi của lớp học đặc biệt này cho biết, để dạy những học sinh lớn tuổi không phải là điều dễ dàng bởi trí nhớ họ không còn tốt, nhiều người nặng tai. Tuy nhiên, sự ham học của những người mẹ trong điều kiện khó khăn bởi công việc của họ chủ yếu là trên cánh đồng, ở nhà và chăm sóc chồng con, đã khiến More thán phục, như một động lực để More duy trì đến lớp học, được bắt đầu từ năm 2016. “Mọi giáo viên khác đều dạy trẻ em. Chỉ có tôi mới có cơ hội dạy phụ nữ lớn tuổi. Đó là một cơ hội tuyệt vời và tôi rất vui khi được dạy họ” - Sheetal Prakash More nói. Cô More mong muốn nhìn thấy những phụ nữ ở các làng khác cũng có thể tiếp cận giáo dục như lớp học Aajibaichi Shaala.
“Đây là nhóm bị lãng quên trong các sáng kiến xóa mù chữ. Hầu hết đàn ông trong làng có thể viết tên của mình song những người phụ nữ lớn tuổi thì không” - Dilip Dalal, người sáng lập Charitable Trust Motilal Dalal – cơ quan quản lý lớp học đặc biệt này chia sẻ. Yashoda Kedar (55 tuổi) - một học viên cho biết, bây giờ cô có thể viết được tên mình thay vì chỉ lăn dấu vân tay như trước đây trong các loại giấy tờ, rồi cô còn biết được thông tin trên vé xe buýt, có thể ký gửi chuyển fax nhanh, đọc giấy mời đám cưới, sách báo… Biết chữ, Yashoda Kedar cảm thấy tự tin hơn trong cuộc sống. Nhờ lớp học đó, nhiều phụ nữ trong làng có thể bày vẽ con số, cái chữ cho con em của mình. Yashoda Kedar nói: “Vì hoàn cảnh, nhiều phụ nữ ở làng Fangane như chúng tôi không có điều kiện để đi học. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng một ngày nào đó tôi sẽ đến trường và đọc, viết. Dẫu vậy, mọi thứ không phải là quá muộn. Chúng tôi cảm thấy cuộc sống có thêm niềm vui mới”.
Chồng của bà Yashoda, ông Bohhakar nói: “Lớp học dành cho phụ nữ lớn tuổi Aajibaichi Shaala sẽ giúp ngôi làng của chúng tôi tiến bộ, giúp những người phụ nữ lớn tuổi rộng thêm kiến thức và tự tin hơn trong cuộc sống”.