Cần quan tâm đường huyện
Trên thực tế, việc bảo vệ hệ thống đường huyện (ĐH) chưa được quan tâm đúng mức, đã dẫn đến những vướng mắc, bất cập phát sinh.
Thời gian qua, tỉnh đã rất quan tâm hỗ trợ nguồn lực cho các địa phương triển khai thực hiện đầu tư kiên cố hóa mặt đường ĐH, giai đoạn 2015 - 2020. Với vai trò quan trọng trong hệ thống đường bộ, việc kiên cố hóa mặt đường ĐH đã mang lại rất nhiều điểm tích cực, khai thông vô số ách tắc từng tồn tại dai dẳng. Nhờ làm tốt công tác vận động giải phóng mặt bằng, chính quyền sở tại linh hoạt lồng ghép nhiều nguồn vốn khác để làm thêm các hạng mục về an toàn giao thông, thoát nước, cây xanh… Tuy nhiên, không ít địa phương không quan tâm đúng mức vấn đề này. Họ chỉ cần thi công hoàn thành, những chuyện khác thì xua tay cứ để từ từ rồi làm tiếp, bất chấp nhiều vướng mắc, bất cập sẽ phát sinh ảnh hưởng đến tuổi thọ công trình, tiềm ẩn tai nạn giao thông, nhất là gây rắc rối cho khâu giải phóng mặt bằng nếu sau này muốn mở rộng thêm nền, lòng đường hoặc nâng cấp lên thành tỉnh lộ.
Lãnh đạo HĐND tỉnh từng cảnh báo, do khai thông mặt bằng không được rộng (vận động dân hiến đất, cây cối, vật kiến trúc), địa phương cứ thế thi công, dù cho mặt đường hẹp. Thế là, chỗ để chôn trụ gắn biển báo giao thông, lắp đặt pa-nô, áp phích không có. Xe cộ muốn chạy, muốn tránh sát lề cũng khó do vướng tường rào kiên cố của dân. Không có biển báo tải trọng, hoặc hạn chế độ cao phương tiện, xe quá tải lưu thông vào gây hư hỏng. Ở địa bàn miền núi, địa phương không thi công mương thoát nước, kè bờ nên mưa lũ gây sạt sở, bồi lấp làm giảm tuổi thọ công trình. Đã thực hiện tốt giải phóng mặt bằng, có nơi lại buông lỏng quản lý hành lang an toàn giao thông, để mặc người dân lấn chiếm. Đến lúc muốn mở rộng thêm lòng đường, cấp có thẩm quyền liền bị bà con ven tuyến gây khó dễ. Cũng có trường hợp, sau khi nhân dân hiến đất, địa phương không quan tâm đến việc chỉnh lý “sổ đỏ”. Thế mới chuyện, lúc giận cán bộ, họ đem giường ra đặt trên đường, rồi lý lẽ đất bên dưới là của chính gia đình mình nên muốn làm gì thì làm, không tin thì mang “sổ đỏ” ra chứng minh.
Nhiều vấn đề Sáu Còi đề cập ở trên cần được địa phương cấp huyện vào cuộc giải quyết sớm để bảo vệ ĐH, bảo vệ thành quả công trình do “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Cạnh đó, những hạng mục ngoài tầm với kinh phí của địa phương, ngành chức năng cần tham mưu tỉnh tháo gỡ về mặt cơ chế tài chính. Chia sẻ với Sáu Còi mới đây, Trưởng phòng Quản lý kết cấu hạ tầng (Sở GTVT) - ông Võ Công Phúc cho hay, giai đoạn tiếp theo nên đổi tên thành Đề án kiên cố hóa đường ĐH. Có nghĩa là, đề án không chỉ hỗ trợ đầu tư mặt đường mà còn bao gồm cả lề, rãnh, cầu, cống… Theo ông Phúc, bản thân sẽ đưa nội dung kiến nghị này vào trong báo cáo sắp tới. Có như vậy, mới bảo vệ những cái đã làm được, vừa phát huy hiệu quả khai thác.