Diện mạo mới Trà Dương
Hơn 4 năm trôi qua tôi mới có dịp đặt chân trở lại vùng đất xã Trà Dương (Bắc Trà My). Trà Dương bây giờ đã có nhiều thay đổi, diện mạo nông thôn mới như một chiếc áo sáng màu, tạo nên dáng dấp mới cho miền sơn cước này.
Cuộc sống đã nhàng hơn…
Theo chân Chủ tịch Hội Nông dân xã Trà Dương - anh Phan Duy Khánh đến thăm gia đình ông Nguyễn Thành Lập ở thôn Dương Đông, được tận mắt chứng kiến cuộc sống khá đủ đầy của vợ chồng người thương bệnh binh này. Cũng như nhiều người lính Cụ Hồ khác ở xứ Quảng, rời quân ngũ với hai bàn tay trắng, vợ chồng ông Nguyễn Thành Lập đã đến lập nghiệp tại vùng đất Trà Dương. Ngày ấy, mảnh đất nơi gia đình ông ở bây giờ là một vùng hoang vu um tùm cây dại. Để biến nó thành cơ ngơi bề thế như ngày hôm nay, đôi vợ chồng thương bệnh binh này đã đổ không biết bao nhiêu mồ hôi, công sức.
Bốn mươi ba năm trôi qua kể từ ngày lên đây lập nghiệp, vợ chồng ông Lập đang có trong tay một diện tích canh tác kha khá. Ngoài nương rẫy, ông còn có hơn 1ha đất vườn. Đây chính là nơi để ông bà thỏa sức cày xới, chăm nom, vun vén trở thành khu vườn với nhiều loại cây trồng cho năng suất cao như tiêu, quế, cây gió trầm và ao cá. Ông Lập cho hay, năm nào được mùa, được giá, thu nhập từ các loại cây trồng trong khu vườn này có thể lên đến con số hàng trăm triệu đồng. Đây là thành quả không nhỏ với một gia đình thương bệnh binh sinh sống trên vùng đất núi rừng Trà Dương. Nhờ vậy, ông bà đã cải thiện đáng kể đời sống gia đình, nuôi 4 đứa con của mình ăn học nên người.
Là một trong những gia đình đầu tiên lên Trà Dương khai cơ lập nghiệp, hơn 40 năm qua, ông Lập đã chứng kiến một sự đổi thay đáng kể ở vùng đất này, nhất là từ năm 2015, Trà Dương chính thức đạt chuẩn nông thôn mới. Ông nói: “Nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương, cũng như tinh thần đoàn kết của bà con nhân dân trong xóm làng, cùng nhau chia sẻ vui buồn trong cuộc sống, ai ai cũng cố gắng tự lực, tự cường, chăm làm tiết kiệm mà từ chỗ khó khăn rồi chuyển biến như ngày hôm nay. Cuộc sống hiện tại cũng nhàng rồi…”.
Dấu ấn người trẻ
Là Chủ tịch Hội Nông dân xã, nhưng anh Phan Duy Khánh còn khá trẻ. Người trẻ không thể có được nhiều kinh nghiệm như thế hệ ông Nguyễn Thành Lập, nhưng bù lại, những người như anh Khánh có điều kiện học hỏi nhờ đi đây đi đó, tham gia các lớp tập huấn ở huyện và tỉnh cũng như tiếp cận nhanh chóng với nhiều thông tin về nông nghiệp, nông thôn, trồng trọt và chăn nuôi… Lợi thế này đã được áp dụng triệt để vào hoạt động hỗ trợ người dân ở Trà Dương khai canh, làm vườn, trồng trọt, chăn nuôi rất hiệu quả. Anh Khánh phấn khởi khi nêu ra những điển hình nông dân trẻ sản xuất giỏi ở quê mình như là một dấu hiệu cho “chiếc áo mới sáng màu” đang được khoác lên rộng khắp vùng đất Trà Dương. Đó là mô hình vườn-ao-chuồng-rừng của nông dân trẻ Nguyễn Quảng Hiệp, được xem là một trong những điển hình về thay đổi thói quen canh tác, tìm hướng giảm nghèo và tiến tới làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Tôi rất khâm phục sự chịu khó trong việc tạo dựng cơ nghiệp của thanh niên Nguyễn Quảng Hiệp. Chỉ cần nhìn khu vườn cam của anh, đủ thấy bàn tay lao động miệt mài và tâm huyết của người trẻ gởi gắm tất cả vào từng cây cam trĩu quả, từng trái cam tròn to đầy hấp dẫn. Anh Hiệp bảo, người yêu đất thì đất không phụ người. Câu này dường đã quá quen, nhưng với một thanh niên ở vùng đất đồi núi không được thiên nhiên ưu đãi mấy như Trà Dương, chuyện làm giàu từ đất đâu phải dễ. Anh Hiệp nói: “Mình đang liên kết với các đầu mối ở chợ của huyện Bắc Trà My và các huyện lân cận cũng như ở TP.Tam Kỳ. Hướng của mình là muốn chăm sóc đúng quy trình trái cây sạch, chất lượng, để đạt tiêu chuẩn và có thể đưa được quả cam vào siêu thị…”. Câu chuyện ấy vẫn còn ở phía trước, nhưng tin chắc rằng, có sự tiếp sức từ Hội Nông dân và những người trẻ như anh Phan Duy Khánh thì nay mai tương lai quả cam ở Trà Dương sẽ có chỗ đứng vững vàng trong nhu cầu người tiêu dùng.
Anh Phan Duy Khánh cho biết, năm 2019 này, các chỉ tiêu trên giao cho Hội Nông dân xã đã hoàn thành vượt kế hoạch và những mô hình như của anh Hiệp đã được huyện hỗ trợ cây giống. Còn ông Trần Ngọc Thương - Chủ tịch UBND xã Trà Dương cho biết, đi đôi với thực hiện chương trình giảm nghèo, Trà Dương còn tập trung triển khai thắng lợi chương trình xây dựng nông thôn mới. Chỉ trong vòng 5 năm (2011 - 2015), cùng với nguồn lực đầu tư của Nhà nước, nhân dân xã Trà Dương đã đóng góp hàng nghìn ngày công, cây cối hoa màu trị giá hàng chục tỷ đồng để xây dựng hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới và trở thành xã đầu tiên ở huyện vùng cao Bắc Trà My về đích nông thôn mới. Ông Thương nói: “Thời gian đến, Đảng ủy, UBND xã sẽ tiếp tục duy trì 19 tiêu chí đạt được và phấn đấu đến năm 2020 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và đến năm 2025 đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu…”.