Ô nhiễm không khí tại châu Á
(QNO) - Nhiều thành phố trong khu vực đang đối phó với tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.
Đầu tuần này, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha triệu tập cuộc họp trực tuyến khẩn cấp với lãnh đạo thuộc 16 tỉnh và các bộ liên quan khi chỉ số bụi siêu mịn PM2.5 vượt quá mức an toàn ở Băng Cốc và hàng loạt các tỉnh lân cận.
Cuộc họp nhằm thảo luận, chuẩn bị các biện pháp để đối phó với tình trạng ô nhiễm không khí trên. Sukhum Kanchanapimai - Thư ký thường trực của Bộ Y tế công cộng Thái Lan kêu gọi mọi người khi ở ngoài trời phải đeo khẩu trang, đặc biệt người lao động phải uống 6 - 8 ly nước mỗi ngày đề phòng rủi ro về sức khỏe.
Chỉ bằng khoảng 1/20 đường kính của một sợi tóc người, bụi siêu mịn PM2.5 xâm nhập sâu vào phổi và các bộ phận khác, dẫn đến bệnh hô hấp và tim mạch. Ô nhiễm không khí ở Thái Lan là do các hoạt động công nghiệp, khí thải xe cộ, công trình xây dựng và đốt rơm rạ.
Các hoạt động phun nước đang được tiến hành qua tại quận Laksi và các khu vực khác của Băng Cốc nhằm giảm mức độ ô nhiễm, nhất là chung quanh các trường học và các tuyến đường lớn.
Trước tình trạng quá tải, ô nhiễm và nhiều vấn đề khác tại Băng Cốc, Thủ tướng Thái Lan trong cuộc họp cuối tuần qua nói đến khả năng “dời đô” để giúp Băng Cốc vượt qua những thách thức đô thị.
Với chỉ số ô nhiễm không khí 84, Seoul (Hàn Quốc) là thành phố mới nhất tại khu vực Đông Bắc Á cần phải cảnh báo không khí.
Một cơ quan tư vấn do cựu Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon đứng đầu vừa cho biết, Hàn Quốc nên đóng cửa 1/4 các nhà máy nhiệt điện than trong thời gian tới, và tiếp tục sẽ đóng gần một nửa các nhà máy trên để giải quyết vấn đề ô nhiễm.
Đối với lĩnh vực vận tải, cơ quan tư vấn đã đề xuất các hạn chế đối với các phương tiện chạy động cơ diesel đời cũ và đưa ra các ưu đãi để khuyến khích các tàu vào cảng Hàn Quốc sử dụng dầu nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh thấp.
Bộ Công nghiệp, thương mại và tài nguyên Hàn Quốc kỳ vọng tỷ trọng sản lượng điện từ than đá tại nước này sẽ giảm từ 43% năm 2017 xuống còn 36% vào năm 2030, lượng bụi nhỏ thải ra từ các nhà máy sẽ giảm 62% vào năm 2030 và lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính giảm 26% so với mục tiêu đề ra.
Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc cho biết các vụ cháy rừng bùng phát dữ dội ở Indonesia trong nhiều tháng qua khiến gần 10 triệu trẻ em có nguy cơ bị ô nhiễm không khí. Trong đó, 2,4 triệu trẻ em dưới 5 tuổi sống ở các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi khói bụi mù mịt.
UNICEF cảnh báo rằng những đứa trẻ sinh ra từ những bà mẹ tiếp xúc với mức độ ô nhiễm cao trong thai kỳ có nhiều khả năng bị giảm sự phát triển như nhẹ cân, sinh non.
Debora Comini - một chuyên gia của UNICEF cho biết, chất lượng không khí kém là một thách thức nghiêm trọng và đang gia tăng. Mỗi năm, hàng triệu trẻ em đang hít phải không khí độc hại đe dọa sức khỏe của chúng và khiến chúng phải nghỉ học - dẫn đến thiệt hại về thể chất và nhận thức suốt đời.
Tương tự, các thành phố Jakarta của Indonesia, Kuala Lumpur (Malaysia) và tại đất nước Singapore do ảnh hưởng cháy rừng tại Indonesia mà mức độ ô nhiễm không khí cần được theo dõi chặt chẽ. Người dân được khuyến cáo hạn chế ra đường khi không thực sự cần thiết và phải có thiết bị bảo vệ như khẩu trang.