Biến "tình thế" thành "lâu dài"
Mặc dù các cơ quan chức năng và địa phương trong tỉnh đã phối hợp đưa ra một số giải pháp trước mắt nhằm giảm bớt những hệ lụy từ việc ứ đọng rác thải sinh hoạt kéo dài suốt mấy tuần qua, nhưng đến lúc này việc thu gom, xử lý rác thải ở các địa bàn dân cư vẫn chưa hết “căng thẳng”. Đi về các vùng quê trong tỉnh, chỗ nào cũng thấy rác dồn ứ; tập trung nhiều nhất ở các khu vực vắng người, các ngã ba, ngã tư, các khu đất trống.
Ngay khi tình trạng ùn ứ rác thải vừa xảy ra, Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam đã có văn bản gửi các địa phương trong tỉnh đề nghị hỗ trợ, phối hợp trong việc vận động, khuyến cáo người dân tạm thời tự xử lý rác thải tại nhà. Vấn đề đặt ra tưởng chừng không khó: Khuyến khích người dân “chia sẻ” bằng cách tự phân loại rác; rác vô cơ thì giữ lại để sau này được thu gom, rác hữu cơ thì tự chôn lấp trong vườn nhà như một cách để cải tạo đất; thức ăn thừa thì dành cho chăn nuôi. Tuy nhiên, rất ít người dân hưởng ứng lời kêu gọi này, vì một lẽ: Chúng tôi trả tiền để được thu gom rác thì tại sao lại phải tự xử lý - dù chỉ là một phần rác hữu cơ? Lập luận này có thể không sai, nhưng rõ ràng là rất thiếu tinh thần chia sẻ trong điều kiện môi trường chung ngày càng bị ô nhiễm như hiện nay.
Từ năm 2012, TP.Hội An đã triển khai thí điểm việc phân loại rác tại nguồn ở 4 phường trọng điểm là Minh An, Tân An, Sơn Phong và Cẩm Phô. Đến năm 2014, chương trình được triển khai trên quy mô toàn thành phố; đến nay đã có hơn 85% số hộ và cơ quan, tổ chức đăng ký thực hiện. Tuy chưa thật sự triệt để, song việc tự phân chia rác vô cơ, hữu cơ, thức ăn thừa ngay tại nhà mình ra thành những túi riêng, với rất nhiều người Hội An giờ đây đã trở thành thói quen, thành một ứng xử văn minh và trách nhiệm với cộng đồng, với môi trường xung quanh.
Việc ngành môi trường mới đây kêu gọi người dân toàn tỉnh thực hiện phân loại rác tại nguồn, vừa giúp giảm áp lực thu gom rác, vừa giảm tác hại đến môi trường, phải chăng vì chỉ là một giải pháp tình thế nên tinh thần cộng đồng trách nhiệm, sự quyết liệt, đồng bộ chưa cao? Tại sao không nhân cơ hội này, chúng ta phát động chương trình phân loại rác tại nguồn trên quy mô toàn tỉnh, để biến giải pháp tình thế thành giải pháp căn cơ, lâu dài và bền vững? Tình trạng ứ đọng rác hiện nay đúng là chỉ mang tính nhất thời, nhưng về lâu dài, áp lực rác thải sẽ tiếp tục, nên việc tạo cho người dân ý thức tự giác trong việc chung tay bảo vệ, gìn giữ môi trường là cực kỳ quan trọng.
Tôi có một số người bạn, gần đây, khi nhận thấy những áp lực từ rác thải, đã rủ nhau tự phân loại rác ngay tại nhà mình. Có người còn kêu gọi người thân không đến những quán giải khát (nhất là trà sữa) bán hàng bằng ly nhựa dùng một lần. Và mỗi khi có việc phải đi vội, họ lại lấy ly thủy tinh ở nhà để mua cà phê đem lên xe uống, quyết không dùng ly nhựa của quán... Những việc có vẻ “lập dị” đến vậy mà vẫn có người chịu làm và làm được. Vậy thì việc hết sức văn minh và chính đáng là kêu gọi toàn dân thực hiện phân loại rác tại nguồn, tại sao lại không?...