Để người cao tuổi sống vui, khỏe và có ích

NAM VIỆT 06/10/2019 20:23

(QNO) - Người cao tuổi đóng vai trò rất quan trọng trong gia đình, xã hội và phát triển đất nước. Tuy nhiên, theo Liên hiệp quốc, người cao tuổi được xem là đối tượng cũng rất dễ bị tổn thương.

Nhiều người cao tuổi tiếp tục làm việc sau khi đã nghỉ hưu. Ảnh: AFP
Nhiều người cao tuổi tiếp tục làm việc sau khi đã nghỉ hưu. Ảnh: AFP

Theo thống kê, từ năm 2017 đến 2030, số người từ 60 tuổi trở lên được dự đoán sẽ tăng 46% (từ 962 triệu người lên 1,4 tỷ người) trên toàn cầu. Như vậy, lần đầu tiên trong lịch sử, chúng ta sẽ có nhiều người cao tuổi hơn trẻ em (dưới 10 tuổi). Già hóa dân số cũng sẽ trở thành một trong những biến đổi xã hội quan trọng nhất của thế kỷ 21.

Trong đó, ở các nước đang phát triển đang chứng kiến ​​những đợt tăng người cao tuổi mạnh nhất. Chỉ riêng ở khu vực Đông Nam Á, người cao tuổi chiếm gần 10% dân số tính đến năm 2017, so với 8% vào năm 2010. Dự kiến, số người người cao tuổi ​​sẽ chiếm 13,7% dân số tại khu vực này vào năm 2030.

Ngày 1.10 hằng năm được Liên hiệp quốc chọn là Ngày Quốc tế người cao tuổi nhằm tri ân sự đóng góp của người cao tuổi, tiếp tục chăm sóc, bảo vệ và phát huy vai trò người cao tuổi. Bên cạnh đó, đây cũng là dịp để xã hội chung tay giải quyết những khó khăn mà người cao tuổi gặp phải. 

Liên hiệp quốc cho biết, người cao tuổi ở nhiều nơi trên thế giới thường rơi vào đói nghèo, bị bệnh tật, phân biệt đối xử, nhiều người không được tiếp cận với hệ thống chăm sóc y tế cơ bản, chưa được hưởng những chính sách ưu đãi của chính phủ...

Đơn cử như dữ liệu của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cho hay, mặc dù Hàn Quốc là nền kinh tế lớn thứ 4 ở khu vực châu Á, đời sống ngày càng cao và hiện đại nhưng theo thống kê năm 2015, có đến 45,7% số người Hàn Quốc ở độ tuổi trên 65 sống trong cảnh nghèo khổ, nhiều người cố gắng sống bằng những đồng lương hưu ít ỏi của mình.

Theo số liệu mới nhất năm 2019, tỷ lệ người già phụ thuộc ở Hàn Quốc là 20,4%, tức là 100 người ở độ tuổi lao động phải cấp dưỡng cho 20 người già.

Vì vậy, lực lượng lao động cao tuổi tại Hàn Quốc ngày càng nhiều. Họ cho biết lao động không những giúp cho họ được năng động, nhanh nhẹn, tiếp tục đóng góp cho xã hội đến khi nào có thể mà còn giúp họ có thêm thu nhập để cải thiện cuộc sống và giảm bớt sự phụ thuộc.

Trong khi đó, chương trình nghị sự 2030 và các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên hiệp quốc công nhận rằng sự phát triển sẽ chỉ có thể khi các mục tiêu đạt được bao gồm mọi lứa tuổi.

Theo Liên hiệp quốc, trao quyền cho người cao tuổi trong tất cả các khía cạnh của sự phát triển, bao gồm thúc đẩy sự tham gia tích cực của họ vào đời sống xã hội, kinh tế và chính trị, không phân biết tuổi tác, tôn giáo, sắc tộc, địa vị… là một cách để đảm bảo tính toàn diện của họ và giảm bất bình đẳng.

Do đó, Liên hiệp quốc chọn chủ đề của Ngày Quốc tế người cao tuổi năm 2019 là “Tiến tới bình đẳng cho mọi lứa tuổi”, tập trung vào con đường, chính sách giải quyết với sự bất bình đẳng, thách thức hiện tại và ngăn chặn sự bất bình đẳng trong tương lai đối với người cao tuổi.  

NAM VIỆT