Thu gom, xử lý rác thải ở Hội An: Ách tắc cuối nguồn

TRUNG LỘ 04/10/2019 15:51

Hàng chục tấn rác thải phát sinh trong ngày đã được vận chuyển, thu gom về bãi rác tập trung nhưng vẫn chưa xử lý ổn thỏa về môi trường. Chính vì vậy, rác thải đang ngày càng trở thành vấn đề nan giải, tác động trực tiếp đến môi trường, sinh hoạt của người dân phố cổ Hội An.

Bãi rác Cẩm Hà nằm ngay trong nghĩa trang TP.Hội An đang quá tải. Ảnh: T.L
Bãi rác Cẩm Hà nằm ngay trong nghĩa trang TP.Hội An đang quá tải. Ảnh: T.L

Phân loại rác

Với dân số khoảng 100 nghìn người và đặc biệt là khoảng 5 triệu lượt khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng trong mỗi năm nên lượng rác thải gia tăng và tạo ra sức ép đối với Hội An.

Từ những năm 2010 trở về trước, toàn bộ lượng rác thải (gồm rác dễ phân hủy và khó phân hủy) phát sinh trên địa bàn hàng ngày, được Công ty CP Công trình công cộng Hội An thu gom, vận chuyển về bãi rác Cẩm Hà để xử lý chôn lấp theo phương pháp truyền thống.

Tuy nhiên, do không còn đất để dành cho chôn lấp rác thải, phần lớn rác thu gom chưa được xử lý ổn thỏa về môi trường, đang gây ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp môi trường sống đối với khu vực dân cư lân cận bãi rác Cẩm Hà.

Trước thực trạng đó, cùng với việc đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải, ngay từ năm 2012, Hội An đã triển khai thí điểm mô hình phân loại rác tại nguồn ở 4 phường nội thị là Minh An, Cẩm Phô, Sơn Phong, Tân An và sau đó triển khai đồng loạt ở các xã phường trên địa bàn thành phố (trừ xã đảo Tân Hiệp).

Theo quy định, mỗi gia đình, cơ quan, doanh nghiệp tự phân loại rác dễ phân hủy và rác khó phân hủy và cho vào 2 túi riêng (hoặc thùng rác).

Rác dễ phân hủy sẽ được công ty môi trường thu gom vào các ngày thứ 2, 4, 6 và Chủ nhật, còn rác khó phân hủy thu gom trong các ngày thứ 3, 5, 7.

Theo lịch trình, hằng ngày khi phương tiện cơ giới đến thu gom đều bật tín hiệu sẽ thu gom rác đã phân loại được tập kết trước hiên nhà, cổng các cơ quan, doanh nghiệp, nghiêm cấm tuyệt đối việc tập kết rác dưới lòng đường, vỉa hè, không được bỏ rác của hộ gia đình vào thùng rác dành cho khách du lịch.

Chế tài đặt ra là đơn vị xử lý môi trường sẽ không thu gom rác của các hộ dân và doanh nghiệp nếu không phân loại, đặt rác không đúng vị trí, không đúng ngày, giờ thu gom theo quy định.

Đối với rác thải từ các nhà hàng và khách sạn, Công ty CP Công trình công cộng Hội An  trang bị 2 loại thùng chứa rác cho từng đơn vị: Thùng màu xanh chứa rác dễ phân hủy, thùng màu cam chứa rác khó phân hủy.

Theo yêu cầu, các thùng rác của nhà hàng, khách sạn không những đem ra đặt đúng vị trí mà còn phải phân loại và đúng ngày, nếu không thực hiện sẽ không được công ty thu gom…

Tại các khu vực công cộng, ven trục đường trung tâm cũng được đơn vị thu gom rác phối hợp với địa phương, Phòng TN&MT thành phố xác định vị trí đặt thùng rác phục vụ du khách. Những thùng này đều chia thành 2 ngăn, có dán tấm mica với hình ảnh sinh động hướng dẫn du khách phân loại rác dễ phân hủy và rác khó phân hủy để bỏ vào đúng ngăn chứa rác…

Chính từ sự kiên trì của chính quyền địa phương và sự ủng hộ của người dân, doanh nghiệp và cả khách du lịch đến Hội An, việc bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan đô thị của TP.Hội An đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Quá tải cuối nguồn

So với các địa phương khác trong tỉnh, Hội An đang làm tốt công tác bảo vệ môi trường. Hội An đang triển khai khá thành công về mô hình phân loại rác đầu nguồn. Từ những năm đầu thực hiện chỉ đạt 15 - 20% thì đến nay đã tăng lên 70 - 80%, Hội An phấn đấu đạt 100% rác được phân loại đầu nguồn vào năm 2020.

Theo các chuyên gia môi trường, mô hình phân loại rác đầu nguồn được xem là đạt hiệu quả cao phải được xử lý xuyên suốt ngay từ khâu phân loại, thu gom, vận chuyển và đến khâu xử lý phải triệt để. Tuy nhiên, đối với Hội An, mô hình này mới thành công bước đầu, chỉ mới dừng lại ở khâu xử lý đầu nguồn, còn xử lý cuối nguồn đang gặp khó khăn, bế tắc.

Hiện nay, Hội An đã có nhà máy xử lý rác thải nhưng hoạt động kém hiệu quả, từ khi chính thức khởi động cho đến nay, công suất nhà máy vận hành chưa hề đạt như thiết kế ban đầu.

Trong khi đó, số lượng rác thải hàng ngày tại Hội An phát sinh khoảng gần 100 tấn, lượng rác thải này được vận chuyển đến nhà máy xử lý, sau đó phân loại và cho vào lò đốt, chất hữu cơ được xử lý thành phân compost.

Tuy nhiên, do áp dụng công nghệ cũ, lò đốt tại nhà máy xử lý rác cũng chỉ mới xử lý tối đa 30% lượng rác mỗi ngày để làm phân compost, 10% được tái chế và 60% còn lại tạm thời đưa về bãi rác tự phát Cẩm Hà. Trong khi đó, bãi rác này đang quá tải vì phải “gồng gánh” hơn 80.000 tấn rác tồn từ hàng chục năm trước. Mỗi năm, vào mùa nắng nóng, bãi rác tự bốc cháy âm ỉ, gây ô nhiễm môi trường ở khu vực lân cận.

Thời gian qua, chính quyền TP.Hội An đã nhiều lần mời các chuyên gia về môi trường tư vấn giúp xử lý ô nhiễm môi trường tại bãi rác Cẩm Hà. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có phương án khả thi nào.

Nguyên nhân là bãi rác tồn tại khá lâu, ẩm ướt nên có xây dựng thêm lò đốt rác nữa cũng không đủ điều kiện để đốt; còn ngày nắng nóng, bãi rác tự bốc cháy, mùi hôi thối quá nặng. Trong khi đó, trên địa bàn thành phố không còn quỹ đất để quy hoạch xây dựng khu chôn lấp xử lý rác mới. Chỉ còn cách vận chuyển đến bãi xử lý ở địa phương khác thì quá tốn kém chi phí.

Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết: “Về lâu dài thành phố cũng phải tính đến giải pháp đầu tư xây dựng hệ thống thu gom xử lý khí mê tan, xử lý nước thải từ bãi rác Cẩm Hà để giải quyết lượng rác tồn ứ đã phân hủy lâu năm, không thể vận chuyển được của bãi rác này”.

TRUNG LỘ