Làm du lịch dễ hay khó?
Xây dựng sản phẩm, dịch vụ trước khi quảng bá, hay giới thiệu tiềm năng để thu hút khách và doanh nghiệp đầu tư? Câu chuyện không mới nhưng là bài toán chưa có lời giải, khiến không ít địa phương loay hoay trong phát triển du lịch.
1. Ngày hội văn hóa, thể thao, du lịch biển vừa được Điện Bàn tổ chức diễn ra 2 ngày cuối tuần qua khá lặng lẽ. Ngay từ đêm khai mạc, trong tổng số khoảng 500 khán giả ngồi xem, hơn nửa là đoàn viên thanh niên được huy động, khách du lịch hầu như vắng bóng, dù điểm tổ chức cách phố cổ Hội An chưa tới 10km. Sự trống trải đến mức ngay sáng hôm sau lãnh đạo địa phương phải cấp tốc thông báo đến các đoàn thể, ban, ngành trên địa bàn vận động cán bộ nhân viên đơn vị tới cổ vũ để đêm bế mạc diễn ra trọn vẹn. Tình trạng này cũng diễn ra tại các hoạt động lễ hội như bóng chuyền nam bãi biển, thi thả diều; đua thuyền trên bãi cát, kéo co, kể cả show trình diễn bikini và các trò chơi thể thao biển… Sẽ bình thường nếu sự kiện là một ngày hội văn hóa quần chúng, nhưng đây là ngày hội du lịch biển và mục đích hướng tới như kế hoạch đã đề ra là “giới thiệu vẻ đẹp thiên nhiên cùng các tài nguyên biển; quảng bá tiềm năng và các lợi thế phát triển du lịch biển đến du khách gần xa; giúp tăng cường xúc tiến, thu hút doanh nghiệp đầu tư, tạo hiệu ứng lan tỏa trong nhân dân và du khách…”.
Trước đó, giữa tháng 6.2019, tại TP.Tam Kỳ cũng đã diễn ra một lễ hội tương tự. Tuy nhiên, sau rất nhiều năm tổ chức “biển gọi” nhưng du khách và doanh nghiệp vẫn chưa thấy trả lời. Nhiều ý kiến cho rằng, thay vì đầu tư tiền tỷ vào các hoạt động lễ hội thì nên tập trung xây dựng các sản phẩm, dịch vụ, hạ tầng… trước, bởi “hữu xạ tự nhiên hương”, nếu không sẽ phản tác dụng, kể cả lãng phí ngân sách nhà nước.
Quay lại với lễ hội cuối tuần qua tại Điện Bàn, bên cạnh bãi biển còn tương đối hoang sơ thì hạ tầng dịch vụ nơi đây khá nghèo nàn. Ngoài vài nhà hàng nhỏ tạm bợ, khu tắm nước ngọt và bãi giữ xe, hầu như không có gì. Trong khi đó, nhà vệ sinh công cộng lại rất nhếch nhác do thiếu nước và không có người dọn dẹp, dội rửa. Nếu có du khách và doanh nghiệp tham dự sẽ rất phản cảm, khó thể quay lại lần hai, dù đây là năm thứ 3 lễ hội được tổ chức.
2. Cách đây hơn một tháng, câu chuyện “Vườn hoa hướng dương” tại thôn Kỳ Lam, xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn trở thành hiện tượng trên mạng xã hội khi mỗi ngày có hàng trăm lượt khách đến mua vé vào tham quan và check in. Nhiều bạn trẻ và du khách từ Tam Kỳ, Hội An, Đà Nẵng… đã “rần rần” kéo đến chỉ để được một lần chiêm ngưỡng và chụp ảnh. Cùng với đó các dịch vụ gửi xe, ăn uống bên ngoài vườn hoa cũng bắt đầu manh nha xuất hiện. Dù chỉ tồn tại khoảng 3 tuần nhưng vườn hoa hướng dương đã trở thành điểm hút mới lạ giữa nhiều sản phẩm du lịch na ná và không có sự sáng tạo trên địa bàn tỉnh hiện nay.
Theo ông Trần Lực - Phó Giám đốc Saigontourist chi nhánh Đà Nẵng, câu chuyện vườn hoa hướng dương đã minh chứng một điều, giới trẻ và du khách đang “khát” điểm vui chơi, giải trí mới mẻ, phù hợp. Rất tiếc, điểm vườn hoa hướng dương đã không nhân cơ hội này phát triển thêm chuỗi sản phẩm để hình thành điểm đến bền vững. “Nếu chủ nhân vườn hoa hướng dương biết nắm cơ hội tiếp tục xây dựng các sản phẩm đặc trưng như vườn rau hữu cơ, vườn hoa cải, hoa cúc, hoa mười giờ… chẳng hạn, chắc chắn sẽ được khách biết đến nhiều hơn. Khi có điểm đến sẽ giúp phát triển các dịch vụ ăn theo, kể cả lưu trú để tạo lập điểm đến tham quan du lịch nông nghiệp tổng hợp. Điều này chứng tỏ nếu biết cách, làm du lịch không khó và ngược lại” - ông Lực tiếc rẻ.
Nhiều năm qua, rất nhiều địa phương đã loay hoay với bài toán sản phẩm du lịch và hướng đi do không xác định được đối tượng khách và sản phẩm phù hợp. Đặc biệt, thay vì xây dựng điểm đến hoàn chỉnh trước khi giới thiệu khách, không ít nơi đã thực hiện quy trình ngược dẫn tới phản tác dụng do khách đến không biết trải nghiệm gì. Ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho rằng, sự khác biệt trong du lịch rất quan trọng, nhưng không phải địa phương nào cũng hiểu, khiến nhiều sản phẩm du lịch na ná nhau. Điều này đã mang tới sự nhàm chán cho khách, trong đó câu chuyện các làng du lịch cộng đồng hiện nay ở Quảng Nam là bài học. Còn các lễ hội vẫn diễn ra định kỳ mà chẳng cần quan tâm sau những lễ hội đó, du lịch địa phương sẽ được gì mất gì?