Sẻ chia bằng tình yêu thương
Mục đích cuối cùng của công tác xã hội, nhân đạo, từ thiện là giúp người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh; là sẻ chia, kết nối được càng nhiều tấm lòng càng tốt. Vậy nên hãy giữ cho “môi trường” của lòng nhân ái luôn trong lành bằng tình yêu thương thật sự đối với người được sẻ chia.
1. Nhân ngày Công tác xã hội (25.3) năm nay, tôi viết bài “Niềm tin vào từ thiện” trên trang Từ thiện - Nhân đạo của Báo Quảng Nam. Ngoài việc khẳng định rằng nhờ kêu gọi, kết nối của các nhóm từ thiện, rất nhiều bệnh nhân nghèo, người tàn tật, con em các gia đình có hoàn cảnh khó khăn… ở Quảng Nam đã vượt qua hoàn cảnh khó khăn; bài viết có đề cập sự cần thiết phải minh bạch số tiền ủng hộ của các nhà hảo tâm, nhất là đối với các nhóm, cá nhân hảo tâm làm từ thiện tự phát. Bởi đây là điều hết sức quan trọng để tạo niềm tin kết nối cộng đồng và người nghèo. Thế nhưng, mới đây, tôi nhận được tin không mấy vui, khi có một người hay làm từ thiện cho rằng, từ “cảnh báo” của bài viết này, một số mạnh thường quân tỏ ý nghi ngờ vào kiểu làm từ thiện kể trên. Việc huy động từ thiện theo đó ngày càng khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp tới người nghèo. Nhưng đồng thời, dư luận nói chung và một số mạnh thường quân cũng thể hiện sự tỉnh táo, thận trọng trong nhìn nhận vấn đề khi cho rằng, bài viết trên cũng chính là một sự đánh động cần thiết. Trong đó, điều quan trọng nhất là thúc đẩy sự công khai, minh bạch trong các hoạt động từ thiện.
Trong thực tế, đã từng có trường hợp một nhóm từ thiện nọ, sau khi kêu gọi, vận động được một khoản tiền cần thiết thì tổ chức đi trao cho đối tượng cần được trợ giúp. Tuy nhiên, thay vì phải trao toàn bộ số tiền này đến đúng địa chỉ đã được kêu gọi, nhóm từ thiện lại trích từ số tiền đó cho chi phí đi lại, ăn uống, nên số tiền trao đến người nhận không còn đủ như ban đầu. Một nhà hảo tâm nói: Nếu muốn huy động chi phí đi đường, chi phí phát sinh, nên kêu gọi riêng, không nên nhập nhằng với chi phí kêu gọi cho người nghèo. “Vì tôi hỗ trợ 500 nghìn đồng, là hỗ trợ cho địa chỉ cần kêu gọi, chứ không phải hỗ trợ một phần tiền đi đường cho các anh chị. Nếu các anh chị kêu gọi, tôi có thể hỗ trợ thêm, ngoài số tiền 500 nghìn đồng” - một nhà hảo tâm nêu ý kiến.
Ngoài ra, giữa các nhóm từ thiện hiện nay ở Quảng Nam còn có tình trạng “tranh giành” nhà hảo tâm để “kêu gọi, lôi kéo” nhà hảo tâm hỗ trợ nhóm mình mà không hỗ trợ nhóm khác. Chính việc này đã góp phần làm tăng thêm sự nghi ngờ không chỉ từ phía các nhà hảo tâm mà trong cả cộng đồng.
2. Cùng liên quan tới niềm tin và sự minh bạch trong hoạt động từ thiện, mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện hình ảnh một học trò nghèo nhận quà của nhà hảo tâm (do người khác trao tặng). Hình ảnh chụp em rất rõ nét, cầm trên tay tờ tiền nhận được, kèm theo đó là một tờ giấy ghi cụ thể hoàn cảnh bệnh tật của em, cùng địa chỉ, số tiền, tên người hỗ trợ, ngày tháng năm nhận tiền. Người chia sẻ hình ảnh có thể muốn thông báo cho nhà hảo tâm biết là số tiền đã được trao đến đúng địa chỉ. Hoặc có thể mong muốn qua những thông tin, hình ảnh như thế này, sẽ kết nối thêm được nhiều tấm lòng thiện nguyện, nhưng xem ảnh, tôi vẫn cảm thấy có gì đó hơi bất nhẫn. Có những lần bạn bè nhờ tôi trao tiền đến hoàn cảnh khó khăn, vì không trao trực tiếp được, và bạn luôn nhắn: “Khi mình nhờ một ai trao đi yêu thương, là mình tin tưởng người đó, nên bạn không cần chụp ảnh hoặc bảo người ta ghi giấy biên nhận làm gì”...