Đa dạng kênh tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội

DIỄM LỆ 04/10/2019 11:10

Qua nhiều kênh tuyên truyền, số người tham gia Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm y tế (BHYT) ngày càng tăng. Mỗi đơn vị mỗi thế mạnh riêng, nên sự tác động vào người dân, thúc đẩy họ tham gia một cách đa chiều sẽ thực hiện tốt hơn mục tiêu vì nền bảo hiểm toàn dân.

Tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội ở huyện miền núi đến tận từng người dân. Ảnh: D.L
Tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội ở huyện miền núi đến tận từng người dân. Ảnh: D.L

Tác động đến “tay hòm chìa khóa”

“Tay hòm chìa khóa” trong gia đình thường được trao cho người mẹ, người chị, giữ vai trò cân nhắc chi tiêu, mua sắm trong gia đình. Thế nên, tác động đến những người phụ nữ là con đường hiệu quả trong vận động hộ gia đình tham gia các chính sách. Các cấp hội phụ nữ từ tỉnh đến xã đã vào cuộc, cùng với cơ quan BHXH thực hiện những đợt tuyên truyền, vận động người dân tham gia chính sách BHYT, BHXH tự nguyện. Hơn 3.000 phụ nữ trong toàn tỉnh đã tham gia các cuộc tuyên truyền, tác động quan trọng đến số người tham gia BHXH, BHYT trong cộng đồng. Tính chất nhân văn của chính sách đã được tuyên truyền mạnh và quan trọng đó là chỗ dựa khi ốm đau, lúc hoạn nạn.

Bà Nguyễn Thị Liên - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh cho biết: “Ngoài hình thức tuyên truyền trong các hội nghị, hội thảo, truyền thông…, các cấp hội còn tổ chức nhiều hoạt động đối thoại trực tiếp nhằm tuyên truyền sâu hơn chính sách về BHXH, BHYT giúp người dân nói chung, phụ nữ nói riêng được giải đáp băn khoăn khi tham gia chính sách… Thông qua kênh thông tin này, hội và ngành BHXH nắm rõ hơn tâm tư, nguyện vọng và lý do vì sao vẫn còn một bộ phận người dân chưa tham gia BHYT, từ đó đưa ra giải pháp, cách thức tuyên truyền, vận động hiệu quả, thực tế hơn. Phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ hội và tuyên truyền viên tại cơ sở là cánh tay nối dài đưa chính sách BHXH, BHYT đến với đông đảo hội viên và nhân dân, các cấp hội đã chú trọng tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ hội. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến trong các buổi sinh hoạt chi, tổ phụ nữ, tuyên truyền tới hộ gia đình trong cộng đồng, theo dõi chặt chẽ số lượng hội viên, phụ nữ tham gia mua BHYT tại cơ sở để tư vấn việc mua tiếp, mua mới, đặc biệt là những cơ sở hội có tỷ lệ người dân tham gia BHYT còn thấp”.

Đến nay, có 14/244 cơ sở hội là đại lý tư vấn BHXH, BHYT; 61/244 cơ sở hội có mô hình tiết kiệm mua BHYT tại chi, tổ phụ nữ. Số phụ nữ mua BHXH, BHYT qua kênh hội tính đến tháng 6.2019 là 15.630 phụ nữ. Ngoài ra, hội phụ nữ các cấp đã có nhiều mô hình động viên, trợ giúp, vận động nhau cùng tham gia BHYT, như mô hình heo đất tiết kiệm, ống nứa tiết kiệm, heo đất lòng vàng,  tổ phụ nữ tín dụng - tiết kiệm, tổ phụ nữ góp vốn quay vòng... Qua đó tạo nguồn quỹ để tham gia mua BHYT và hỗ trợ cán bộ chi hội, hội viên nghèo, phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, phát huy tính tự lực, tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc chăm sóc sức khỏe bản thân.

Thay đổi cách nghĩ

Những năm gần đây, bưu điện là một kênh đưa chính sách BHXH tự nguyện, BHYT gia đình đến với người dân rất tốt. Với hệ thống bưu điện về đến các xã, lợi thế đã được phát huy, với 219 đại lý thu phủ kín các địa bàn. Tính đến 31.7, hệ thống bưu điện tỉnh phát triển hơn 9 nghìn người tham gia mới (nâng lên 59 nghìn đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình) và 2.441 người tham gia BHXH tự nguyện. Kể từ khi Bưu điện tỉnh phối hợp với BHXH tỉnh, việc phát triển đối tượng tham gia chính sách có chuyển biến hiệu quả.

Ông Trần Việt Hùng - Giám đốc Bưu điện tỉnh cho biết: “Bưu điện tỉnh đã thành lập tổ chỉ đạo, từ đó triển khai nhiệm vụ đến các huyện, xã. Tại mỗi điểm tuyên truyền, bưu điện phối hợp chặt chẽ với BHXH và UBND cấp xã để vận động nhân dân tham gia. Trong hội nghị tuyên truyền, những người có khả năng tài chính, trong độ tuổi sẽ được chú trọng. Thời gian tổ chức hội nghị cũng phải phù hợp với điều kiện thực thế về thời gian lao động, tập quán sinh hoạt của người dân theo từng vùng, địa phương. Ở vùng nông thôn, miền núi hầu hết tổ chức ban đêm, vì ban ngày người dân đi làm. Các hội nghị tổ chức trực tiếp về tận thôn, bản đã giúp người dân hiểu chính sách và tham gia hiệu quả hơn. Nhân viên bưu điện được giao phụ trách đối tượng tham gia bảo hiểm phải bám sát, đôn đốc, nhắc nhở quá trình đóng đúng quy định và duy trì thời gian tham gia”.

Từ đầu năm, Bưu điện tỉnh giao chỉ tiêu cụ thể từng huyện, đến tháng 7.2019 có nhiều huyện đạt trên 60% chỉ tiêu giao như Nam Giang, Đông Giang, Núi Thành, Hiệp Đức, Phước Sơn. Chính sách BHXH tự nguyện được tuyên truyền đến các huyện miền núi, thâm nhập vào đời sống nhân dân, giúp người dân biết về chính sách rõ ràng hơn.

Ông Đoàn Mai - Giám đốc BHXH huyện Tây Giang cho biết: “Khâu tuyên truyền rất quan trọng, nhất là vùng sâu vùng xa người dân ít có điều kiện tiếp xúc với hệ thống thông tin chính sách liên quan. Vì vậy sau khi nghe tuyên truyền cụ thể, tỉ mỉ, họ hiểu rằng đây là chính sách do Nhà nước thực hiện, không phải bảo hiểm thương mại nên mới tin tưởng. Bởi người dân miền núi có tâm lý e ngại, nếu tham gia mà không biết chính xác những quyền lợi được hưởng, cũng như không biết đóng tiền có bị mất không thì họ không tham gia. Vì vậy khi tuyên truyền chính sách, ngành BHXH và bưu điện phải giải thích cặn kẽ, thậm chí giải thích cho từng người khi họ có thắc mắc. Đồng thời, việc tuyên truyền phải có sự vào cuộc của chính quyền địa phương, từ xã đến các trưởng bản, trưởng thôn góp phần tạo niềm tin để người dân mạnh dạn tham gia và tham gia hiệu quả ”.

DIỄM LỆ