Nghị quyết 02/NQ-HĐND: "Đòn bẩy" cho khoa học - công nghệ
Nghị quyết 02/2019/NQ-HDND về quy định một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển hoạt động khoa học - công nghệ (KH-CN) trên địa bàn Quảng Nam giai đoạn 2019 - 2025 được kỳ vọng tạo đòn bẩy phát triển hoạt động KH-CN của tỉnh, song cần đồng bộ giải pháp để đạt hiệu quả khi đưa vào cuộc sống.
Cơ chế tạo đòn bẩy
Ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở KH-CN: Nghị quyết 02 được kỳ vọng phát triển KH-CN của tỉnh
Lâu nay tỉnh mong muốn làm thế nào để đưa KH-CN vào thực tiễn đời sống, tạo điều kiện phát triển thương hiệu, nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng sản phẩm; phát triển chương trình kinh tế, xã hội, nông thôn - miền núi; hỗ trợ ứng dụng tiến bộ KH-CN cho các mô hình sản xuất khu vực nông thôn, miền núi. Nghị quyết kỳ vọng góp phần đưa KH-CN đến gần DN, hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng KH-CN trong DN, nâng cao năng suất, tính cạnh tranh của sản phẩm. Tuy nhiên, điều kiện chuyển giao, hỗ trợ vẫn còn nhiều cái khó, nhất là hỗ trợ sau đầu tư. Với những dự án sản xuất thử nghiệm đòi hỏi tạo ra sản phẩm hoàn toàn mới. Thành ra, với các DN mà nói, họ e ngại liệu chương trình, dự án, mô hình có thành công không, trong khi nguồn DN bỏ ra lớn, mức hỗ trợ chỉ ở mức 50% ở vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn và 30% ở vùng không khó khăn, khá thấp. Để đưa nghị quyết vào thực tiễn thì trách nhiệm của ngành KH-CN rất lớn, phải tìm kiếm công nghệ, giúp người dân, DN tạo các sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Nghị quyết 02 về quy định một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển hoạt động KH-CN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2025 đã được HĐND tỉnh ban hành, có hiệu lực từ 1.8.2019, Sở KH-CN vừa tổ chức hội nghị phổ biến cơ chế, chính sách của nghị quyết. Tổng kinh phí ngân sách tỉnh hỗ trợ thực hiện nghị quyết giai đoạn 2019 - 2025 là 83,6 tỷ đồng, được phân kỳ cho 7 năm.
Đối với cơ chế hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng KH-CN thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi và xây dựng nông thôn mới của nghị quyết, đối tượng được hỗ trợ của cơ chế này là các tổ chức chủ trì dự án “Chuyển giao, ứng dụng KH-CN thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi và xây dựng nông thôn mới”, hội đủ điều kiện, nội dung quy định tại Nghị quyết 02.
Mức hỗ trợ tối đa 90% tổng kinh phí thực hiện đối với dự án thực hiện trên địa bàn huyện có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (không quá 1,5 tỷ đồng/dự án); tối đa 70% tổng kinh phí thực hiện đối với dự án thực hiện trên địa bàn huyện chưa tự cân đối ngân sách (trừ các địa phương quy định tại tiết 1, điểm a, khoản 4) nhưng không quá 1,2 tỷ đồng/dự án; hỗ trợ tối đa 50% tổng kinh phí thực hiện đối với dự án thực hiện trên địa bàn các huyện tự cân đối ngân sách (không quá 1 tỷ đồng/dự án)...
Với cơ chế hỗ trợ, xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho các sản phẩm, dịch vụ trên địa bàn, cơ chế có quy mô hỗ trợ tối đa 200 nhãn hiệu, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, 50 kiểu dáng công nghiệp, 50 mô hình quản lý tài sản trí tuệ doanh nghiệp (DN), mô hình hệ thống quản lý, giải pháp kiểm soát, truy xuất nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận.
Mức hỗ trợ đối với đăng ký nhãn hiệu tối đa 5 triệu đồng/nhãn hiệu và không quá 5 nhãn hiệu/cơ sở; đăng ký nhãn hiệu tập thể tối đa 10 triệu đồng/nhãn hiệu; đăng ký nhãn hiệu chứng nhận tối đa 20 triệu đồng/nhãn hiệu; đăng ký sáng chế tối đa 20 triệu đồng/sáng chế. Mức hỗ trợ đăng ký kiểu dáng công nghiệp tối đa 10 triệu đồng/kiểu dáng và không quá 5 kiểu dáng công nghiệp/năm/cơ sở; đăng ký giải pháp hữu ích tối đa 15 triệu đồng/giải pháp. Mức hỗ trợ xây dựng mô hình quản lý tài sản trí tuệ DN tối đa 30 triệu đồng/mô hình. Xây dựng mô hình kiểm soát, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận tối đa 30 triệu đồng/mô hình.
Ưu tiên triển khai vùng khó khăn
Nghị quyết cũng hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, đổi mới công nghệ và ứng dụng, thương mại hóa kết quả nghiên cứu tạo ra sản phẩm mới.
Theo đó, đối với hợp đồng (HĐ) chuyển giao công nghệ có giá trị trên 1 tỷ đồng được hỗ trợ 20% giá trị HĐ (tối đa không quá 400 triệu đồng/HĐ); HĐ có giá trị dưới 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng được hỗ trợ 25% giá trị HĐ (tối đa không quá 200 triệu đồng/HĐ); HĐ có giá trị dưới 500 triệu đồng, hỗ trợ 30% giá trị HĐ (tối đa không quá 100 triệu đồng/HĐ).
Về dự án hỗ trợ, đổi mới thiết bị, công nghệ có giá trị trên 2 tỷ đồng, được hỗ trợ 20% giá trị (tối đa không quá 450 triệu đồng/dự án). Dự án có giá trị từ 1 tỷ đến 2 tỷ đồng, hỗ trợ 25% giá trị, (tối đa không quá 300 triệu đồng/dự án); dự án có giá trị từ 500 đến 1 tỷ đồng, hỗ trợ 30% giá trị (tối đa không quá 200 triệu đồng/dự án)...
Với dự án sản xuất thử nghiệm, thương mại hóa kết quả nghiên cứu bằng hình thức thực hiện dự án thử nghiệm theo quy định, nghị quyết cũng quy định rõ mức hỗ trợ tối đa đối với những dự án ở các vùng đặc thù, vùng kinh tế khó khăn và vùng phát triển. Nghị quyết 02 cũng hỗ trợ hoạt động phát triển thị trường KH-CN trong nước và quốc tế cho các tổ chức, cá nhân hội đủ điều kiện tại quy định. Nghị quyết cũng có cơ chế hỗ trợ hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng cho các sản phẩm, dịch vụ trên địa bàn tỉnh...
Thực tiễn hóa nghị quyết
Bà Lê Thủy Trinh - Phó Giám đốc Sở KH-CN: Tạo thuận lợi cho đối tượng thuộc diện hỗ trợ
Đối tượng được hỗ trợ phát triển theo Nghị quyết 02 gồm các tổ chức, cá nhân trên địa bàn Quảng Nam (DN có vốn đầu tư nước ngoài không thuộc phạm vi hỗ trợ). Các tổ chức, cá nhân đã tham gia đề án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của DN vừa và nhỏ trên địa bàn Quảng Nam giai đoạn 2012 - 2020” theo Quyết định 2195/QĐ-UBND của UBND tỉnh và Kế hoạch số 5308/KH-UBND của UBND tỉnh về “Tạo lập, quản lý và phát triển quyền sở hữu công nghiệp cho các sản phẩm đặc sản, sản phẩm làng nghề truyền thống của Quảng Nam, giai đoạn 2016 - 2020”, được cấp có thẩm quyền phê duyệt trước ngày nghị quyết có hiệu lực, được tiếp tục áp dụng cơ chế hỗ trợ theo đề án, kế hoạch đã được phê duyệt, không thuộc đối tượng điều chỉnh của nghị quyết.
Dù được kỳ vọng, song các DN, hợp tác xã (HTX), cán bộ chuyên trách KH-CN cũng như người dân khá trăn trở vì những khó khăn trong việc đưa nghị quyết vào cuộc sống; khó khăn từ phía cá nhân, tổ chức, DN địa phương trong việc tiếp cận các cơ chế, chính sách hỗ trợ của nghị quyết.
Ông Phan Hành - Phó phòng Kinh tế & hạ tầng huyện Đại Lộc thắc mắc, liệu kết quả từ các đề tài, dự án, nhiệm vụ KH-CN cấp huyện, cấp tỉnh sau nghiệm thu thời gian tới có được đưa ra ứng dụng, phổ biến rộng rãi cho các đơn vị, địa phương nhân rộng để được hưởng cơ chế, chính sách hay không. Một số đơn vị khác thắc mắc là cùng một đơn vị thì được hưởng một hay nhiều cơ chế hỗ trợ cho các dự án, mô hình khác nhau.
Đại diện HTX Cẩm Hà (Tiên Phước) cho biết: “HTX đã đầu tư nghiên cứu công nghệ ghép cây cam giấy Tiên Hà, xây dựng chuỗi sản phẩm cam giấy, đăng ký tham gia chương trình OCOP của tỉnh. HTX đã được hưởng cơ chế, chính sách hỗ trợ về chuyển giao KH-CN và HTX có tiếp tục được hưởng cơ chế, chính sách về chuyển giao công nghệ nữa không?”. Trả lời ý kiến trên, Sở KH-CN cho rằng HTX đã được hỗ trợ cơ chế, chính sách chuyển giao công nghệ rồi sẽ không được tiếp tục hỗ trợ cơ chế chuyển giao công nghệ nữa.
Ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành bày tỏ, Nghị quyết 02 và Quyết định 2868 của UBND tỉnh ban hành được kỳ vọng giúp địa phương, các tổ chức, cá nhân, DN có điều kiện để triển khai thành quả nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao KH-CN vào đời sống.
“Thành tựu từ các đề tài, dự án, kết quả nghiên cứu KH-CN thời gian qua rất nhiều, nhưng việc thông tin về thành quả này chưa được rộng rãi. Đề nghị Sở KH-CN cần phổ biến những kết quả từ nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng rộng rãi hơn để giúp địa phương có thông tin để đề xuất ứng dụng, chuyển giao KH-CN vào thực tiễn. Bên cạnh đó, rất cần sự hỗ trợ của các phòng ban chuyên môn của sở cũng như sự định hướng của tỉnh giúp địa phương nâng cao hiệu quả ứng dụng KH-CN vào thực tiễn. Ngành KH-CN tỉnh nên thu hút, kêu gọi nguồn lực từ các DN, HTX đầu tư ứng dụng, nghiên cứu, chuyển giao KH-CN vào thực tiễn” - ông Thịnh nói.