Hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở: Cần thiết và ý nghĩa
Tiếp tục hỗ trợ người có công (NCC) với cách mạng cải thiện nhà ở là một trong những nội dung được UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét ban hành nghị quyết tại Kỳ họp thứ 11 khai mạc sáng 2.10. Sự hỗ trợ này được đánh giá là cần thiết và ý nghĩa.
Ưu tiên nhà ở NCC
Báo cáo của UBND tỉnh trình tại kỳ họp cho biết, thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg, ngày 26.4.2013, của Thủ Tướng Chính phủ về hỗ trợ NCC với cách mạng cải thiện nhà ở, qua rà soát và kết quả thẩm tra của Bộ LĐ-TB&XH, toàn tỉnh có tổng số 31.352 trường hợp cần được hỗ trợ. Từ năm 2013 đến nay đã hỗ trợ 26.935 nhà xây mới và sửa chữa, dự kiến đến hết năm 2019 sẽ hoàn thành tổng số khoảng 27.831 nhà. Số trường hợp tiếp tục thực hiện theo Quyết định 22 và số mới phát sinh cần được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa trên địa bàn tỉnh còn 12.734 nhà.
Trong thời gian qua, tỉnh đã ưu tiên lồng ghép nhiều nguồn để hỗ trợ NCC an cư lạc nghiệp. Ông Nguyễn Phú - Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, với tinh thần “Nhà nước hỗ trợ và khuyến khích cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình tham gia đóng góp”, NCC được hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa nhà ở bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng và phù hợp với điều kiện cụ thể của từng trường hợp. Đồng thời tỉnh kết hợp, lồng ghép với các chương trình đầu tư, hỗ trợ khác của trung ương và địa phương để phát huy hiệu quả chính sách từ Quyết định 22. Nhất là khi nguồn ngân sách chưa được phân bổ kịp thời, các địa phương đã vận động nhiều nguồn khác để NCC có nhu cầu bức xúc về nhà ở được hỗ trợ sớm, chủ yếu là nguồn vận động xã hội hóa vào Quỹ đền ơn đáp nghĩa của từng địa phương, huy động sự tham gia của các tổ chức chính trị, xã hội, Mặt trận, đoàn thể...
Chính sách ý nghĩa
Theo đánh giá thẩm tra của Ban Văn hóa xã hội HĐND tỉnh, việc hỗ trợ NCC an cư luôn là chính sách ý nghĩa mà Quảng Nam quan tâm thực hiện. Khi chưa có Quyết định 22, tỉnh cũng đã có chính sách hỗ trợ NCC sửa chữa, xây mới nhà ở. Khi Quyết định 22 ra đời, đối tượng được mở rộng, nhiều nhóm NCC khác được hỗ trợ cải thiện nhà ở, nên tác động tích cực một cách sâu sắc đến đời sống của NCC trong xã hội. Nhiều trường hợp NCC trước đây nhà ở bị hư hỏng nhưng chưa có điều kiện cải thiện, nay có nguồn ngân sách Nhà nước hỗ trợ nên đã mạnh dạn kết hợp với nguồn kinh phí của cá nhân, sự hỗ trợ của gia đình tộc họ để xây dựng mới, sửa chữa cải tạo nhà ở khang trang, ổn định cuộc sống để chăm lo phát triển kinh tế. Do đó, khi chính sách hỗ trợ theo Quyết định 22 kết thúc (theo thẩm tra là 31.352 trường hợp), tỉnh cần có chính sách tiếp tục hỗ trợ những trường hợp phát sinh.
Việc hỗ trợ NCC với cách mạng được UBND tỉnh khẳng định cần phải liên tục, thể hiện qua các chính sách với mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho những người đã có nhiều đóng góp trong công cuộc đấu tranh, bảo vệ Tổ quốc. Do đó, việc ban hành Nghị quyết quy định mức hỗ trợ đối với NCC với cách mạng về nhà ở trên địa bàn tỉnh là cần thiết và ý nghĩa. Trường hợp phát sinh cần được hỗ trợ cải thiện nhà ở là những NCC đảm bảo hồ sơ theo quy định của Pháp lệnh Ưu đãi NCC, được Sở LĐ-TB&XH kiểm tra thống nhất. Trong đó gồm các trường hợp đã được các huyện, thị xã, thành phố đề nghị thực hiện theo Quyết định 22 nhưng không nằm trong danh sách được Bộ LĐ-TB&XH thẩm tra thời điểm tháng 10.2016 và dù chưa được Trung ương chấp thuận bổ sung đã tự ứng kinh phí để cải thiện nhà ở.
Như vậy, tính cả số tiếp tục thực hiện theo Quyết định 22 và số phát sinh, toàn tỉnh còn 12.734 trường hợp NCC cần được hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở giai đoạn 2019 - 2021. Tổng nguồn kinh phí dự kiến thực hiện hơn 335 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách tỉnh và vốn ngân sách cấp huyện hỗ trợ, theo mức 40 triệu đồng đối với nhà xây mới, 20 triệu đồng đối với nhà sửa chữa. Trong đó, các địa phương tự cân đối ngân sách ngân sách gồm Tam Kỳ, Hội An, Điện Bàn, Núi Thành, tỉnh hỗ trợ 70%, ngân sách cấp huyện hỗ trợ 30%; đối với địa phương không tự cân đối ngân sách, tỉnh hỗ trợ 90% ở khu vực đồng bằng, 95% khu vực miền núi, còn lại huyện hỗ trợ.