Lo xa và buồn gần
Ngày 10.10 tới, chiến dịch “Làm cho thế giới sạch hơn năm 2019” sẽ tạm khép lại tại địa bàn Quảng Nam, theo như kế hoạch đã ban hành của UBND tỉnh tại Công văn số 5722/UBND-KTN. Chủ đề chiến dịch năm nay khá hay (“Hành động địa phương, tác động toàn cầu”), lại chọn đối tượng cụ thể (giảm thiểu, chống lại ô nhiễm rác thải nhựa).
Đã gọi là “chiến dịch” tất có sự hạn định về thời gian và phạm vi. Các khuyến cáo bảo vệ môi trường quen thuộc (ngày không sử dụng túi ny lon và sản phẩm nhựa sử dụng một lần, ngày hội sống xanh…) được nhắc lại; ven biển Điện Bàn, Hội An, Duy Xuyên, Thăng Bình, Tam Kỳ, Núi Thành cũng được gợi ý ra quân thu gom rác thải nhựa; băng rôn, áp phích dựng lên để “nhắc nhở”…
Ai cũng biết, mức độ nguy hại của rác thải nhựa không tính bằng năm mà kéo dài vài thập kỷ, và đâu chỉ dừng ở một khu vực. Đó đang là mối lo của nhiều thế hệ, với cấp độ toàn cầu. Có điều, chuyện của “toàn cầu” nhưng phải khởi động từ “địa phương”, nếu không tất cả sẽ chỉ là lời kêu gọi suông. Mỗi địa phương phải hành động, phải biết lo, thậm chí lo xa.
Dường như điều này có chỗ ứng hợp với câu nói của người xưa, “nhân bất viễn lự, tất hữu cận ưu” (người không lo xa, ắt có buồn gần).
Chữ “người” trong câu vừa dẫn có thể là số nhiều, tiếc rằng các điển hình biết lo xa lại chỉ dừng ở số ít. Trên bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), có anh Đào Đặng Công Trung (42 tuổi, quê gốc Hội An) thầm lặng 10 năm nhặt rác. Ông Nguyễn Thương (59 tuổi) cũng trở thành người “nhặt rác không công” ở phường Cửa Đại (Hội An). Tại Đà Nẵng, thậm chí có hẳn một câu lạc bộ nhặt rác tình nguyện mà người đứng đầu là cựu chiến binh, còn các “thành viên” câu lạc bộ là… đám trẻ con trong khu phố. Cứ thế, thi thoảng lại thấy xuất hiện một vài cá nhân tiêu biểu trên báo chí. Dù sao, những thiểu số hạnh phúc ấy cũng giúp thắp lên ngọn lửa nhỏ, sưởi ấm tình người giữa “bộn bề” rác thải nhếch nhác và xú uế.
Báo Quảng Nam những ngày gần đây liên tiếp đề cập chủ đề rác thải, hẳn có lý do. Ngoài chiến dịch mang tính “toàn cầu và lo xa” vừa nhắc, còn đó câu chuyện thời sự nóng bỏng: Rác sinh hoạt dồn ứ khắp nơi. Nhiều phân tích, đánh giá về vướng mắc ở khâu thu gom rác, quy hoạch khu xử lý rác thải, môi trường sống của người dân (gần bãi đổ rác, lẫn trong các khu dân cư do rác dồn ứ), gợi ý phân loại rác tại nguồn… Nhưng lời giải thì còn phải chờ, đến khi nào những bao rác được dọn sạch.
Mới thấy, trong câu chuyện ứng phó rác thải, “lo xa” là đúng nhưng… chưa đủ. Nếu chúng ta chỉ chăm chăm giải quyết vấn nạn toàn cầu (rác thải nhựa) mà cộng đồng lại đang “buồn gần” vì loay hoay giải bài toán được cho là chỉ mang tầm địa phương (rác sinh hoạt dồn ứ), thì quả thật có chỗ thiếu sót.