Vụ tràn dầu fusel tại Đại Tân: Sẽ giám sát việc khắc phục môi trường

HOÀNG LIÊN 03/10/2019 10:16

Ngày 2.10, tại Nhà máy cồn Đại Tân, bà Lê Thị Tuyết Hạnh - Phó Giám đốc Sở TN&MT  và ông Trần Văn Mai - Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc có buổi đối thoại với lãnh đạo Nhà máy cồn Đại Tân (thuộc Công ty CP Nhiên liệu sinh học Tùng Lâm) và người dân địa phương xung quanh sự cố tràn dầu fusel vừa qua.

Rất đông người dân địa phương tham dự buổi đối thoại về sự cố tràn dầu tại Nhà máy cồn Đại Tân. Ảnh: HOÀNG LIÊN
Rất đông người dân địa phương tham dự buổi đối thoại về sự cố tràn dầu tại Nhà máy cồn Đại Tân. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Tại buổi đối thoại, nhiều người dân yêu cầu phía công ty phải trả lời rõ về phương án khắc phục, xử lý môi trường sau sự cố. Người dân cho rằng phía công ty nhiều lần hứa với dân địa phương sẽ có phương án khắc phục, xử lý sau vụ tràn dầu nhưng tới nay vẫn chưa có động tĩnh gì khiến người dân mất tin tưởng; trong khi đó cơ quan chức năng đến nay vẫn chưa công bố kết quả lấy mẫu kiểm định dù đã 15 ngày trôi qua sau vụ tràn dầu. Ông Nguyễn Văn Sơn (người dân Đại Tân) nói: “Sau sự cố, nhà máy thiếu tôn trọng nhân dân, chưa nhận lỗi đối với người dân sống trong vùng ô nhiễm, tự ý cho xe ra vào nhà máy đã gây bức xúc trong nhân dân”.

Theo văn bản do ông Lê Minh Thiên - Giám đốc điều hành Nhà máy cồn Đại Tân gửi UBND huyện Đại Lộc và các ngành chức năng của huyện mới đây, phía nhà máy đề xuất phương án thời gian 7 ngày để xử lý lượng dịch tồn sau vụ tràn dầu. Riêng kế hoạch giải phóng 1.200m3 cồn tồn kho và sản phẩm sản xuất ra từ 9.000m3 dịch lên men, nhà máy phải mất 15 ngày khắc phục và xử lý. Tổng thời gian để nhà máy khắc phục, xử lý, giải phóng hàng tồn kho hết 22 ngày. Nhà máy cam kết ngay sau khi xử lý xong 9.000m3 dịch lên men và giải phóng lượng hàng tồn kho, sẽ dừng sản xuất để chờ kết luận của các cơ quan chức năng cũng như sự thống nhất của người dân trước khi hoạt động trở lại.

Ông Lê Minh Thiên - Giám đốc điều hành Nhà máy cồn Đại Tân giải thích, đây là sự cố tràn dầu từ kho xuống hồ sinh thái do sự sơ ý của công nhân vận hành. Phía công ty đã xả nước tầng đáy để tránh lớp dầu tràn hồ gây ảnh hưởng nặng ra môi trường xung quanh. Loại dầu này là một chất sử dụng trong chiết xuất cồn, giá thành cao, là tài sản của công ty, không phải là chất xả thải. “Về phía công ty sẽ nhận trách nhiệm và khắc phục sự cố trên. Công ty đã tạm dừng hoạt động và đang khắc phục sự cố môi trường tại hồ sinh thái. Công ty hứa sẽ cung cấp nước sạch sinh hoạt và nước uống cho các hộ dân trong vùng với bán kính từ 100 - 150m xung quanh nhà máy, bình quân mỗi gia đình được chi hỗ trợ tiền nước uống 300 nghìn đồng/tháng. Ngoài ra, công ty mong muốn chính quyền địa phương và người dân tạo điều kiện cho công ty khắc phục sự cố đó là được tiếp tục xử lý 2.000 tấn sắn, 1.200m3 cồn còn tồn trong kho và  9.000m3 dịch dạng men đang tồn tại trong nhà máy để tránh phát sinh cháy nổ…” - ông Thiên nói.

Ông Trần Văn Mai - Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc nhấn mạnh, sự cố tràn dầu do Nhà máy cồn Đại Tân gây ra đã ảnh hưởng đến đời sống cũng như sinh hoạt của người dân. Vì vậy, phía công ty phải có kế hoạch cũng như biện pháp khắc phục sự cố. Trước mắt, phải đảm bảo người dân được sử dụng nguồn nước sạch, đồng thời phải khắc phục ngay vấn đề môi trường tại khu vực hồ sinh thái, đảm bảo không còn mùi hôi thối ảnh hưởng đến người dân. Việc làm này phải được tiến hành minh bạch dưới sự giám sát của chính quyền địa phương và người dân. Ông Mai cho biết, ngay trong ngày 3.10, UBND huyện sẽ thành lập tổ giám sát, trong đó có đại diện chính quyền địa phương, phía công ty và người dân để giám sát việc khắc phục môi trường tại nhà máy. Trong quá trình khắc phục sự cố, phía công ty tuyệt đối không được hoạt động, không được vận chuyển bất cứ nguồn nguyên liệu hay vật dụng gì từ bên ngoài vào công ty cho đến khi khắc phục xong vấn đề môi trường. Chỉ khi nào công ty khắc phục xong vấn đề môi trường thì công ty mới được phép xử lý lượng dịch tồn trong kho cũng như những mặt hàng còn tồn đọng trong kho, cùng với đó cần triển khai các phương án chống nguy cơ cháy nổ và phát tán mùi ra môi trường bên ngoài. Trường hợp vấn đề môi trường không được khắc phục triệt để, nhà máy liên tục để xảy ra khiếu kiện và phản ánh của nhân dân và chính quyền địa phương thì sẽ phải đối diện với nguy cơ là ngừng hoạt động.

Theo bà Lê Thị Tuyết Hạnh, ngay sau khi nhận được phản ánh của chính quyền địa phương, Sở TN&MT đã đến kiểm tra và lấy mẫu nước, khí thải gửi đến cơ quan chức năng phân tích, kiểm tra và giám định, hiện chưa có kết quả.

HOÀNG LIÊN