Xử lý bìa đỏ đất lâm nghiệp “ngâm” trong tủ: Phải làm lại từ đầu
Một dự án lập bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bìa đỏ) lâm nghiệp đã kết thúc hơn 8 năm nay nhưng nhiều địa phương không dám bàn giao cho người dân do đo vẽ sai. Quyền lợi của người dân miền núi treo lơ lửng suốt thời gian dài, nhưng muốn khắc phục thì gần như phải làm lại từ đầu.
Đo vẽ thiếu chính xác
Năm 2006, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án thành lập bản đồ địa chính tỷ lệ 1/10.000 và hồ sơ địa chính cấp bìa đỏ đất lâm nghiệp. Triển khai từ năm 2007, Quảng Nam đã kết thúc dự án này vào năm 2011. Nhiều địa phương thay vì bàn giao bìa đỏ cho dân thì lưu giữ trong tủ hồ sơ xã, văn phòng đăng ký đất đai hay phòng TN&MT huyện. Và nhiều năm nay, cơ quan chức năng lẫn các cấp chính quyền tốn nhiều thời gian và tiền bạc để giải quyết rắc rối này.
Tại buổi làm việc với HĐND tỉnh vào ngày 12.9, đại diện Sở TN&MT cho rằng, sản phẩm của dự án đã đưa vào sử dụng và bàn giao cho chính quyền cấp huyện quản lý, khai thác, sử dụng. Tuy nhiên, do phương pháp đo vẽ, công nghệ đo đạc trước đây có sai số lớn nên nhiều địa phương không giao bìa đỏ cho dân mà lưu giữ ở phòng TN&MT huyện.
Sở TN&MT cũng giải thích rằng, người dân chưa có nhu cầu cấp bìa đỏ và trong quá trình quản lý, sử dụng sản phẩm chưa được UBND huyện chỉnh lý biến động kịp thời, dẫn đến hồ sơ địa chính dự án đất lâm nghiệp ngày càng không còn phù hợp với hiện trạng quản lý, sử dụng đất của địa phương. Việc cấp bìa đỏ, quản lý hiện trạng và chỉnh lý biến động hồ sơ đất lâm nghiệp thuộc thẩm quyền của UBND huyện.
Tại huyện Nam Trà My, hiện trạng sử dụng đất của người dân có sự biến động lớn so với bản đồ địa chính đất lâm nghiệp tỷ lệ 1/10.000 và quy hoạch 3 loại rừng theo quyết định của UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh. Trong đó, diện tích đất rừng sản xuất tại Nam Trà My được điều chỉnh từ 11.864,8ha tăng lên 18.104,4ha. Vì vậy, để tiến hành cấp bìa đỏ đất lâm nghiệp cho người dân cần phải đo đạc chỉnh lý bản đồ, xây dựng cơ sở dữ liệu và tích hợp cơ sở dữ liệu địa chính đất lâm nghiệp. Nhưng, nhiều năm nay, do thiếu kinh phí thực hiện nên tiến độ đo đạc, cấp bìa đỏ tại địa bàn rất chậm.
Tương tự, ở huyện Đông Giang, có một số xã, hầu như không cấp được bìa đỏ đất lâm nghiệp nào cho dân từ khi dự án đất lâm nghiệp tỷ lệ bản đồ 1/10.000 kết thúc năm 2011 đến nay. Theo số liệu về kết quả thực hiện dự án này ở 9 huyện miền núi, trung du, diện tích đất cần lập hồ sơ đăng ký 345.804,2ha (đã lập hồ sơ đăng ký 88.698,9ha); số thửa đất cần lập hồ sơ đăng ký 119.603 thửa; diện tích đất đã cấp bìa đỏ 41.269ha gồm 36.147 thửa (đạt tỷ lệ 46,5% tổng số diện tích thửa đất cần cấp). Trong số 36.147 thửa được cơ quan có thẩm quyền cấp bìa đỏ, Sở TN&MT tại thời điểm này vẫn chưa thống kê được bao nhiêu trường hợp hợp pháp không cần chỉnh lý bổ sung, bao nhiêu trường hợp không thể bàn giao cho người dân.
Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai - ông Phạm Bê nhìn nhận, giải quyết vấn đề chồng lấn, tranh chấp quyền sử dụng đất lâm nghiệp ở hầu hết các huyện vùng tây của tỉnh luôn là thách thức lớn. Một yếu tố khách quan khác, hình thể, ranh giới sử dụng đất ở miền núi phức tạp do chia cắt bởi địa hình, độ dốc cao khó khăn cho quản lý hiện trạng. Gần đây, chính quyền tỉnh và các huyện miền núi dù ban hành hàng loạt cơ chế đột phá thu hút doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông thôn, miền núi nhưng kết quả không như mong muốn, bởi gặp ngay rào cản đất đai. Hệ lụy của việc chậm cấp bìa đỏ là người dân chưa được hưởng các quyền lợi liên quan đến chính sách quản lý, bảo vệ, phát triển rừng. Mục tiêu trồng rừng gỗ lớn, trồng rừng đạt chứng chỉ quốc tế (FSC) bị gián đoạn cũng từ một dự án đo vẽ “thiếu chính xác” trước đây.
Cân nhắc nguồn kinh phí
Cần khoảng 148 tỷ đồng để đo đạc, quản lý đất đai vùng tây
Theo đề xuất của UBND tỉnh, Quảng Nam cần khoảng 148 tỷ đồng để xây dựng lưới địa chính; đo vẽ lại bản đồ địa chính; chỉnh lý biến động; đăng ký, cấp mới, cấp đổi bìa đỏ; xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý đất đai. Thực tế, ở miền núi, công tác xây dựng hồ sơ địa chính đất lâm nghiệp mới dừng lại ở khâu điều tra, đo vẽ; trong khi đó việc xác định ranh giới sử dụng đất lâm nghiệp gặp khó khăn.
Hiện nay, toàn tỉnh triển khai công tác kiểm kê đất đai (5 năm một lần). UBND tỉnh vừa lập phương án đề xuất hỗ trợ kinh phí để đo đạc bổ sung, chỉnh lý, cấp bìa đỏ, xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý đất lâm nghiệp 9 huyện miền núi, trung du trình HĐND tỉnh. Theo chính quyền tỉnh, đây là nhu cầu bức bách và cần thiết hiện nay. Kinh phí chủ yếu sử dụng nguồn sự nghiệp kinh tế cấp tỉnh, cấp huyện theo định mức, dự toán hàng năm và 10% nguồn thu tiền sử dụng đất. Nguồn vốn này phục vụ cho việc đo đạc mới do điều chỉnh lại quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng, diện tích đất do các công ty nông lâm nghiệp trả lại, diện tích đo khoanh bao trước đây và đo vẽ bổ sung. Đồng thời, nguồn vốn dùng vào việc kê khai, đăng ký, cấp bìa đỏ mới và cấp đổi; xây dựng cơ sở dữ liệu…
Theo Sở TN&MT, với việc đo đạc bổ sung, chỉnh lý, cấp bìa đỏ, xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý đất lâm nghiệp, trước mắt ưu tiên phần đo đạc chỉnh lý, cấp đổi bìa đỏ; các khu vực giáp ranh với đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng; những khu vực có đối tượng hộ gia đình, cá nhân góp vốn, liên doanh, liên kết hợp tác trong sản xuất lâm nghiệp. Nghị quyết HĐND tỉnh đưa ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ diện tích đất lâm nghiệp do hộ gia đình, cá nhân sử dụng được cấp bìa đỏ là hơn 85%, năm 2025 là 100%.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng cảnh báo, HĐND tỉnh sẽ cân nhắc quyết định về nguồn kinh phí phân bổ cho đo đạc, cấp bìa đỏ đất lâm nghiệp miền núi, bởi thực tế nguồn vốn của tỉnh đã từng cấp cho hoạt động này, nhưng hiệu quả cần xem xét lại. Tiền không thể ném qua cửa sổ. Ở vùng Đông của tỉnh, nguồn vốn cũng bố trí để đẩy nhanh khối lượng cấp bìa đỏ nhưng quản lý hiện trạng không đơn giản, trong khi đó vùng Tây đất đai bạt ngàn, tranh chấp dai dẳng trong sử dụng đất lâm nghiệp. Miền núi cần lưu ý rút kinh nghiệm, đánh giá cụ thể về những vướng mắc khi đo đạc, cấp bìa đỏ, xác định hồ sơ pháp lý đất đai như đã triển khai ở vùng Đông.
Về đề nghị cấp kinh phí của UBND tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Hoàng Minh cho rằng, số liệu thông tin mà Sở TN&MT (tham mưu UBND tỉnh) đưa ra là thiếu thuyết phục, bởi chưa có một con số thống kê cụ thể là bao nhiêu mảnh đất (thửa đất) cần chỉnh lý trong tổng số thửa đất; bao nhiêu thửa đất biến động và vì sao biến động. “Khi xây dựng dự toán kinh phí phải rạch ròi, chi li từng hạng mục, khối lượng đo đạc bổ sung, chỉnh lý biến động, khối lượng cấp mới, cấp đổi bìa đỏ. Sở TN&MT phải xây dựng hoàn thiện báo cáo” – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Hoàng Minh lưu ý.