Khó di dời cơ sở gây ô nhiễm
TP.Tam Kỳ đang tập trung kiểm tra các xí nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, việc di dời các cơ sở này ra xa khu dân cư theo kiến nghị của người dân vẫn còn nhiều khó khăn.
Từ năm 2010 đến nay, người dân sinh sống tại khối phố Xuân Nam, phường Trường Xuân (TP.Tam Kỳ) bức xúc trước sự việc Xí nghiệp lâm đặc sản Tam Kỳ (sau đây gọi tắt là Xí nghiệp) gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Người dân liên tục phản ánh về việc Xí nghiệp sử dụng giẻ lau hóa chất để đưa vào lò đốt khí hơi nóng tạo ra các mảng bụi đọng xuống nhà cửa của họ. Quá trình sản xuất của Xí nghiệp cũng phát tán khá nhiều bụi gỗ và mùi sơn ra khu vực nhà dân lân cận; xử lý chất thải nguy hại chưa đúng quy trình.
Trước sự việc này, trong nhiều năm qua, Phòng Tài nguyên - môi trường TP.Tam Kỳ đã tiến hành kiểm tra và ghi nhận đúng như người dân phản ánh. Đến nay, Xí nghiệp đã khắc phục một phần việc phát tán bụi gỗ và mùi sơn. Tuy nhiên thực tế vẫn còn nhiều tồn tại như: ống khói lò đốt khí hơi nóng để sấy gỗ còn tỏa ra nhiều khói đen vào thời điểm nhóm lò (từ 5 đến 6h sáng mỗi ngày), khu vực sơn màu bố trí sát vách nhà dân chưa có giải pháp ngăn mùi phát tán.
Theo ông Dương Văn Chí - Trưởng phòng Tài nguyên - môi trường TP.Tam Kỳ, phòng đã yêu cầu Xí nghiệp phải khắc phục những tồn tại về ô nhiễm môi trường trước tháng 9.2019. “Chúng tôi đang tiến hành kiểm tra công tác khắc phục của Xí nghiệp. Nếu vẫn còn vi phạm sẽ kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật. Đối với kiến nghị của người dân cần di dời Xí nghiệp này ra xa khu dân cư, chúng tôi ghi nhận và trình cấp trên xem xét. Tuy nhiên, quan điểm của tôi là không di dời vì nếu Xí nghiệp đã gây ô nhiễm thì di dời đến đâu cũng ô nhiễm. Chúng tôi sẽ kiểm tra và nếu phát hiện vi phạm sẽ kiên quyết chấm dứt hoạt động của Xí nghiệp” - ông Chí nói.
Xí nghiệp lâm đặc sản Tam Kỳ là một trong nhiều địa điểm gây ô nhiễm môi trường được người dân kiến nghị với Phòng Tài nguyên môi trường thành phố từ năm 2018 đến nay. Trong đó, có những điểm ô nhiễm đã tồn tại nhiều năm, gây bức xúc trong nhân dân như: lò giết mổ phường Trường Xuân, cơ sở gò hàn Thiện Tài phường An Xuân.
Ngoài ra còn có nhiều cơ sở kinh doanh nằm trong các khu dân cư có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cũng được người dân kiến nghị kiểm tra, xử lý và di dời. Đơn cử như tại phường Phước Hòa có 6 cơ sở sản xuất, kinh doanh các loại hình như: cơ khí, hóa chất, ô xy, giá đá, gò hàn, thu mua phế liệu. Từ đầu năm 2019 đến nay, Phòng Tài nguyên - môi trường thành phố đã phối hợp với UBND phường kiểm tra các cơ sở này. Qua kiểm tra, phát hiện hầu hết cơ sở chưa đảm bảo công tác vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy. Do vậy, địa phương đã đề nghị thu hồi giấy phép kinh doanh của một số cơ sở và di dời địa điểm ra xa khu dân cư. Tuy nhiên, việc xử lý và di dời các cơ sở này đến nay vẫn gặp nhiều khó khăn.
Theo ông Lê Đình Thành - Chủ tịch UBND phường Phước Hòa, thành phố chưa có quy định cụ thể khoảng cách của các cơ sở sản xuất, kinh doanh có điều kiện với khu dân cư nên địa phương chỉ có thể xử lý vi phạm hành chính. “Tôi đề nghị khi cấp giấy phép sản xuất, kinh doanh cho một cơ sở trong khu dân cư cần lấy ý kiến người dân và đánh giá yếu tố môi trường của địa phương” - ông Thành nói thêm.
Theo ông Dương Văn Chí - Trưởng phòng Tài nguyên môi trường TP.Tam Kỳ, thành phố chưa có số liệu tổng hợp các cơ sở sản xuất, kinh doanh có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm tiếng ồn nằm trong khu dân cư. Do vậy, phòng đã có văn bản yêu cầu các xã, phường rà soát, tổng hợp.
“Từ đầu năm 2019 đến nay, Chúng tôi đã tiến hành kiểm tra 6 cơ sở tại các phường An Sơn, An Phú, An Mỹ, Tân Thạnh và xã Tam Phú. Khi kiểm tra phát hiện sai phạm, là chủ yếu xử phạt hành chính, nhắc nhở chứ không thể di dời địa điểm được vì thành phố không có đủ quỹ đất để bố trí. Do vậy, chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát và kiên quyết xử lý nếu phát hiện vi phạm, sẵn sàng chấm dứt hoạt động của cơ sở không khắc phục được những tồn tại về môi trường” - ông Chí nói.