Sự cố môi trường tại Nhà máy Cồn Đại Tân: Cần biện pháp xử lý phù hợp
Chiều 24.9, UBND huyện Đại Lộc tổ chức buổi đối thoại giữa lãnh đạo Nhà máy cồn Đại Tân (Công ty CP Nhiên liệu sinh học Tùng Lâm) và người dân vùng bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường vừa qua. Tại buổi đối thoại, chính quyền địa phương và người dân đề nghị nhà máy làm rõ nguyên nhân sự cố và phải xây dựng biện pháp tiêu độc môi trường phù hợp.
Làm rõ “sự cố” hay “cố ý”
Tại buổi đối thoại, người dân đặt nghi vấn rằng vụ tràn dầu fulsel thực chất là “sự cố” như phía nhà máy giải thích hay là do nhà máy “cố ý” xả chất thải chưa qua xử lý ra môi trường, ảnh hưởng đến dân sinh? Bởi đây không phải là lần đầu tiên nhà máy xảy ra sự cố môi trường. Ông Nguyễn Xuân Hoa (thôn Nam Phước, xã Đại Tân) kiến nghị: “Chúng tôi mong nhà máy và lực lượng chức năng làm rõ đây là “sự cố” hay là do nhà máy “cố ý” xả thải chất thải chưa qua xử lý ra môi trường. Người dân cần được thông tin rõ ràng, minh bạch”. Theo ông Hoa, sở dĩ người dân nghi ngờ như trên bởi mỗi khi có mưa to là nhà máy xả thải, cùng lúc đó xuất hiện mùi hôi thối và dứt mưa là nhà máy hết xả. “Nhà máy hay lợi dụng trời mưa để xả thải trực tiếp ra môi trường. Dù nhiều lần cam kết với dân nhưng nhà máy lại không thực hiện đúng cam kết. Tại thời điểm lấy mẫu nước của ngành chức năng (có người dân giám sát) tại 4 điểm có nguồn nước xả thải, trong đó có lấy nước tại 1 điểm thuộc cống làm mát của nhà máy thì chúng tôi thấy điểm này nước trong veo. Tuy nhiên, sau lấy mẫu, 11 giờ đêm, người dân quan sát tại cống làm mát này phát hiện nước ra đục ngầu, hôi thối” - ông Hoa nói. Còn ông Nguyễn Thành Chín (xã Đại Tân) thì lo ngại: “Không chỉ vụ này, chúng tôi lo ngại về hầm biogas của nhà máy, đã xuất hiện tình trạng rò rỉ ra vườn nhà của một vài hộ dân sống lân cận. Nếu ngành chức năng không đánh giá kỹ lưỡng thì nguy cơ nổ hầm biogas không chỉ thôn Nam Phước mà cả xã Đại Tân cũng sẽ nguy to khi người dân không biết chạy đi đâu” - ông Chín nói.
Ông Lê Minh Thiên - Giám đốc điều hành Nhà máy cồn Đại Tân giải thích: “Đây là sự cố tràn dầu từ kho xuống hồ sinh thái. Tôi yêu cầu xả nước tầng đáy để tránh lớp dầu tràn hồ gây ảnh hưởng nặng ra môi trường xung quanh. Đây là loại dầu, một chất sử dụng trong chiết xuất cồn, giá thành cao, là tài sản của công ty, không phải là chất xả thải. Bản thân tôi khẳng định đây là sự cố. Cơ quan chức năng đang điều tra và sẽ công bố kết quả. Nhà máy sai tới đâu sẽ chịu trách nhiệm tới đó”. Ông Thiên khẳng định, công ty hoạt động theo luật quy định và cam kết nếu phát sinh sự cố lần nữa sẽ tự đóng cửa nhà máy. Công ty mong muốn được Nhà nước và người dân cho phép tiếp tục thực hiện khâu dang dở rồi đóng cửa, chờ làm việc với cơ quan chức năng.
Cần xử lý, tiêu độc môi trường
Như Báo Quảng Nam đã phản ánh, gần 1 tuần qua, hàng chục người dân thôn Nam Phước (xã Đại Tân) sống lân cận khu vực Nhà máy cồn Đại Tân dựng lều túc trực 24/24 trước nhà máy nhằm yêu cầu đối thoại, giải thích rõ nguyên nhân sự cố cũng như mức độ ô nhiễm ra môi trường khu dân cư. Trước đó, khuya 18.9, khi người dân khu vực này đang say giấc ngủ thì giật mình khi ngửi thấy mùi hôi nồng nặc xộc thẳng vào nhà, kèm với đó là mùi hắc, khiến ai nấy tức ngực, khó thở... Ông Phạm Văn Tĩnh - Phó Giám đốc Nhà máy cồn Đại Tân xác nhận, nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên là do sự cố tràn dầu fusel trong quá trình sản xuất. Theo ông Tĩnh, vào đêm xảy ra sự cố, công nhân vận hành để tràn dầu fusel - một loại dung dịch được chiết xuất từ cồn ethanol, dẫn đến phát tán mùi đặc trưng.
Tại buổi đối thoại, ông Hồ Thanh Phương - Trưởng phòng TN&MT Đại Lộc cho rằng, để làm rõ ý kiến người dân đây là “sự cố” hay “cố ý”, phải chờ kết luận của cơ quan chức năng. Nếu phát hiện đây là việc “cố ý” của nhà máy, lực lượng chức năng và các cơ quan quản lý nhà nước sẽ truy cứu trách nhiệm tới nơi tới chốn. “Sau sự việc này, nhà máy phải ngưng hoạt động. Nhưng nhà máy cần phải xử lý, khắc phục hậu quả môi trường. Cần phải tiêu độc, tẩy độc môi trường. Hiện 9.000m3 dịch dạng men tồn tại ở khu vực nhà máy cần tiếp tục xử lý để tránh gây ô nhiễm tiếp cho toàn xã nên người dân cần tạo điều kiện để nhà máy khắc phục hậu quả. Riêng phương án di dời dân hay đóng cửa nhà máy chờ kết luận và chỉ đạo tiếp theo sau đó” - ông Phương nói.
Cùng quan điểm, ông Hồ Ngọc Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho rằng, ngành chuyên môn, cơ quan chức năng cần làm rõ đây là “sự cố” hay “cố ý”, giải thích cho người dân rõ, trường hợp nếu chưa có kết quả cũng giải thích thời điểm nào sẽ công bố kết quả. Sau sự cố môi trường gây ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế người dân cũng như tình trạng ô nhiễm môi trường mà nhà máy gây ra như khói bụi, nước thải, ô nhiễm nguồn nước, nhà máy cần xem trách nhiệm của mình tới đâu. “Nếu nhà máy tiếp tục tồn tại ở đây thì khắc phục và xử lý, tiêu độc môi trường ra sao và thời gian nào sẽ khắc phục xong, việc xử lý và khắc phục cần phải đúng quy trình, phải xây dựng biện pháp tiêu độc môi trường, được các cấp, ngành chức năng phê duyệt. Trong đó 9.000m3 dịch phải xử lý gấp, có thể trong thời gian 5 ngày, dưới sự giám sát của địa phương, ngành chức năng và người dân để tránh phát tán ô nhiễm cho cả xã. Sau khi tính xong chuyện khắc phục rồi mới tính tiếp khâu di dời nhà máy hay di dân, tính từng bước một” - ông Mẫn nói.