Đại ngàn bừng sáng

VƯƠNG HOÀNG - YÊN CHI 26/09/2019 10:50

Ngày mai 27.9, tại TP.Tam Kỳ, Đại hội đại biểu các Dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Quảng Nam lần thứ III - năm 2019 chính thức khai mạc. Nhìn lại 5 năm qua, bên cạnh nỗ lực của chính cộng đồng địa phương, các chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh cho vùng đồng bào DTTS đã làm thay đổi diện mạo nông thôn miền núi, góp phần đưa mục tiêu giảm nghèo bền vững ngày càng thực chất và hiệu quả.

Diện mạo nông thôn miền núi trong tỉnh đang ngày càng khởi sắc. Ảnh: Y.C
Diện mạo nông thôn miền núi trong tỉnh đang ngày càng khởi sắc. Ảnh: Y.C

5 năm qua, diện mạo miền núi đã có sự thay đổi khá rõ nét. Từ một thị trấn P’rao (Đông Giang), nhiều năm bị “trói buộc” bởi không gian quá chật hẹp - nay đang trở mình bằng việc quy hoạch mở rộng về phía bên kia dòng A Vương với khu dân cư đông đúc; hay những bản làng vốn chênh vênh trên các đỉnh đồi từ Tây Giang, Hiệp Đức, Nam Trà My… cũng dần được đưa về tập trung tại các khu tái định cư bằng phẳng, đủ đầy hệ thống điện - đường - trường - trạm và nước sinh hoạt, phục vụ cuộc sống. Có người nói, vùng cao bây giờ đã trở nên bừng sáng, với diện mạo của hạ tầng cơ sở đồng bộ và các mô hình phát triển kinh tế, góp vào sự chuyển mình của núi.

Cộng đồng an cư

Trong số rất nhiều chương trình dự án đầu tư của Trung ương, của tỉnh dành cho vùng đồng bào DTTS, chính sách hỗ trợ bố trí, sắp xếp dân cư miền núi được xem có sức lan tỏa sâu rộng, giúp đồng bào ổn định cuộc sống lâu dài. Theo bà Lê Thị Thủy - Trưởng ban Dân tộc tỉnh, từ nguồn ngân sách phân bổ thực hiện Nghị quyết số 05 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - xã hội miền núi gắn với định hướng thực hiện một số dự án lớn tại vùng tây Quảng Nam, trong 3 năm (2017 - 2019) đã bố trí gần 285,9 tỷ đồng, sắp xếp ổn định về nhà ở cho 4.371 hộ đồng bào DTTS. Nhờ vậy, vừa giải quyết được bài toán an cư cho cộng đồng, vừa tránh được những hiểm họa khôn lường do sạt lở đất ở miền núi. “Sau những vụ lở đất gây thiệt hại nghiêm trọng ở miền núi trong thời gian qua, công việc sắp xếp, bố trí ổn định dân cư càng trở nên cấp thiết. Từ chủ trương của tỉnh, nhiều làng vùng cao đã được tái thiết hoàn chỉnh, đồng thời gắn việc an cư với mục tiêu phát triển kinh tế bền vững” - bà Thủy nói.

Qua 5 năm thực hiện Quyết tâm thư Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Quảng Nam lần thứ II, nhiều chính sách đầu tư phát triển vùng đồng bào DTTS đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Ngoài 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm; 100% xã được tiếp cận điện lưới quốc gia và 98% số hộ sử dụng điện; từ nguồn ngân sách hơn 12.000 tỷ đồng của Trung ương, của tỉnh đã đầu tư xây dựng, kiên cố hóa hệ thống trường học, trạm y tế; thực hiện sắp xếp, bố trí các dự án tái định cư gắn với phát triển sản xuất; đào tạo nghề, bảo tồn văn hóa truyền thống. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo bình quân ở miền núi giảm 5,16%/năm; trong đó, tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS giảm bình quân 6,5%/năm; thu nhập bình quân đầu người hằng năm 16 triệu đồng, tăng 6 triệu đồng so với năm 2014. Ngoài ra, toàn tỉnh có gần 2.670 cán bộ người DTTS; gần 4.890 người được hỗ trợ học nghề, 358 người được đào tạo nghề và đi xuất khẩu lao động nước ngoài. Trong 5 năm tới, Quảng Nam phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS xuống còn dưới 10%; thu nhập bình quân đạt 28 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 46%; độ che phủ rừng đạt 68%.

Cùng với Tây Giang, những năm qua, Nam Trà My được đánh giá là một trong số ít địa phương làm tốt công tác sắp xếp, ổn định dân cư cho đồng bào DTTS theo hướng lồng ghép giữa các nguồn vốn của Trung ương và tỉnh. Trong đó, ngân sách từ Nghị quyết 05 và Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh là chủ yếu, giúp địa phương xóa dần các điểm đen về sạt lở, hình thành các khu tái định cư an toàn trên mặt bằng rộng lớn. Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My - Hồ Quang Bửu cho hay, từ các dự án tái định cư theo chủ trương của tỉnh, bên cạnh giúp ổn định đời sống cho đồng bào, còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, làm thay đổi diện mạo bản làng vùng cao. Bài toán an cư, với Nam Trà My thực sự là một trợ lực cần thiết, giúp địa phương giải quyết được nỗi lo “họa núi đè”.

Làm giàu từ... rừng

Góp sức tô thêm vẻ đẹp cho diện mạo vùng cao bây giờ, ngoài chính sách hỗ trợ đầu tư của Nhà nước, còn từ chính màu xanh của rừng. Người vùng cao dựa vào rừng để làm giàu bằng các mô hình kinh tế trọng điểm - vườn cây dược liệu quý, từ đảng sâm, ba kích, cho đến sâm Ngọc Linh với giá trị kinh tế cao, mở ra cơ hội làm giàu cho đồng bào DTTS. Những tán rừng già, bây giờ, là tài sản chung của cộng đồng, của từng hộ gia đình nên ra sức bảo vệ, gìn giữ.

Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang - Arất Blúi cho rằng, lâu nay tập quán canh tác của đồng bào vùng cao vốn đã gắn với rừng, xem rừng là nguồn sống để sinh tồn và phát triển. Vì thế, làm giàu từ rừng, như một bước đệm chuyển đổi tư duy theo phương thức sản xuất mới, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân miền núi, từng ngày. Như ở Tây Giang, những năm qua, địa phương này luôn duy trì và phát triển trồng cây dược liệu dưới tán rừng, bao gồm cả ba kích, đảng sâm và một số loại sâm núi khác. Từ việc trồng, chăm sóc cây dược liệu theo phương pháp xen canh, đã giúp nhiều hộ đồng bào Cơ Tu có nguồn thu nhập đáng kể, xây dựng nhà cửa khang trang, chăm lo sức khỏe, cũng như việc học tập cho con cái. “Cùng với phát triển cây dược liệu, chúng tôi cũng đã chủ động kêu gọi thu hút đầu tư phát triển du lịch, từng bước hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng, phục vụ nhu cầu của du khách” - ông Blúi nói.

Dựa vào rừng, câu chuyện tưởng chừng khá bình dị ấy, nay đã trở thành thứ đặc sản để đồng bào miền núi làm giàu chính đáng. Mà sâm Ngọc Linh là điển hình. Loại cây “thuốc giấu” của đồng bào Xê Đăng giờ đã là “quốc bảo” với giá trị kinh tế siêu lợi nhuận. Bài toán giảm nghèo từ sâm Ngọc Linh đã được tính đến, công tác di thực trồng thử nghiệm cũng được triển khai tại một số huyện miền núi, hứa hẹn trong nay mai, tỷ lệ làm giàu từ rừng sẽ còn được tiếp nối…

VƯƠNG HOÀNG - YÊN CHI