Chính quyền không thể dọn rác mãi!

T.Đ.T  26/09/2019 10:46

Quảng Nam hiện có 3 khu xử lý rác thải lớn là khu xử lý Đại Hiệp, Tam Xuân 2, Tam Nghĩa. Trong đó, khu xử lý rác Đại Hiệp đã quá tải và sắp đóng cửa vào năm sau, còn bãi rác Tam Nghĩa và Tam Xuân 2 thì liên tục gặp sự phản đối của người dân vì gây ô nhiễm. Gần tháng nay, tại nhiều khu dân cư, tuyến quốc lộ trên địa bàn tỉnh ngập tràn rác thải. Chính quyền phải vận động người dân tự xử lý rác thải.

Cùng với quá trình đô thị hóa, vấn đề rác và ô nhiễm môi trường đã trở thành câu chuyện lớn, mà ở đó các cấp chính quyền hoàn toàn bị động trong tiên lượng, quy hoạch và lúng túng trong việc xử lý khi có phản ứng của người dân. Mà nghĩ cho cùng, chính quyền cũng chỉ đủ khả năng tính toán quy hoạch các khu dân cư, các điều kiện hạ tầng kỹ thuật (như chợ búa, điện nước, rác thải…) chứ không thể dài tay làm hết mọi việc, tuy là có các công ty nhà nước dưới quyền. Các đơn vị đó vẫn là các đơn vị sự nghiệp có thu mà hàng năm ngân sách phải bỏ ra không ít để bù lỗ. Chưa kể đến việc xây dựng các bãi rác và đầu tư thiết bị xử lý, khai thác các nguồn lợi từ rác! Chính quyền chỉ nên là cơ quan quản lý nhà nước, quy hoạch, xác định định hướng và quản lý xã hội theo luật cùng các tiêu chuẩn của luật định, kể cả kiểm tra các hoạt động liên quan. Còn lại là phần việc của xã hội tham gia thông qua các mô hình hoạt động của doanh nghiệp. Đối với rác thải cũng vậy, nói nôm na tình trạng hiện nay là “chính quyền không thể cứ đi dọn rác mãi” như lâu nay và cần một sự phối hợp hoạt động giữa các công ty môi trường đô thị, công ty tư nhân và các doanh nghiệp.

Mô hình thu gom và xử lý rác ở Singapore với 100% lãnh thổ là đô thị cho ta nhiều kinh nghiệm. Hiện mỗi ngày Singapore thải ra khoảng 21.000 tấn rác các loại, 38% đốt được, 2% không đốt được thì đem chôn ở nơi quy định, 60% rác còn lại được tái chế. Trong đó, các tổ chức thuộc Bộ Môi trường thu gom rác thải khu dân cư và hơn 300 công ty tư nhân thu gom chất thải ở khu vực công nghiệp và thương mại. Các công ty tư nhân thu gom rác được cấp giấy phép hoạt động và chịu sự giám sát của Bộ Môi trường theo quy định về môi trường sức khỏe cộng đồng. Các cơ quan nhà nước, công trường, nhà máy tự thu gom 800 tấn. Bộ Môi trường Singapore là cơ quan quy định giá cả thu gom rác theo tháng hoặc dung tích thùng rác. Việc xử lý rác thải ở Singapore là một ngành công nghiệp hiện đại được đầu tư để sản xuất ra điện; khói và bụi được xử lý triệt để.

Ta chưa đủ điều kiện đầu tư như Singapore, nhưng có thể học hỏi được nhiều điều. Trước hết là kêu gọi các công ty tư nhân đầu tư thu gom và chế biến rác chứ không thể chỉ một mình nhà nước. Người dân cũng cần được hướng dẫn phân loại rác hữu cơ và các loại rác khác ngay tại nhà. Tiếp đến là phải nghĩ đến quy hoạch thu gom chế biến rác để bảo vệ môi trường trước khi xây dựng các khu đô thị. Ba là, các xí nghiệp, khu thương mại phải được ràng buộc các điều kiện thu rác, xử lý môi trường trước khi đổ ra ngoài. Mỗi thôn, khối phố cần có đất để xây dựng các khu chứa rác trung gian ngay từ đầu. Và trên hết là một chế tài nghiêm ngặt!

Có như vậy, hậu quả về môi trường mới có thể được bảo đảm và các cơ quan quản lý nhà nước không phải cứ thấp thỏm đối phó như hiện nay!

T.Đ.T