Quế Sơn phát huy vai trò tộc văn hóa

THÁI CƯỜNG 25/09/2019 11:31

Cùng với việc xây dựng sự gắn kết họ hàng và lưu truyền giá trị tốt đẹp của dòng tộc, các tộc văn hóa còn đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Quế Sơn.

Tọa đàm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng Tộc văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới. Ảnh: THÁI CƯỜNG
Tọa đàm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng Tộc văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới. Ảnh: THÁI CƯỜNG

Nhiều điển hình

Thực hiện chủ trương xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, từ năm 2017, tộc Lương (thôn Đồng Thành, xã Quế Châu, huyện Quế Sơn) đưa chủ trương trên vào trong quy ước của dòng tộc và phổ biến cho con cháu cùng thực hiện. Trong việc cưới sẽ không tổ chức linh đình gây ồn ào, lãng phí, mất trật tự; trong việc ma chay sẽ không rãi tiền, vàng mã gây ô nhiễm môi trường và không thuê mướn người về hát hò, nhảy múa trước lúc đưa tang. Ông Lương Trọng Tuyến - trưởng tộc Lương cho hay: “Toàn tộc có trên 200 hộ. Những năm qua, chúng tôi luôn duy trì tốt các hoạt động xây dựng nếp sống văn hóa dòng tộc, thường xuyên tổ chức rà soát bổ sung các quy ước của dòng tộc để phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Từ đó, tổ chức ký kết cam kết thi đua, kiểm tra lẫn nhau để mỗi thành viên trong tộc có hướng phấn đấu làm tốt quy ước gia tộc”. Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Quế Châu, ông Lương Mạnh Thắng cho hay: “Việc đi đầu của tộc Lương có tác động rất lớn đến ý thức của nhân dân trên địa bàn xã. Bây giờ, khi nói đến tộc Lương mọi người biết đến là tộc có nếp sống văn minh, bài trừ hủ tục, đi đầu trong công cuộc xây dựng nông thôn mới ở địa phương”.

Tính đến cuối năm 2018, toàn  huyện Quế Sơn có 14 xã, thị trấn đã tổ chức phát động xây dựng “Tộc văn hóa”, có 131 tộc đăng ký xây dựng tộc văn hóa và có 92 tộc được UBND các xã, thị trấn công nhận danh hiệu tộc văn hóa. Mỗi tộc có mô hình tổ chức khác nhau nhưng chủ yếu tập hợp các con cháu trong gia tộc cùng nhau cam kết xây dựng đời sống văn hóa, giúp đỡ nhau thoát nghèo, tham gia hiến đất đai, hoa màu, xây dựng các thiết chế văn hóa ở khu dân cư nông thôn mới, tiêu biểu như tộc: Đoàn Đình (xã Quế Xuân 2), tộc Lê Quang (xã Quế Phú), Trương Văn (thị trấn Đông Phú)… 

Ông Lý Xuân Phong - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Quế Sơn cho biết, phát động từ năm 2015 đến nay, phong trào xây dựng tộc văn hóa gắn với việc xây dựng nông thôn mới ở từng địa phương đã có những kết quả tích cực. “Các tộc vận động con cháu đóng góp công sức, tiền của xây dựng nông thôn mới tại nơi mình sinh sống. Quá trình phấn đấu xây dựng tộc văn hóa kéo theo các tiêu chí nông thôn mới được nâng lên như: văn hóa, an ninh trật tự, môi trường… hiệu quả” - ông Phong cho hay.

Trở lực

Theo ông Lý Xuân Phong, tộc văn hóa đóng một vai trò quan trọng trong việc thực hiện các chủ trương của Đảng về xây dựng nông thôn mới, vì đặc thù mỗi làng quê đều gắn với một, hai dòng tộc lớn, chiếm tỷ lệ dân số cao trong làng, xã. Để chủ trương về xây dựng nông thôn mới lan tỏa sâu rộng, việc tuyên truyền tác động của dòng tộc đến mỗi thành viên trong gia tộc đóng vai trò quan trọng, cùng với bộ máy chính quyền triển khai chủ trương đến nhân dân. Mặc dù đã có sự vào cuộc quyết liệt của các tộc văn hóa trong việc thường xuyên chỉnh sửa, đổi mới nội dung, quy ước của dòng tộc phù hợp với nội dung về xây dựng tộc họ văn hóa gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới do Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện phát động nhưng vẫn còn một số khó khăn. Bởi thực tế hiện nay phần lớn thành viên hội đồng gia tộc ở các tộc là cao niên, sức khỏe yếu, đi lại khó khăn; thành viên là thanh niên trong các gia tộc thường đi làm ăn xa nên thiếu gắn bó với gia tộc trong việc tham gia hưởng ứng các phong trào thi đua do tộc phát động. Bên cạnh đó, một số tộc chưa thực sự mặn mà với việc xây dựng tộc văn hóa, hệ thống pháp lý công nhận tộc văn hóa cũng còn nhiều bất cập gây khó khăn với những tộc có ít thành viên.

Ông Lý Xuân Phong cho biết thêm, hiện nay phạm vi hoạt động của tộc không giới hạn trên một đơn vị hành chính cụ thể mà rải rác nhiều khu dân cư, trong và ngoài tỉnh, kể cả nước ngoài, tạo thuận lợi cho việc làm ăn, phát triển dòng tộc ra phạm vi lớn hơn. Thế nhưng đây cũng là hạn chế trong việc tập hợp con cháu để duy trì hội họp, sinh hoạt theo kỳ; việc quản lý, giáo dục các thành viên trong gia tộc cũng gặp khó khăn nhất định… “Thời gian đến, Mặt trận huyện sẽ tham mưu ban hành văn bản về việc tăng cường trách nhiệm của các cấp ủy Đảng và các tổ chức chính trị trong việc chỉ đạo xây dựng tộc văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới. Đồng thời chỉ đạo Mặt trận xã, thị trấn tích cực hỗ trợ, vận động các tộc chưa đủ điều kiện tiến đến xây dựng tộc họ văn hóa” - ông Phong nói.

THÁI CƯỜNG