Tử tế với môi trường

VĨNH LỘC - QUỐC TUẤN - X.HIỀN - B.VÂN 24/09/2019 14:43

Giảm sử dụng một chai nhựa mỗi ngày, hay chỉ cần xách giỏ đi chợ là đã góp phần giảm lượng bao ny lon thải ra môi trường. Từng ngày một, tử tế với môi trường trở thành tử tế với chính tương lai con cháu mình...

Sử dụng sản phẩm tái chế cũng là cách để hướng đến thân thiện với môi trường.
Sử dụng sản phẩm tái chế cũng là cách để hướng đến thân thiện với môi trường.

“MẠNG LƯỚI” DOANH NGHIỆP XANH

Để xây dựng thương hiệu du lịch không rác thải nhựa, không cách nào nhanh và bền vững bằng việc cộng đồng doanh nghiệp phải hành động. Thời gian qua, một “mạng lưới” các đơn vị kinh doanh ở TP.Hội An đã kết nối, mạnh dạn tiên phong với các giải pháp, hoạt động và bước đầu tạo ra hiệu ứng tích cực, lan tỏa.

Chủ động loại bỏ rác thải nhựa

Trong một hội thảo phát triển du lịch, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Quảng Nam Phan Xuân Thanh kêu gọi: “Với vấn nạn về rác thải du lịch, doanh nghiệp hãy ứng xử để tự cứu lấy mình trước khi trông cậy vào các giải pháp từ chính quyền”.

Ông Phan Xuân Thanh cũng là một trong những lãnh đạo doanh nghiệp tiên phong trong việc kiểm soát rác thải tại nguồn. Từ tháng 7.2018, nhà hàng Cánh đồng Hội An đã áp dụng giải pháp không dùng túi ny lon, không phục vụ đồ nhựa sử dụng một lần. Đơn vị này tổ chức thống kê số liệu rác thải phát sinh trong năm và phân thành 4 loại: rác dễ phân hủy, rác khó phân hủy, rác tái chế, thức ăn thừa, để tạo sự thuận lợi nhất cho việc thu gom đồng thời tận dụng một phần tái chế phân compost. Các cơ sở lưu trú cao cấp vốn được cho là khó triển khai hoạt động này, tuy nhiên đơn cử như trường hợp của The Silk Sense Resort, khách hàng cực kỳ hài lòng và thích thú với các sản phẩm vệ sinh cá nhân làm từ các vật liệu thiên nhiên hoặc không phải vật liệu nhựa.

Lễ ký kết hành động hướng tới du lịch không rác thải nhựa.
Lễ ký kết hành động hướng tới du lịch không rác thải nhựa.

Tìm kiếm các giải pháp xử lý phù hợp, vừa giảm phát thải rác ra môi trường vừa tạo sản phẩm phục vụ cộng đồng cũng là một hướng đi tích cực mà các đơn vị như Sapo Hội An hay An Nhiên Farm đã triển khai trong thời gian qua. Trong 5 năm qua, Sapo Hội An đã xử lý được khoảng 300 lít dầu ăn đã qua sử dụng thành xà phòng nhà bếp, còn từ tháng 10.2018 đến nay An Nhiên Farm đã tái chế được khoảng 300kg xà phòng và 1,5 tấn vải trắng dùng một lần ở khách sạn cao cấp.

Với Công ty TNHH Du lịch Hội An Kayah Tour, ngoài việc tổ chức tour du lịch vớt rác trên sông Hoài bảo vệ môi trường lâu nay, ông Nguyễn Văn Long – lãnh đạo đơn vị cho biết sẽ sử dụng lượng rác thải hữu cơ thu dọn được đem tái chế thành các chế phẩm sinh học thân thiện với môi trường để hạn chế lượng rác thải phát sinh.

Trải nghiệm môi trường

Ông Pieter Debrine - Giám đốc Chương trình Du lịch bền vững – Trung tâm Di sản thế giới – UNESCO Paris cho rằng: “Du khách đến Hội An, Mỹ Sơn và lưu trú trong các khách sạn phải có ý thức rằng đang ở giữa di sản của thế giới, để nâng cao trách nhiệm. UNESCO rất quan tâm đến việc bảo vệ môi trường trong di sản và muốn làm được điều này phải có công cụ, có chương trình cụ thể và đặc biệt là các nhà quản lý phải đồng hành với doanh nghiệp. Chúng ta đã chứng kiến lượng khách tăng trưởng đến kinh khủng tại Hội An, Quảng Nam. Cộng đồng doanh nghiệp, địa phương đã hiểu, du lịch đang đe dọa lên di sản. Điều cốt yếu là phải duy trì được bản sắc bên trong di sản. Làm sao để đến Hội An không phải ở khách sạn đẹp mà là để trải nghiệm di sản. Vậy cần phải nghĩ đến môi trường sống, môi trường văn hóa để khẳng định những giá trị và chia sẻ. Từ những hoạt động của một nhóm nhỏ dần dần sẽ tác động đến một bộ phận lớn hơn khi chúng ta thực sự bền bỉ”. Còn GS. Peter Larsen - Đại học Geneva Thụy Sỹ cho biết Thụy Sỹ có chương trình kéo dài 12 năm trong đó có hỗ trợ phát triển du lịch bền vững tại Việt Nam. Trước tiên, chương trình thúc đẩy phong trào sử dụng chai nước bằng thủy tinh thay vì chai nhựa tại các cơ sở lưu trú, phục vụ du lịch (X.HIỀN)

Theo Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, đến cuối tháng 6.2019, có hơn 100 nhà hàng, khách sạn, homestay ở Hội An cam kết giảm thiểu rác thải nhựa, hình thành một “bản đồ” các điểm dịch vụ, lưu trú sinh thái. Có thể thấy, bước đầu đã có một “làn sóng” giảm thiểu đồ nhựa dùng một lần, tạo ra những hiệu ứng lớn để kích thích cộng đồng doanh nghiệp chung tay tạo ra “con sóng” lớn.

Ông Lê Ngọc Thuận - Chủ tịch Hội Homestay Quảng Nam cho rằng: “Những ai đã tham gia rồi thì cố gắng “kéo” những người khác lại cùng với mình vì nếu họ không tham gia và hoạt động chệch hướng thì chính chúng ta cũng gặp bất lợi. Điều cần thiết nhất là phải giải thích, phân tích cho họ thấy được cái lợi lâu dài khi tổ chức các mô hình sản phẩm du lịch xanh, du lịch bền vững”.

Hướng du khách đến sản phẩm thân thiện

“Nếu muốn sử dụng các dịch vụ, tiện ích giải trí cao cấp, du khách có nhiều lựa chọn phù hợp hơn là Hội An, vì vậy đây là cơ hội không thể tốt hơn để các bạn hướng du khách đến các sản phẩm du lịch xanh khi mà địa phương có lợi thế rất lớn ở mảng này” - ông Pieter Debrine - Giám đốc Chương trình du lịch bền vững, Trung tâm Di sản thế giới - UNESCO Paris gợi mở.

Vừa qua, Hội An cũng đã xây dựng ấn phẩm du lịch không rác thải nhựa để thông tin tổng quan đến du khách những điểm đến thân thiện ở đô thị cổ đã “tẩy chay” rác thải nhựa. Một vòng quanh phố Hội, từ phố đi bộ, bảo tàng, hội quán, nhà cổ đến các điểm trò chơi đập nồi, bài chòi, cất rớ trên sông đều sẽ không có bóng dáng của rác thải nhựa.

Các giải pháp và sản phẩm thay thế đang dần được tạo ra để người dân và du khách ít nhất không bị “hụt hẫng” một khi giảm dần các đồ nhựa dùng một lần. Chợ phiên Hội An đi vào hoạt động vào cuối năm 2018 đến nay vẫn được duy trì đều đặn theo tháng là một hướng đi tích cực để khuyến khích doanh nghiệp tạo ra sản phẩm “xanh”. Tại đây, người sản xuất sẽ kết nối trực tiếp với người dùng, giảm thiểu vật liệu đóng gói, bảo quản cũng như thúc đẩy sản xuất các sản phẩm, dịch vụ quy mô nhỏ, phù hợp với địa phương.

Ông Michael Croft - Trưởng Văn phòng đại diện UNESCO tại Việt Nam cho rằng: “Những sáng kiến để giảm thiểu tác động từ rác thải nhựa đến môi trường du lịch là mục tiêu và ưu tiên chung của tất cả chúng ta chứ không riêng gì vì lợi ích của khách du lịch. Đó còn là lợi ích của cộng đồng, của môi trường và cả thế hệ tương lai của chúng ta”.

LAN TỎA TỪ HÀNH ĐỘNG NHỎ

Những chiếc giỏ nhựa được các hội đoàn thể vận động chị em phụ nữ sử dụng mỗi khi đi chợ; những phiên họp thưa dần các chai ly nhựa sử dụng một lần... Chuyện nhỏ, nhưng đã bắt đầu có sức lan tỏa lớn...

Đi chợ bằng giỏ nhựa - phong trào đang được chị em phụ nữ hưởng ứng.
Đi chợ bằng giỏ nhựa - phong trào đang được chị em phụ nữ hưởng ứng.

Chai thủy tinh trong phòng họp

Tại TP.Đà Nẵng, những cuộc hội họp tại các cơ quan Nhà nước đã không còn thấy những sản phẩm nước đóng chai dùng một lần. Tháng 4.2019, UBND TP.Đà Nẵng triển khai phong trào “Chống rác thải nhựa”. Ông Đinh Quang Cường - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên & môi trường TP.Đà Nẵng cho biết, các cơ quan, đơn vị đã giảm dần việc sử dụng các sản phẩm nhựa, đặc biệt không sử dụng chai nhựa tại các cuộc họp, hội thảo, hội nghị. Ban Quản lý tòa nhà Trung tâm hành chính thành phố sử dụng bình kim loại, thủy tinh... để thay thế chai nhựa sử dụng một lần phục vụ các cuộc họp, hội thảo... tổ chức tại toà nhà.

Tại Quảng Nam, phong trào “Chống rác thải nhựa” được triển khai từ tháng 5.2019. Hưởng ứng phong trào này, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị dùng chai thủy tinh để thay thế và loại bỏ dần việc sử dụng chai nhựa trong các hoạt động hội họp. Các chai thủy tinh được vệ sinh sạch sẽ để đựng nước sử dụng nhiều lần nhằm hạn chế rác thải nhựa, đồ dùng bằng nhựa sử dụng một lần.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chia sẻ, phong trào “Chống rác thải nhựa” nhằm tuyên truyền, vận động, kêu gọi cộng đồng thay đổi hành vi, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, túi ny lon khó phân hủy, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe con người và hệ sinh thái. Trong đó, cùng với công tác truyền thông đến cộng đồng, là phải tạo ra sản phẩm thay thế để đến tận tay người tiêu dùng... Và hẳn, hình ảnh đẹp từ các cuộc họp ở những cơ quan công quyền, đã thật sự tạo nên dấu ấn về một quyết tâm “chống rác thải nhựa”...

Thích nghi với sống xanh

Bắt đầu từ Cù Lao Chàm, với hàng loạt các hoạt động từ “nói không với bao ny lon” cho đến việc sử dụng giấy báo, lá chuối để gói thực phẩm và đựng trong những chiếc giỏ nhựa dùng để đi chợ, đến bây giờ, hầu như các huyện, thị của Quảng Nam đều đã phát động phong trào “chống rác thải nhựa” bằng nhiều hình thức khác nhau, từ kêu gọi việc sử dụng bình đựng nước thủy tinh đến câu chuyện các hội, đoàn thể địa phương vận động người dân hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, hay câu chuyện những chiếc giỏ nhựa dùng để đi chợ được phát tặng mỗi bà nội trợ.

Chị Lê Thị Thu Mai - tiểu thương chợ Vĩnh Điện cho biết, hiện nay, ngoài việc dùng giỏ nhựa để đi chợ, các tiểu thương còn được triển khai mô hình phân loại rác thải tại nguồn... Ai cũng muốn môi trường sống trong lành, nhưng trước khi đòi hỏi nơi chốn mình sống thay đổi tốt đẹp hơn, hãy đổi thay từ chính mình. Thông điệp này được nhiều chị em phụ nữ biến thành hành động, bằng những chiếc giỏ mây, giỏ cói hay giỏ nhựa có thể xài bền bỉ 5, 10 năm... thay cho bao món đồ nhựa mỗi ngày. Từ chuyện nhỏ như cái giỏ đi chợ của mỗi người phụ nữ, thành một chuyện lớn của xã hội rằng hạn chế dần rác thải nhựa...

Thêm một khái niệm nữa tương đồng với hành động “chống rác thải nhựa”. Bây giờ, người ta hay dùng cụm từ “sống xanh”. “Sống xanh” thường liên quan đến hoạt động tái chế sản phẩm và những câu chuyện thân thiện với môi trường, kể cả việc tiết kiệm mua sắm mỗi ngày. Một trang trại bên sông Thu Bồn từng khiến nhiều người thán phục với câu chuyện biến rác thải thành những sản phẩm sử dụng được, thân thiện với môi trường. Chủ nhân của An Nhiên Farm nói mình không hy vọng có thể thay đổi điều gì lớn lao, nhưng mỗi ngày lại thêm một người cộng sự, lại thêm những bàn tay cùng hành động với An Nhiên, lan tỏa tinh thần tử tế với môi trường, đã là thành công.

Một số liệu đáng lưu tâm khi Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia hàng đầu phải chịu trách nhiệm cho khoảng 13 triệu tấn nhựa được thải ra đại dương/năm. Trong khi đó, riêng Quảng Nam, số liệu năm 2018 cho biết, khối lượng rác thải phát sinh trong sinh hoạt lên đến khoảng 240 nghìn tấn, trung bình một ngày có hơn 92 tấn rác được thải ra môi trường. Tại TP.Đà Nẵng, theo Sở TN&MT, mỗi ngày TP.Đà Nẵng thải ra từ 900 đến 1.000 tấn rác. Trong đó, rác thải từ nhựa là mối quan tâm hàng đầu. Theo thống kê của sở này, tại quận Hải Châu, quận trung tâm của TP. Đà Nẵng, hiện có hơn 20 quán trà sữa. Bình quân mỗi tháng, các quán trà sữa thải ra khoảng 50m3 đến 100m3 rác thải từ ly nhựa và ống hút.

Tại cuộc hội thảo về Du lịch không rác thải nhựa mới đây ở Hội An, bà Tôn Nữ Thị Ninh -  Chủ tịch Quỹ Hòa bình và phát triển TP.Hồ Chí Minh cho hay, phát triển du lịch theo hướng bền vững không thể tách rời khỏi di sản và bản sắc.

“Chúng ta thấy bài học, Đông Bắc của Thái Lan đã làm thế nào, làm cho dân tộc thiểu số có một ít thu nhập nhưng lại bào mòn di bản sắc, cái giá phải trả ở đó quá đắt. Dĩ nhiên phát triển phải trả giá nhưng làm thế nào phải hạn chế đến mức tối thiểu giá phải trả cho mỗi một hành động. Việc này đòi hỏi ý thức đến từ tất cả mọi người trong xã hội” – bà Ninh nói. Hẳn không chỉ với riêng du lịch đang chịu áp lực về một lượng quá tải, bản thân mỗi con người cũng đang phải gánh trên vai rất nhiều hệ lụy từ câu chuyện lựa chọn lối sống nhanh, gấp, qua chính những sản phẩm sử dụng hằng ngày.

THAY ĐỔI CÁCH NHÌN VỀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Các doanh nghiệp bắt đầu có những nhận thức và hành động để phát triển bền vững, trong đó, phát triển phải gắn với bảo vệ môi trường sống. Song, câu chuyện “nói không với rác thác nhựa” và “phát triển du lịch bền vững” xem ra vẫn là chặng đường dài.

Du lịch có trách nhiệm đang dần thu hút sự chú ý của du khách.
Du lịch có trách nhiệm đang dần thu hút sự chú ý của du khách.

Theo bà Nguyễn Lan Chi - đại diện khách hàng Công ty Travellife tại Hà Lan, về mặt pháp lý, không riêng gì Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới vẫn chưa có quy định về phát triển bền vững. Đó cũng là lý do rất nhiều công ty đưa lên website của mình là phát triển bền vững nhưng thực tế không đúng vậy.

“Ở Anh và Hà Lan nếu một công ty không phải là thành viên hiệp hội du lịch sẽ gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh vì khách hàng sẽ ái ngại khi đăng ký tour, cho nên các hiệp hội phải đứng ra đóng vai trò bảo trợ uy tín cho doanh nghiệp và đảm bảo quyền lợi khách hàng. Điều này khác xa với Việt Nam, khi các hiệp hội chủ yếu đóng vai trò chia sẻ tiếng nói, kinh nghiệm giữa các doanh nghiệp mà chưa có chính sách dành cho khách hàng hay bảo vệ khách hàng” - bà Chi nói.

Cũng theo bà Chi, hiện doanh nghiệp Việt Nam, Quảng Nam vẫn chưa hiểu hết về du lịch bền vững, mặc dù từ “bền vững” được sử dụng trong hoạt động du lịch không hề ít. “Rất nhiều người vẫn hiểu đơn giản du lịch bền vững là đi nhặt rác, ở với người dân, có tour với cộng đồng… trong khi từ “bền vững” bao hàm rất nhiều khía cạnh. Anh có thể đưa khách đến ở với người dân nhưng anh trả cho người dân số tiền rẻ mạt so với số tiền anh thu từ khách, hoặc nhân viên của anh được trả số tiền thấp hơn mức thông thường… thì đó không phải là phát triển bền vững, vì chính nhân viên và cộng đồng của anh còn không bền vững thì làm sao có thể bền vững với khách hàng được. Vì vậy, việc phát triển bền vững cần phải được nhận thức một cách tổng thể” - bà Chi phân tích.

Ông Phan Xuân Anh - Chủ tịch Công ty du lịch Tân Hồng - du ngoạn Việt (Viet Excusions) chia sẻ, Quảng Nam nói chung và Hội An nói riêng đang hướng đến du lịch xanh, du lịch không rác thải. “Tuy nhiên tôi nhìn thấy có một nhược điểm lớn tại Hội An chính là việc quá ít bóng mát, cây xanh. Du lịch xanh hiện đã là xu thế của cả thế giới. Chúng ta phải tìm những giải pháp, sản phẩm để giảm tối đa thời gian du khách ở trong phòng khi đến Hội An du lịch. Hãy tiết kiệm tối đa việc sử dụng tài nguyên trong các cơ sở lưu trú, ví dụ với điện, bản thân resort của tôi mỗi phòng chỉ tiêu tốn sản lượng điện khoảng 23W/ngày đêm, thấp hơn rất nhiều so với các cơ sở lưu trú khác từ bình dân đến cao cấp. Chúng ta phải nhận thức được rằng việc tiêu thụ nhiên liệu vô trách nhiệm không chỉ nằm ở việc hao hụt tài chính mà vấn đề lớn hơn là lãng phí tài nguyên của đất nước. Các bạn cần quan niệm rằng các hoạt động tái chế, tạo vòng tuần hoàn cho các sản phẩm, cụ thể ở đây là rác thải nhựa, là sử dụng chứ không phải là tận dụng” - ông Anh nói.

Với các điểm du lịch sinh thái còn hoang sơ, chưa bị tác động nhiều bởi khách du lịch, theo ông Anh, cần phải có hệ thống xử lý nước và rác thải một cách bài bản rồi mới tính đường phát triển du lịch sau cũng chưa muộn. Với kinh nghiệm làm du lịch nhiều năm, nhiều doanh nghiệp nhận xét, dòng khách châu Á được xem là khách “tourism” - tức là họ chỉ tham quan và hiếm khi quay lại, trong khi dòng khách chủ lực của Hội An là khách Âu, thích trải nghiệm, thưởng thức và giải trí với khung cảnh “xanh”.

“Một khi dòng khách Âu nhận thấy các địa điểm du lịch nào xô bồ, môi trường bị ô nhiễm trầm trọng thì họ lẳng lặng rời đi và nếu Hội An không hành động và để rơi vào tình trạng này thì thiệt hại sẽ khó lường. Các doanh nghiệp hoạt động du lịch ở Hội An nhất thiết phải có sự kết nối, càng kết nối thì càng có lợi và chỉ có sự kết nối mới giúp tháo gỡ những vướng mắc và giúp cộng đồng du lịch Hội An vươn xa hơn” - ông Anh chia sẻ thêm.

VĨNH LỘC - QUỐC TUẤN - X.HIỀN - B.VÂN